Thượng đỉnh G-20: Điệu tango lỡ nhịp của lãnh đạo Mỹ - Trung
(Dân trí) - Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Argentina vào cuối tháng này, song cơ hội để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hạ nhiệt cuộc tranh thương mại vẫn còn là câu chuyện để ngỏ.
Cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ cùng tham dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina vào cuối tháng 11. Tuy nhiên, những hy vọng về sự đột phá trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn không thể “che mờ” một thực tế rằng, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tồn tại khoảng cách quá lớn và không dễ để thu hẹp khoảng cách này, nhất là chỉ với một cuộc gặp tại G20.
“Chỉ còn 4 tuần trước khi thượng đỉnh G20 khai mạc, sẽ là một thử thách rất lớn với nội các của Tổng thống Trump để có thể soạn thảo một thỏa thuận khi những thông tin trước đó nói rằng Trung Quốc thậm chí không phản hồi bất kỳ yêu cầu nào trong 142 yêu cầu do phía Mỹ đưa ra”, Cliff Tan, lãnh đạo khu vực Đông Á của nhóm nghiên cứu thị trường toàn cầu thuộc ngân hàng MUFG tại Hong Kong, hôm 2/11 cho biết.
Theo chuyên gia Tan, với thiện chí từ cả Trung Quốc và Mỹ, hai nước có thể đạt được tiến triển. Tuy nhiên, nếu chỉ trong khoảng thời gian 4 tuần và sau nhiều tháng bế tắc trong đàm phán thương mại, việc nội các của Tổng thống Trump có thể “khôn khéo chuẩn bị một thỏa thuận mang lại thắng lợi to lớn” cho chính quyền Mỹ dường như là một nhiệm vụ bất khả thi.
Khi hãng tin CNBC ngày 2/11 hỏi liệu Tổng thống Trump đã chỉ đạo nội các soạn thảo một thỏa thuận thương mại khả thi với Trung Quốc hay chưa, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow nói: “Chưa. Chúng tôi vẫn chưa chuẩn bị cho một thỏa thuận”.
“Trung Quốc khiến chúng tôi thất vọng. Phản hồi của họ với những yêu cầu của chúng tôi vẫn chưa thỏa mãn”, ông Kudlow nói.
Khi được hỏi liệu những đề xuất mới từ phía Trung Quốc có cho thấy khả năng Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập sẽ đề cập tới vấn đề thương mại trong chương trình nghị sự của cuộc gặp tại G20 hay không, ông Kudlow nêu rõ: “Chúng tôi vẫn chưa nhận thấy bất kỳ điều gì từ phía Trung Quốc, chưa có gì cả”.
Liên quan tới cuộc chiến thương mại, Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề. Washington tố Bắc Kinh đánh cắp sở hữu trí tuệ, gây sức ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ nếu muốn đầu tư vào Trung Quốc, cùng với đó là các vấn đề liên quan tới sở hữu doanh nghiệp nhà nước, các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, tấn công mạng. Theo Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, mặc dù Washington đã nêu tất cả những vấn đề trên với Trung Quốc, song Mỹ vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía Bắc Kinh.
Như vậy, nếu cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa tìm thấy tiếng nói chung trong các vấn đề gây căng thẳng, ít có khả năng hai nước sẽ dễ dàng giải quyết các mâu thuẫn trong vài tuần trước khi thượng đỉnh G20 diễn ra.
Mỹ tăng trưởng, Trung Quốc sụt giảm
Hai phái đoàn Mỹ - Trung hội đàm bên lề hội nghị G20 tại Đức năm 2017. (Ảnh: Wikipedia)
Theo cây bút Neal Kimberley của SCMP, vấn đề thương mại thực chất chỉ là bề nổi của tảng băng chìm trong quan hệ Mỹ - Trung. Iris Pang, nhà kinh tế tại ngân hàng ING ở Hong Kong, tuần trước từng nhận định, “bản chất của chiến tranh thương mại (Mỹ - Trung) ngày càng lộ rõ hơn qua thời gian”. Nó còn bao gồm cả cuộc chiến công nghệ, cuộc chiến đầu tư và “nhân tố địa chính trị”, trong đó đáng chú ý là tình trạng căng thẳng giữa lực lượng hải quân hai nước trên Biển Đông và các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan.
Mỹ dường như không quá “nóng lòng” muốn đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về thương mại. Các chỉ số kinh tế của Mỹ hiện vẫn tốt.
“Mọi người đều hào hứng về con số 250.000 việc làm mới trong tháng 10. Ngoài ra, cả lương cũng tăng lên. Wow!”, Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 2/11.
Các nhà kinh tế học do Reuters khảo sát ban đầu chỉ kỳ vọng mức tăng việc làm tại Mỹ trong tháng 10 vào khoảng 190.000. Tuy nhiên, con số thực tế đã lên tới 250.000. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống mức 3,7% - mức thấp nhất trong 49 năm, trong khi mức lương trung bình một giờ tại Mỹ trong tháng 10 tăng 3,1%, mức tăng mạnh nhất theo năm kể từ năm 2009.
Ngược lại, Trung Quốc tuần trước đã công bố báo cáo của Bộ Chính trị, cơ quan hoạch định chính sách cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng nền kinh tế nước này đang phải chịu "áp lực suy giảm ngày càng tăng" với những thay đổi “sâu sắc” ở môi trường bên ngoài. Bộ Chính trị Trung Quốc cũng thừa nhận có "nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp và xuất hiện các rủi ro tích lũy trong thời gian dài".
Tuyên bố này là một thay đổi đáng chú ý so với ba tháng trước đó khi Bộ Chính trị Trung Quốc chỉ nói có những thay đổi "đáng chú ý" ở môi trường bên ngoài. Đây là lần đầu tiên ban lãnh đạo Trung Quốc công khai bày tỏ lo ngại về sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp của đất nước kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến thương mại hồi tháng 6.
Xét từ quan điểm chính trị của Mỹ, kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ đang diễn ra sẽ không ảnh hưởng tới tâm lý đồng thuận trong cả hai đảng của Quốc hội Mỹ về việc duy trì cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc về thương mại. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có thể nhận định rằng, mặc dù chiến lược hiện tại của họ trong vấn đề thương mại với Trung Quốc có thể chưa đưa Bắc Kinh tới bàn đàm phán, song ít nhất nó cũng tác động mạnh tới nền kinh tế Trung Quốc trong khi Mỹ vẫn đang tiến về phía trước.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ gặp nhau ở Buenos Aires, Argentina - quê hương của điệu nhảy tango nổi tiếng. Để kết thúc cuộc chiến thương mại, hai nhà lãnh đạo sẽ phải cùng nhau “nhảy điệu tango”. Tuy vậy, cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa sẵn sàng cho điệu tango này.
Thành Đạt
Theo SCMP