1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thủ tướng Ấn - Nhật chứng tỏ tình thân

(Dân trí) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hôm qua 26/1 đã ngồi cạnh nhau trên khán đài ở New Delhi để chứng kiến một cuộc diễu hành nhằm phô diễn sức mạnh quân sự nhân Ngày Cộng hòa của Ấn Độ.



Thủ tướng Abe tham dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ tại New Delhi hôm 26/1.

Thủ tướng Abe tham dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ tại New Delhi hôm 26/1.

Đó là một cuộc gặp quan trọng nhằm chứng tỏ tình đoàn kết giữa nền dân chủ lớn nhất và quốc gia giàu nhất châu Á trong bối cảnh hai nước đối mặt một Trung Quốc ngày càng quyết liệt và hung hăng trên biển.

Chuyến thăm hồi cuối tuần qua tới thủ đô New Delhi của Thủ tướng Nhật Bản đã đánh dấu một giai đoạn mới trong mối quan hệ đối tác ngày càng thắt chặt giữa hai nước, khi các căng thẳng địa chính trị gia tăng khắp châu Á. Thủ tướng Abe là khách của người đồng cấp Ấn Độ Manmohan Singh trong lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa, ngày hiến pháp Ấn Độ có hiệu lực năm 1950.

Ông Abe và ông Singh cho hay các quốc gia của họ trung thành với quan hệ đối tác toàn cầu dựa trên "tự do, dân chủ và luật pháp" để duy trì hòa bình và sự ổn định trong bối cảnh có "các thay đổi về môi trường chiến lược".

Trung Quốc không được nhắc tới đích danh. Nhưng những lo ngại về các tham vọng của Bắc Kinh và tiềm lực quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc đang khiến Nhật Bản và Ấn Độ, vốn đều có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh, xích lại gần nhau.

Trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 3 ngày của ông Abe, hai nước đã phê chuẩn các kế hoạch nhằm "tăng cường hơn nữa" hợp tác quốc phòng.

Ông Singh và ông Abe đã nhất trí rằng cả hai nước sẽ tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung trên cơ sở đều đặn với tần suất gia tăng.
 
Thủ tướng Abe tham dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ tại New Delhi hôm 26/1.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong lễ ký kết các thỏa thuận sau cuộc hội đàm ngày 25/1.

Trong chuyến thăm của ông Abe, Nhật Bản cũng đẩy mạnh việc bán thủy phi cơ ShinMaywa US-2 cho quân đội Ấn Độ. Các máy bay này sẽ không mang vũ khí, vì vậy sẽ không vi lệnh cấm của Tokyo về xuất khẩu vũ khí.

Theo các nhà phân tích, với việc ông Abe tuyên bố muốn xem xét lại lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, một thỏa thuận như vậy có thể mở ra cánh cửa cho việc bán vũ khí quân sự cho Ấn Độ, một nhà nhập khẩu vũ khí lớn.
 
Tại Ấn Độ, ông Abe đã tránh nhắc tới cuộc tranh chấp với Trung Quốc vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhưng ông nói với tờ Thời báo Ấn Độ rằng "môi trường an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang trở nên ngày càng gay go".
 
Trước khi tới New Delhi, ông Abe cũng gây tranh cãi tại Diễn đài kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ khi so sánh mối quan hệ Trung-Nhật hiện nay với quan hệ giữa Anh và Đức trước Thế chiến I.
 
Hai Thủ tướng cũng đã có các cuộc hội đàm sâu rộng về các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu, một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm cho biết.

Sau đó, ông Abe cũng công bố khoảng vay lãi suất thấp trị giá 2 tỷ USD nhằm giúp Ấn Độ mở rộng hệ thống tàu điện ngầm ở Delhi và cam kết tăng cường hợp tác kinh tế của Nhật Bản đối với các dự án hạ tầng khác. New Delhi đang tìm kiếm một khoản đầu tư trị giá 1 nghìn tỷ USD trong 5 năm tới để nâng cấp cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tokyo hiện là nhà đầu tư lớn thứ 4 của Ấn Độ và tham gia vào việc xây dựng hành lang công nghiệp Delhi-Mumbai trị giá 90 tỷ USD nối thủ đô của Ấn Độ với trung tâm tài chính Mumbai.

Gọi Nhật Bản là đồng minh phát triển kinh tế quan trọng, ông Singh nói: "Quan hệ giữa một Nhật Bản vững mạnh và hồi sinh về kinh tế với một Ấn Độ đang chuyển mình và phát triển mạnh mẽ sẽ là một động lực tốt cho khu vực".

An Bình
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm