1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Thông điệp gửi Trung Quốc từ cuộc tập trận hải quân Nhật - Ấn

(Dân trí) - Các cuộc tập trận chung do hải quân Ấn Độ và Nhật Bản tổ chức vào cuối tuần qua dường như cho thấy 2 nước đang xích lại gần nhau khi cùng phải đối mặt với mối đe dọa chung từ Trung Quốc.

Thông điệp gửi Trung Quốc từ cuộc tập trận hải quân Nhật - Ấn  - 1

Tập trận hải quân Ấn - Nhật tập trận chung (Ảnh: Lực lượng phòng vệ Nhật Bản)

Ấn Độ và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương vào cuối tuần qua. Theo SCMP, các cuộc tập trận như thế này không phải là hiếm gặp, nhưng nó xảy ra vào thời điểm cả 2 nước đều đang có những căng thẳng với Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy Ấn Độ và Nhật Bản xích lại gần nhau hơn trước mối đe dọa từ Bắc Kinh.

Căng thẳng Ấn Độ - Trung Quốc leo thang trong vài tháng qua tại khu vực Ladakh ở biên giới 2 nước. Trong khi đó, Tokyo và Bắc Kinh cũng đang căng thẳng vì vấn đề tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Sensaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Theo giới quan sát, cuộc tập trận chung Ấn - Nhật là một trong những ví dụ gần nhất cho thấy sự cạnh tranh địa chính trị ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang nóng dần lên.

Theo giới quan sát, các động thái của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông đóng vai trò trong việc đưa Ấn Độ và Nhật Bản xích lại gần nhau.

Năm 2007, trong chuyến thăm Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi mối quan hệ hàng hải mạnh mẽ hơn giữa 2 nước. Kể từ đó, 2 quốc gia đã nâng cao hợp tác quân sự, tham gia vào các sự kiện chung như cuộc tập trận Dharma Guardian, Shinyu Maitr và Malabar.

Chuyên gia C Uday Bhaskar từ tổ chức nghiên cứu chính sách xã hội (Ấn Độ) cho rằng cả Ấn Độ và Trung Quốc đều bày tỏ quan ngại về động thái của Trung Quốc trong khu vực, nhưng các bên đều tỏ ra “thận trọng trong việc xây dựng mối quan hệ an ninh - chiến lược mạnh mẽ”.

“New Delhi và Tokyo vẫn chia sẻ chung tầm nhìn về tự do hàng hải, nhưng nó vẫn đang nằm ở mức độ ngoại giao - chính trị”, ông Bhaskar cho biết.

Rajiv Bhatia, một nhà cựu ngoại giao Ấn Độ cho rằng cuộc tập trận gửi thông điệp tới Trung Quốc về sự cần thiết của ngoại giao hơn là các động thái gây hấn. “Tín hiệu được phát đi là một sự nhắc nhở rằng biện pháp ngoại giao là phương án tốt nhất cho Trung Quốc và các bên”, ông Bhatia cho biết.

"Tứ giác Kim cương" trỗi dậy

Một số nhà phân tích cho rằng các diễn biến trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cho thấy một ví dụ của sự gia tăng hoạt động của nhóm “Tứ giác Kim cương” - một nhóm quân sự chiến lược phi chính thức gồm 4 thành viên Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.  

Trước đó, Ấn Độ và Australia đã nhất cho phép bên còn lại tiếp cận căn cứ quân sự của nhau.

Chỉ trong tháng nay, Mỹ đã tổ chức 3 cuộc tập trận ở Biển Philippines và Biển Đông. Hai trong số đó có sự tham gia của các tàu sân bay Mỹ USS Nimitz, the USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt. Mỹ cũng tổ chức tập trận chung với Nhật Bản.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã thiết lập một nhóm mới có nhiệm vụ nâng cao quan hệ hàng hải với Mỹ, Ấn Độ, Australia và các nước Đông Nam Á.

Nhà cựu ngoại giao Bhatia cho rằng các động thái của Trung Quốc tại khu vực có thể dẫn tới sự gia tăng sức mạnh của “Tứ giác Kim cương”.

“Thông điệp là rõ ràng. Trung Quốc càng gây ra nhiều vấn đề cho khu vực, các quốc gia bị ảnh hưởng sẽ có xu hướng xích lại gần nhau hơn nữa”, ông Bhatia cho hay.

Chuyên gia Ấn Độ cũng cho rằng “Tứ giác Kim cương” cần làm nhiều hơn nữa, bao gồm việc mời các nước Đông Nam Á tham gia hoạt động của nhóm. Và ông cho rằng, các động thái nêu trên có thể mới chỉ là bắt đầu cho một chuỗi các hoạt động sau này ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Đức Hoàng

Theo SCMP