1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ phá thế độc quyền của Nga

Nga không còn độc quyền với khả năng đánh chặn ngầm khi Thổ Nhĩ Kỳ cho ra mắt ngư lôi mới có thể đánh chặn ngư lôi tấn công đối phương.

Vũ khí mới

Theo hãng thông tấn Anadolu hôm 19/4, Công ty quốc phòng Aselsan của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chính thức trình làng loại ngư lôi mới tại Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế lần 13 (IDEF 2017) ở Istanbul diễn ra từ ngày 9 đến 12/5.

Vị đại diện của Aselsan cho biết, vũ khí này có thể được sử dụng để chống tàu ngầm của kẻ thù. Chúng được thiết kế để có thể phóng được từ nhiều phương tiện khác nhau. Một khi được trang bị, ngư lôi này cho phép các tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động an toàn hơn.

Aselsan cho biết, ngư lôi mới có thể phá hủy ngư lôi điều hướng hoặc động điều hướng mà kẻ thù phóng để chống lại hạm đội tàu chiến Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngư lôi do Công ty Aselsan sản xuất.
Ngư lôi do Công ty Aselsan sản xuất.

Cùng với phát triển ngư lôi, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tiến hành đóng tàu đổ bộ đa nhiệm có tên gọi TGC Anatolia. Con tàu được đóng tại xưởng đóng tàu Sedef ở Istanbul và sẽ trở thành chiếc tàu lớn nhất, hiện đại nhất của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Con tàu được thiết kế với mục đích đa năng nên sẽ có khả năng vận chuyển xe tăng, tàu đổ bộ, máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu và binh lính... Theo phân tích của trang Bosphorus Naval News, tàu Anatolia có thể chứa được 10 máy bay tiêm kích F-35B.

Ngoài ra, tàu có khả năng chứa 12 máy bay trực thăng, 94 xe tăng, 700 lính. Năng lực đa dạng như vậy giúp tàu sân bay Anadolu trở thành trọng tâm giúp chính sách ngoại giao đa phương của Thổ Nhĩ Kỳ đạt hiệu quả.

“Khả năng tác chiến của tàu sân bay Anadolu là một công cụ thực thi chính sách quan trọng cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đẩy quyền lực mềm vượt xa khả năng quân sự”, chuyên gia phân tích quân sự Metin Gurcan trả lời hãng TDB.

Tàu sân bay của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một trong những tàu chiến mạnh nhất khu vực. Với tính năng của con tàu này giúp Ankara có thể thực thi quyền lực xuyên suốt Địa Trung Hải và tiến vào Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương.

Ngoài ra, con tàu sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện đổ bộ chớp nhoáng, làm bãi đỗ cho máy bay hoặc thực thi các nhiệm vụ nhân đạo như sơ tán người dân khi lũ lụt...

Sức mạnh công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ

Không phải đến khi Thổ Nhĩ Kỳ công khai loại ngư lôi mới và đóng tàu đổ bộ Anatolia năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng của nước này mới được biết đến, mà trước đó Ankara cũng đã khẳng định được năng lực của mình.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hầu hết các sản phẩm quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đều có dùng các phụ tùng, phụ kiện ngoại nhập. Đó là cách nhanh chóng xây dựng sản phẩm bắt kịp mặt bằng chung của thế giới.

Gần đây nhất người ta còn chứng kiến họ thất bại trong nổ lực mua công nghệ, thiết kế động cơ xe tăng Type-10 của Mitsubishi để trang bị cho các xe tăng Altay và pháo tự hành T-155 Firstina. Họ đành trước mắt quay về với các động cơ nhập khẩu từ MTU.

Với máy bay, Ankara dùng thiết kế, động cơ và các thành phần khác nhập khẩu. Với xe tăng, xe bọc thép, họ mua thiết kế và tư vấn kỹ thuật, động cơ và truyền động từ Hàn Quốc và Đức. Pháo và các hệ thống điều khiển khác sản xuất trong nước.

Hình ảnh được cho là tàu đổ bộ đa nhiệm TGC Anatolia.
Hình ảnh được cho là tàu đổ bộ đa nhiệm TGC Anatolia.

Với súng hỏa lực cá nhân, đa số Ankara dùng thiết kế của nước ngoài để sản xuất. Khẩu súng trường trang bị trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là bản sản xuất trong nước của súng HK-33E. Với radar và các thiết bị điện tử, họ mua linh kiện siêu cao tần từ MAG (Mỹ) và tích hợp xây dựng hệ thống trong nước.

Ngoài ra, khi thực hiện gọi thầu mua sắm các trang bị quốc phòng cho quân đội, bao giờ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đính kèm yêu cầu chuyển giao sâu rộng công nghệ sản xuất các sản phẩm đó cho các công ty trong nước như một yêu cầu bắt buộc, bất kể quốc tịch nhà thầu.

Việc đổ vỡ gói thầu T-LORAMIDS là một ví dụ minh chứng cho điều đó. Khi không đạt được mục đích nhận chuyển giao công nghệ để tự chủ sản phẩm về sau, bất chấp áp lực từ các nước NATO, họ lập tức hủy bỏ gói thầu.

Từ những hợp đồng mua sắm máy bay F-16, CN-235, AW-129… cho quân đội, nay họ đã tự chủ được các sản phẩm này dù phải nhập các linh kiện đặc dụng. Thậm chí các máy bay F-16 đã được sản xuất xuất khẩu sang Ai Cập hay các hợp động nâng cấp, bảo dưỡng loại máy bay này cho hầu hết các quốc gia Trung Đông vốn không thân thiện với Israel.

Điểm đặc biệt đáng chú ý của Thổ Nhĩ Kỳ là khi họ mua các tổ hợp chiến đấu trên không, trên biển hay trên mặt đất thì đạn dùng cho các tổ hợp đó chắc chắn sẽ được sản xuất nhượng quyền trong nước. Thậm chí các bộ phận hỗ trợ gắn ngoài như các pod chuyên dụng hàng không, các hệ thống sonar kéo theo hay đạn tên lửa đều được sản xuất trong nước.

Từ chiến lược phát triển của mình, người ta đã chứng kiến trào lưu xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khi các xe bọc thép đa dụng Cobra biên chế trong quân đội Gruzia ngang dọc tại chiến trường Nam Ossetia năm 2008.

Thực tế đến ngày nay, chúng ta có thể thấy các xe bọc thép sản xuất tại Singapore bởi liên doanh ST Engineering cùng Otokar, Thổ Nhĩ Kỳ để bán đến các thị trường xa xôi và nhỏ bé như Đông Nam Á sau khi đã có mặt cả trong quân đội Israel và Mỹ.

Về hàng không quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ đã vươn xa đến tận Hàn Quốc khi sản xuất hoàn toàn bộ khung thân cho chương trình máy bay trực thăng lưỡng dụng Surion. Ngoài ra, các công ty như Roketsan còn sẵn sàng xuất khẩu các bán thành phẩm cho các nước xây dựng sản phẩm của riêng mình như động cơ tên lửa, lõi nhiên liệu…

Theo Tuấn Hưng

Đất Việt