Thổ Nhĩ kỳ và S-400: Vũ khí làm chính trị
Với việc Thổ Nhĩ Kỹ mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của Nga S-400 có thể thấy, Nga được lợi nhiều nhất, Thổ Nhĩ Kỳ vừa được lợi vừa bị thiệt trong khi Mỹ và NATO bị thua thiệt nhiều nhất.
Mỹ và NATO đã thất bại với việc ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện ý định mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của Nga S-400. Có thể định lượng và định tính được mức độ thất vọng và cay đắng của Mỹ và NATO về việc chuyện này được Thổ Nhĩ Kỳ và Nga làm cho trở thành "ván đã đóng thuyền" mà hai đối tác kia mãi chưa biết nên thể hiện phản ứng như thế nào. Điều đáng được để ý đến nhất ở đây giờ không còn là chủ trương của Thổ Nhĩ Kỳ mua sắm S-400 mà là việc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thực hiện chủ trương ấy bất chấp mọi sự phản đối của NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên và bất chấp mọi đe doạ trừng phạt của Mỹ mà Thổ Nhĩ Kỳ xưa nay vẫn có mối quan hệ truyền thống thân cận và tốt đẹp.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc kiên định thực hiện thoả thuận mua bán với Nga từ năm 2017 này trước hết là một vụ đánh đổi: Đánh đổi máy bay tấn công hiện đại nhất của Mỹ F-35 lấy hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga, đánh đổi vướng mắc mới trong quan hệ của đất nước này với Mỹ và NATO lấy bước thúc đẩy quan hệ mới với Nga, đánh đổi sự ràng buộc và lệ thuộc tuyệt đối lâu nay vào Mỹ và NATO về quân sự, quốc phòng và an ninh lấy định hướng chiến lược là vừa tiếp tục là thành viên NATO vừa gây dựng khuôn khổ quan hệ hợp tác về quân sự, quốc phòng và an ninh không kém phần gắn bó và tin cậy với Nga, đánh đổi từ "bên trọng bên khinh" sang "bắt cá hai tay".
Với việc thực hiện phi vụ mua bán vũ khí này, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm thay đổi cuộc chơi về địa chính trị và địa chiến lược ở khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cho cả Mỹ và NATO lẫn Nga đều phải cần đến Thổ Nhĩ Kỳ hơn. Dẫu hậm hực và không hài lòng đến mấy thì Mỹ và NATO cũng đâu có dám buông bỏ Thổ Nhĩ Kỳ. Nga đã phân hoá được Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và NATO nên lại càng có nhu cầu thúc đẩy quan hệ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trên mọi phương diện. Việc bỏ tăng cường vũ khí tấn công như máy bay F-35 của Mỹ để mua vũ khí phòng thủ như S-400 của Nga còn giúp Thổ Nhĩ Kỳ có được cảm nhận tích cực từ các nước khác trong khu vực. Qua đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đồng thời tận lợi được nhiều nhất từ cả hai bên, buộc cả hai bên đều phải coi trọng mình và phải điều chỉnh chính sách đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đối với nhau và đối với khu vực. Tương quan lực lượng và cục diện quan hệ giữa ba phía này vì thế đang bắt đầu thay đổi rất cơ bản và sâu sắc.
Trong chuyện này, vai trò cá nhân của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và của mối quan hệ cá nhân giữa ông Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin rất quyết định. Ông Erdogan cần gây dựng hình ảnh về nhà lãnh đạo đất nước có bản lĩnh và khả năng xử lý các vấn đề phức tạp và nhạy cảm nhất với những đối tác quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong những giai đoạn khó khăn phức tạp nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Xem ra, ông Erdogan cho rằng hiện không phải Mỹ hay NATO mà chỉ có Nga mới có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ đạt được những mục tiêu chiến lược ở khu vực này. Việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU không còn được ông Erdogan ưu tiên vì nhận thấy nó cành ngày càng thêm khó khả thi. Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO hiện không có tầm quan trọng sống còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ như trước đây. Và dường như cách ứng phó của ông Erdogan đối với quan điểm và cách thức cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump là không khiêu khích nhưng cũng không nhất nhất nghe theo mà thỉnh thoảng cũng phải gây sự và phải dùng độc trị độc, tức là phải dùng "Thổ Nhĩ Kỳ trước hết" để ứng phó với "Nước Mỹ trước hết".
Mỹ và NATO đã bị Thổ Nhĩ Kỳ cho ăn một quả đắng. Họ không thể vì thế mà ngưng trệ mọi quan hệ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và lại càng không thể loại thành viên này ra khỏi NATO, nhưng cũng không thể nguôi ngoai được cảm giác lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ trở thành "Con ngựa thành Troia" của Nga trong NATO. Cái lý do "S-400 có thể gây tổn hại cho F-35" chỉ là cái cớ bên ngoài. Trong thực chất, Mỹ và NATO e ngại Thổ Nhĩ Kỳ tạo tiền lệ tai hại cho NATO và Mỹ, làm rạn vỡ NATO từ bên trong cũng như khiến Mỹ bị tổn hại cả về thể diện lẫn uy và thế trên thế giới.
Nga là bên lợi nhất. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga chưa được triển khai hoàn chỉnh ở Thổ Nhĩ Kỳ và chưa quả tên lửa nào được phóng đi mà Nga đã đạt mục đích. Giá trị hợp đồng 2,5 tỷ USD không phải nhỏ và không quan trọng đối với Nga. Nhưng còn quan trọng và quyết định hơn thế rất nhiều với ý nghĩa chiến lược cơ bản và lâu dài hơn thế rất nhiều là việc Nga có được cuộc chơi mới đồng thời với Thổ Nhĩ Kỳ, với Mỹ và NATO trên thế giới cũng như ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.
Nhìn nhận như thế có thể thấy ở vụ việc này, hiện tại cũng như về lâu dài, Nga được lợi nhiều nhất và gần như không bị thiệt hại gì, Thổ Nhĩ Kỳ vừa được lợi vừa bị thiệt trong khi Mỹ và NATO bị thua thiệt nhiều nhất và gần như không được lợi gì.
Vũ khí quân sự nào cũng đều có cái giá cụ thể của nó. Nhưng một khi đã được sử dụng làm chính trị thì vũ khí trở nên vô giá hoặc ít nhất thì cũng không thể xác định được giá.
Theo Dịch Dung
Thế giới & Việt Nam