Thủ tướng Nhật muốn sửa Hiến pháp Hòa bình vào năm 2016?
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn tiến hành quá trình sửa đổi Hiến pháp nước này vào năm 2016, dấu hiệu rõ nhất từ trước đến nay cho thấy nhà lãnh đạo này sẽ hiện thực hóa mục tiêu thay đổi một văn bản giúp định hình tư tưởng yêu chuộng hòa bình của đất nước Mặt trời mọc thời hậu chiến.
Nhật báo "Asahi" và nhật báo "Sankei" dẫn lời ông Hajime Funada - người đứng đầu một nhóm nhà lập pháp của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền - nói rằng trong cuộc trao đổi hôm 4/2 vừa qua, Thủ tướng Abe đã nhấn mạnh thời điểm phù hợp nhất để bắt đầu sửa đổi Hiến pháp, một tiến trình chính trị đầy phức tạp và khó khăn, là sau các cuộc bầu cử Thượng viện - dự kiến diễn ra vào mùa hè năm 2016. Thông tin này sau đó đã được thư ký của ông Funada là Miki Mori xác nhận.
Người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản, Bộ trưởng Nội vụ Yoshihide Suga cũng xác nhận trong một cuộc họp báo ngày 5/2 rằng Thủ tướng Abe đã có cuộc gặp với ông Funada và hai người đều nhất trí cần nỗ lực hơn nữa để thu hút sự ủng hộ của dư luận đối với việc sửa đổi Hiến pháp.
Ông Suga nói: "Cả hai đã cùng chia sẻ quan điểm rằng sẽ cần thời gian để xúc tiến một cuộc tranh luận toàn diện về vấn đề này. Tôi cho rằng điều này không có nghĩa là một thời hạn chót cụ thể đã được xác định, vẫn còn cần thêm các trao đổi và cần thêm nhiều nỗ lực để hoàn thành mục tiêu này".
Bản Hiến pháp hòa bình, cấm Nhật Bản có những hành vi tham chiến hoặc liên quan đến chiến tranh, do Mỹ - quốc gia khi đó đang chiếm đóng Nhật Bản - soạn thảo sau Chiến tranh Thế giới Thứ II để ngăn quốc gia thất bại này bành trướng chủ nghĩa quân phiệt. Văn bản này được đại đa số người dân Nhật Bản, những người đã quá chán nản và sợ hãi chiến tranh, ủng hộ mạnh mẽ. Bởi vậy kể từ khi được soạn thảo đến nay, Hiến pháp Nhật Bản chưa từng được sửa đổi.
Theo quy định, bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ cần phải có sự ủng hộ của ít nhất 2/3 Quốc hội Nhật Bản, và tiếp theo là sự tán thành của phần đông dư luận thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Với chiến thắng thuyết phục trong các cuộc bầu cử hồi tháng 12/2014, LDP có nhiều khả năng sẽ giành đủ số ghế trong Hạ viện để cơ quan này thông qua, song tại Thượng viện, LDP vẫn chưa có đủ số ghế cần thiết. Tuy nhiên, một chiến thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử năm 2016 có thể thay đổi thực tế này.
Việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp của Nhật Bản chắc chắn sẽ khiến không chỉ Trung Quốc, mà còn cả Hàn Quốc tức giận. Cả hai quốc gia này đều liên tục chỉ trích Nhật Bản cố tình né tránh và thiếu ăn năn về những hành vi hiếu chiến trong quá khứ.
Trước khi trở thành Thủ tướng hai năm trước, ông Abe đã hết sức ủng hộ việc viết lại Hiến pháp nhằm cho phép xây dựng một lực lượng quân đội "đủ lông đủ cánh", đồng thời nói rằng văn bản này đã không còn phù hợp với những thực tế mà một đất nước Nhật Bản dân chủ đang phải đối mặt trong thế giới không ngừng biến động ngày nay.
Tuy nhiên, ban đầu sau khi lên nắm quyền, ông Abe dường như rất ít đề cập tới vấn đề này, có lẽ là do nhận thức được rằng các cuộc thăm dò ý kiến đều cho thấy đa số người dân Nhật Bản phản đối những thay đổi có thể khiến Nhật Bản dễ bị sa lầy vào một cuộc chiến ở nước ngoài.
Tuy nhiên, Thủ tướng Abe đã nhanh chóng nắm bắt "thời cơ" sau khi hai con tin người Nhật Bản bị IS sát hại, với những tuyên bố mạnh mẽ nhất từ trước tới nay nhằm mục tiêu "cởi trói" cho quân đội nước này. Thủ tướng nói rằng Nhật Bản đã không thể giải cứu hai con tin và bởi vậy điều cần làm là nới lỏng những hạn chế đang áp đặt đối với lực lượng vũ trang, vốn chỉ được sử dụng nhằm mục đích phòng vệ đơn thuần, để họ có thể thực hiện các nhiệm vụ giải cứu, di tản và thậm chí là tiến hành các chiến dịch ở nước ngoài để bảo vệ công dân Nhật Bản.
Các con tin - gồm Kenji Goto, một nhà báo tự do và Haruna Yukawa - lần lượt bị chặt đầu trong hai tuần liên tiếp bởi IS, những kẻ khủng bố đòi khoản tiền chuộc lên tới 200 triệu USD. Vụ việc đã gây rúng động dư luận Nhật Bản, những người từ trước tới nay vẫn coi mình "miễn nhiễm" trước các hành động bạo lực mà Mỹ cùng nhiều quốc gia tham gia cuộc chiến ở Trung Đông phải đối mặt. Kể từ năm 1945, Nhật Bản đã theo đuổi một chiến lược ngoại giao hòa bình, và sau đó trở thành "mạnh thường quân" lớn viện trợ kinh tế và nhân đạo cho Trung Đông cùng nhiều khu vực khác.
Hiện vẫn chưa rõ liệu cú sốc sau việc hai công dân Nhật Bản bị những kẻ khủng bố sát hại dã man có làm thay đổi dư luận trong việc ủng hộ quan điểm cứng rắn của Thủ tướng Abe hay không. Kể từ sau vụ việc này, các chính trị gia đối lập thậm chí còn tăng cường chỉ trích Thủ tướng Abe nặng nề hơn, cho rằng chính ông đã kích động IS bằng việc đẩy mạnh sự ủng hộ của Nhật Bản đối với những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm tiêu diệt các tay súng cực đoan này. Chỉ vài ngày trước khi IS đưa ra yêu cầu tiền chuộc, Thủ tướng Abe đã công bố khoản viện trợ phi quân sự trị giá 200 triệu USD cho các quốc gia trong khu vực đang chiến đấu chống lại IS.
Tuy nhiên, ngày 5/2, Hạ viện Nhật Bản đã nhất trí thông qua một nghị quyết lên án vụ sát hại con tin và kêu gọi Nhật Bản tích cực phối hợp hơn nữa với cộng đồng quốc tế nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Theo TTK/baotintuc.vn