Thỏa thuận hòa bình Ukraine: Mong manh như đèn trước bão
(Dân trí) - Sau 16 giờ đàm phán căng thẳng, cuối cùng nhóm "Bộ tứ Normandie" cũng đã ký được một thỏa thuận hòa bình toàn diện cho Ukraine, trong đó việc ngừng bắn ở miền Đông. Tuy nhiên, với những mâu thuẫn cốt lõi giữa các bên, tương lai của văn kiện này chẳng khác gì ngọn đèn trước bão.
Trong “Tuyên bố chung” ký sau cuộc họp, lãnh đạo 4 nước khẳng định hoàn toàn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, coi giải pháp hòa bình là phương thức duy nhất cho cuộc xung đột đang diễn ra, ủng hộ văn kiện "Tổng thể các biện pháp thực thi các thỏa thuận Minsk" được “Nhóm tiếp xúc về Ukraine” thông qua cùng ngày và thiết lập cơ chế giám sát thực hiện văn kiện này.
Văn kiện được “Nhóm tiếp xúc về Ukraine” ký (từ đây gọi tắt là “văn kiện tổng thể”) quy định rõ các bên xung đột ở Ukraine phải ngừng bắn toàn diện tại một số khu vực ở Donetsk và Lugansk từ 00h00 ngày 15/2 theo giờ Kiev (tức 5h00 cùng ngày ở Việt Nam).
Các bên cũng sẽ rút tất cả vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự với khoảng cách 50 km đối với hệ thống pháo cỡ nòng 100 mm trở lên, 70 km đối với hệ thống rốc-két đa nòng và 140 km đối với hệ thống rốc-két Tornado-S, Uragan, Smerch và hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U.
Đường cơ sở để binh sĩ Ukraine rút vũ khí hạng nặng được tính từ giới tuyến giao tranh hiện tại, trong khi đối với lực lượng ly khai là giới tuyến cũ quy định trong Bản ghi nhớ Minsk ký ngày 19/9/2014 (hai giới tuyến này cách nhau khoảng 50 km do trong 5 tháng qua, phe ly khai đã đẩy lùi quân chính phủ lui dần về phía Kiev).
“Văn kiện tổng thể” cũng ấn định việc rút vũ khí hạng nặng phải được triển khai trong vòng 2 ngày kể từ khi lệnh ngừng bắn mới có hiệu lực và kết thúc trong vòng 14 ngày sau đó. Ngoài ra, chính quyền Ukraine phải tiến hành cải cách hiến pháp, thực thi quy chế đặc biệt cho hai vùng Donetsk và Lugansk, đồng thời khôi phục đầy đủ các chương trình phúc lợi xã hội và trao quyền tự quản nhiều hơn cho người dân vùng Donbass.
Có thể nói việc cả “Tuyên bố chung” và “Văn kiện tổng thể” được ký gần như đồng thời tại Belarus tại hai cuộc họp của nhóm “Bộ tứ Normandie” và “Nhóm tiếp xúc về Ukraine” đã tháo được ngòi nổ cho thùng thuốc súng Ukraine. Trước đó, thế giới gần như “ngồi trên đống lửa” khi Mỹ và NATO đã gần như nghiêng về khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine để có thể đảo ngược cục diện trên chiến trường đang nghiêng về phía quân ly khai.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy những kết quả trên bàn đàm phán chưa đủ để mở "cánh cửa hòa bình lâu dài" cho Ukraine chừng nào quan điểm và cách nhìn của các bên về thỏa thuận mới vẫn còn nhiều cách biệt. Các bên chắc hẳn vẫn chưa quên việc “Bản ghi nhớ Minsk” đã bị vô hiệu hóa ngay khi chưa ráo mực hôm 19/9 năm ngoái.
Chính vì vậy, trong phản ứng đưa ra sau khi các thỏa thuận mới được ký kết, cả Mỹ và Ukraine đều có những tuyên bố khá thận trọng, đặc biệt khi cả hai nước này đều chưa tin tưởng Nga và các văn kiện lại có những điều khoản có lợi cho Nga và phe ly khai ở Đông Ukraine nhiều hơn.
Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ: “Thỏa thuận là một bước tiến đáng kể có khả năng hướng tới giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột và khôi phục chủ quyền của Ukraine. Tuy nhiên, Nga phải ngừng tiếp tay cho lực lượng ly khai, rút binh lính và thiết bị quân sự của mình ra khỏi miền Đông Ukraine”.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thậm chí còn tỏ ra hoài nghi hơn khi ông nói rằng “không có gì đảm bảo thỏa thuận mới sẽ được thực thi”. Theo nhà lãnh đạo Ukraine, cuộc đàm phán đã rất khó khăn nhưng quá trình thực thi thỏa thuận còn khó khăn hơn nhiều.
Ở góc độ nào đó, những tuyên bố trên cũng không hẳn không có cơ sở. Để thỏa thuận được thực thi hiệu quả, một trong những yếu tố cốt yếu là Nga và phương Tây phải sử dụng ảnh hưởng của mình để ép các bên xung đột ở Ukraine tuân thủ chặt chẽ các điều khoản đề ra, đồng thời xúc tiến nhanh các thỏa thuận hợp tác năng lượng và thương mại để đặt nền móng cho tiến trình phát triển và hòa bình lâu dài.
Chính sự nghi ngờ và thận trọng dò xét lẫn nhau đó đã khiến cho việc tuân thủ các thỏa thuận hòa bình trở nên khó khăn và mong manh. Các thỏa thuận vừa mới được ký cũng không ngoại lệ. Việc giao tranh tại miền Đông Ukraine vẫn tiếp diễn ác liệt ngay khi các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Belarus và sau khi các thỏa thuận mới đã được ký càng làm tăng thêm những quan ngại về tương lai mịt mờ của các thỏa thuận này.
Đức Vũ