1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thông điệp cứng rắn gửi Mỹ trong cuộc tập trận lịch sử Nga - Trung

(Dân trí) - Việc Nga và Trung Quốc cùng tiến hành cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh được cho là thông điệp cứng rắn gửi tới Mỹ trong bối cảnh quan hệ giữa các cường quốc ngày càng căng thẳng.

Quân đội Nga - Trung tập trận tại Địa Trung Hải năm 2015 (Ảnh: Xinhua)
Quân đội Nga - Trung tập trận tại Địa Trung Hải năm 2015 (Ảnh: Xinhua)

Trong khi phương Tây đang tập trung vào những vấn đề như Anh rời khỏi liên minh châu Âu (EU), những vấn đề trên chính trường Mỹ cùng một loạt vấn đề nội bộ khác, Trung Quốc sẽ cử binh sĩ và khí tài tham gia cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Nga trong hơn 30 năm qua.

Được tổ chức chỉ 6 tháng sau cuộc tập trận hải quân lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc, cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc mang tên Vostok-2018 sẽ là hồi chuông “nhắc nhở” các nước khác về sức mạnh quân sự của hai cường quốc trên thế giới. Mặc dù không mong muốn một cuộc xung đột với Mỹ hoặc các đồng minh, song cả Nga và Trung Quốc đều muốn chứng tỏ với các nước khác rằng quân đội của họ ngày càng sẵn sàng đương đầu với các thách thức. Cả Moscow và Bắc Kinh đều muốn gửi một thông điệp ngầm tới Lầu Năm Góc, rằng nếu xung đột xảy ra ở Đông Âu hay Biển Đông, Mỹ chắc chắn sẽ phải đối mặt với những tổn thất nặng nề nếu Washington tìm cách can thiệp.

Theo nhà phân tích Peter Apps của hãng tin Reuters, các cuộc tập trận quân sự mang tính bước ngoặt như Vostok-2018 cũng là một phần trong kế hoạch lớn hơn liên quan tới tham vọng đầu tư, phát triển và thử nghiệm vũ khí của Nga và Trung Quốc. Một số nguồn tin cho biết quân đội Nga hiện vẫn đang nỗ lực tìm kiếm một tên lửa hành trình hạt nhân của nước này bị rơi sau vụ thử nghiệm thất bại tại Bắc Cực hồi năm ngoái. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang phải chịu tổn thất từ việc ngày càng nhiều máy bay quân sự của nước này bị rơi trong hai năm gần đây, đặc biệt là ở Biển Đông.

Thậm chí tham vọng của Moscow và Washington còn cao hơn rất nhiều so với Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng như châu Á.

Cuộc tập trận Vostok của Nga vào tháng 9 tới dự kiến sẽ quy tụ khoảng 300.000 binh sĩ và nhiều khí tài quân sự hiện đại. Cùng lúc, Nga cũng triển khai lực lượng hải quân lớn nhất trong vòng nhiều năm tới Địa Trung Hải. Những động thái này của Moscow không chỉ cảnh báo Mỹ về việc tránh can thiệp vào các hoạt động của Nga tại Syria, mà còn là một thông điệp chính trị nội bộ. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin đang sụt giảm, do vậy việc tăng cường sức mạnh quân sự có thể giúp nhà lãnh đạo Nga giành lại sự tín nhiệm từ người dân. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang tăng cường sức mạnh quân sự để củng cố quyền lực của ông tại Trung Quốc.

Hợp tác và hoài nghi

Các binh sĩ Nga và Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung (Ảnh: Medium)
Các binh sĩ Nga và Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung (Ảnh: Medium)

Trong tương lai, kịch bản xung đột xảy ra đối với Nga sẽ chủ yếu diễn ra trên đất liền. Có thể đây sẽ là phiên bản mở rộng của cuộc chiến năm 2008 với Georgia và các cuộc xung đột sau năm 2014 tại Ukraine. Trong các cuộc xung đột này, Nga đã giành phần thắng nhờ triển khai lực lượng quân sự áp đảo ở khu vực ngay sát lãnh thổ Nga, từ đó kiềm tỏa để Mỹ và các nước phương Tây không thể can thiệp vào cuộc xung đột. Khác với Nga, các cuộc xung đột trong tương lai của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ diễn ra trên biển, có thể là ở Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan.

Phần lớn các công nghệ mới mà Nga và Trung Quốc đang phát triển đều nhằm phục vụ cho các mục tiêu trên, đặc biệt các tên lửa và tàu ngầm của Bắc Kinh được thiết kế đặc biệt để đánh chìm các tàu sân bay Mỹ. Tuy nhiên, việc mua sắm và triển khai vũ khí mới chỉ là một phần trong chiến lược ngoại giao tuyên truyền lớn hơn của Nga và Trung Quốc. Moscow đã tích cực vận động hành lang để ngăn Georgia và Ukraine gia nhập NATO, trong khi Bắc Kinh cũng sử dụng chiến lược ngoại giao để cô lập Đài Loan. Mặc dù vậy, cả Nga và Trung Quốc đều không đạt được nhiều thành công như mong đợi và hai nước dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực trong thời gian tới.

Về phần mình, Mỹ cũng có những biện pháp đáp trả tương xứng với Nga và Trung Quốc. Tại châu Âu, Mỹ đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự với NATO, đặc biệt ở những nước nằm trong tầm ngắm của Nga như các quốc gia Baltic, Na Uy và Ba Lan. Các tàu cũng như máy bay của Mỹ và các đồng minh vẫn tiếp tục tuần tra gần các khu vực tranh chấp trên Biển Đông bất chấp cảnh báo từ Trung Quốc. Mỹ cũng không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận thường niên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) như các năm trước đây, một phần vì lo ngại Bắc Kinh sẽ thu thập thông tin tình báo, phần khác vì muốn cảnh báo các động thái bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Những động thái trên của Mỹ rõ ràng đã khiến Nga và Trung Quốc nổi giận. Bắc Kinh đã tìm cách gạt Mỹ khỏi cuộc tập trận quân sự khu vực khu vực với các nước ASEAN, trong khi Moscow thường xuyên chỉ trích các lực lượng NATO do Mỹ dẫn đầu ở Đông Âu, coi đây là hành động khiêu khích và là mối đe dọa đối với Nga.

Tuy vậy, theo nhà phân tích Peter Apps, mặc dù cả Nga và Trung Quốc ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau để hướng tới mục tiêu chung là đối phó Mỹ, song không có dấu hiệu nào cho thấy hai quốc gia này thực sự tin tưởng lẫn nhau. Theo một số nhà quan sát, mục đích chính của Nga khi mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận vào tháng tới là để trấn an Bắc Kinh trước nỗi lo ngại rằng Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu tấn công quân sự của Nga.

Theo Jonathan Holslag, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Brussels, cả Nga và Trung Quốc đều muốn phô diễn sức mạnh trong cuộc tập trận Vostok-2018 để “gửi thông điệp răn đe tới cộng đồng quốc tế”.

"Mặc dù hai bên vẫn thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, song Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Moscow - Washington vẫn luôn bất ổn và nguồn hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh là cần thiết để giúp Nga giảm tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây", Giáo sư Holslag nhận định.

Thành Đạt

Tổng hợp