1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thổ Nhĩ Kỳ nói sắp hết thời gian để phê duyệt Phần Lan, Thụy Điển vào NATO

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ankara cảnh báo họ sắp hết thời gian để phê duyệt đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan trước thời điểm mà phía Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức bầu cử quốc hội.

Thổ Nhĩ Kỳ nói sắp hết thời gian để phê duyệt Phần Lan, Thụy Điển vào NATO - 1

Phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Ibrahim Kalin (Ảnh: Reuters).

Phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Ibrahim Kalin, ngày 14/1 cảnh báo nước này sắp hết thời gian để phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển trước khi Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến tổ chức bầu cử vào tháng 5.

Ông Kalin tuyên bố, việc Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý cho 2 nước gia nhập NATO phụ thuộc vào việc Thụy Điển sẽ thực hiện nhanh như thế nào những cam kết chống khủng bố trong thỏa thuận với Ankara. Ông cảnh báo rằng, quy trình phê duyệt có thể mất nhiều tháng. 

"Thụy Điển cam kết thực hiện thỏa thuận đã được ký kết vào năm ngoái, nhưng quốc gia này cần thêm 6 tháng nữa để ra luật mới cho phép hệ thống tư pháp định nghĩa lại về khái niệm khủng bố", ông Kalin nói trong một cuộc họp báo ở Istanbul.

Thụy Điển và Phần Lan ký thỏa thuận 3 bên với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái với mục tiêu thương lượng để thuyết phục Ankara đồng ý để 2 nước trên gia nhập khối liên minh quân sự.

Hai quốc gia Bắc Âu nộp đơn xin làm thành viên NATO sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng bị Thổ Nhĩ Kỳ phản đối và cáo buộc 2 nước chứa chấp các phiến quân đối lập với Ankara, trong đó có một số đối tượng từ tổ chức Đảng công nhân người Kurd (PKK).

Ankara, Mỹ và Liên minh châu Âu xem PKK là khủng bố vì lực lượng này từng tổ chức cuộc nổi dậy hồi những năm 1980 chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Thụy Điển cần có lập trường rõ ràng hơn chống lại những tổ chức và phần tử mà họ coi là khủng bố, bao gồm PKK và nhóm mà cáo buộc thực hiện âm mưu đảo chính năm 2016.

Ông Kalin cho biết, chính phủ Thụy Điển cần gửi một thông điệp rõ ràng tới "các tổ chức khủng bố rằng Thụy Điển không còn là nơi trú ẩn an toàn cho các đối tượng này".

Hồi đầu tuần, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristerss tuyên bố họ sẽ không thực hiện mọi điều kiện mà Ankara đặt ra.

Thủ tướng Kristersson cho rằng, các yêu cầu từ Thổ Nhĩ Kỳ mà Thụy Điển không thể thực hiện, hoặc không muốn thực hiện nằm ngoài phạm vi của thỏa thuận 3 bên.

"Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đề cập đến những cá nhân mà họ muốn dẫn độ từ Thụy Điển. Tôi đã nói rằng những vấn đề đó phải được xử lý theo luật Thụy Điển", ông nói.

Theo Reuters