1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thổ Nhĩ Kỳ nói Nga có thể dùng chung căn cứ quân sự với Mỹ "nếu cần"

(Dân trí) - Ankara không ngại nếu Nga sử dụng căn cứ không quân Incirlik cho các hoạt động chống khủng bố tại Syria, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 20/8 cho biết, nhưng thừa nhận rằng chưa một đề nghị nào như vậy được đưa ra.


Căn cứ không quân Incirlik (Ảnh: AFP)

Căn cứ không quân Incirlik (Ảnh: AFP)

“Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cửa căn cứ Incirlik để chiến đấu với các phần tử khủng bố IS. Căn cứ này hiện đang được Mỹ, Đức và Qatar sử dụng. Các quốc gia khác cũng có thể muốn sử dụng nó”, Thủ tướng Yildirim phát biểu trước báo giới hôm qua và được hãng tin Anadolu dẫn lời.

“Nếu cần thiết, căn cứ Incirlik có thể được sử dụng”, ông Yildirim cho biết khi được hỏi liệu Moscow có thể chia sẻ căn cứ này hay không. Cùng lúc đó, ông đã bác bỏ các nguồn tin báo chí gần đây khẳng định rằng Moscow đang gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ cho không quân Nga thuê căn cứ, khẳng định “thông tin này không chính xác”.

RT đưa tin, giữa lúc có các thông tin chưa được xác nhận cho biết Washington có thể sắp chuyển các vũ khí hạt nhân của nước này ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và vào Romania, điều mà Bucharest bác bỏ, nhật báo Izvestia của Nga đã làm nảy sinh các đồn đoán khi cho biết Nga có thể sớm vào căn cứ Incirlik.

Sau “sự làm lành” gần đây giữa Moscow và Ankara, Izvestia dẫn lời thành viên thượng viện Nga Igor Morozov rằng “Nga vẫn để ngỏ khả năng đi tới một thỏa thuận với Tổng thống Erdogan để chúng ta có thể sử dụng căn cứ Incirlik như căn cứ cơ sở”. Theo nghị sĩ này, Incirlik sẽ cho phép Moscow có lợi thế chiến lược và giúp nhanh chóng kết thúc chiến dịch chống khủng bố của Nga tại Syria.

Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Yildirim đã bày tỏ ngờ vực rằng Moscow thực sự cần dùng căn cứ Incirlik, lưu ý là các lực lượng Nga đã có 2 căn cứ không quân địa phương mà từ đó có thể phát động các sứ mệnh tái Syria, và việc ở gần thêm 100-150 km so với mục tiêu không mang lại lợi thế chiến lược nào.

Thay đổi thế cân bằng chiến lược?


Tổng thống Vladimir Putin bắt tay người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 9/8 (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Vladimir Putin bắt tay người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 9/8 (Ảnh: Reuters)

Hầu hết các máy bay chiến đấu cử Nga tiến hành các cuộc không kích chống khủng bố tại Syria đồn trú tại căn cứ Khmeimim ở Syria và gần đây là căn cứ Hamadan tại Iran. Không quân Nga cũng sử dụng các căn cứ tại Nga cho các sứ mệnh chiến lược tầm xa.

Tuy nhiên, nếu Moscow thực sự đề nghị Ankara cho phép sử dụng căn cứ Incirlik thì điều này có thể làm thay đổi thế cân bằng trong chiến lược phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO, một liên minh quân sự mà Ankara là thành viên nhiều năm qua.

“Đối với chúng tôi, dường như các thành viên NATO cư sử theo cách thoái thác về các vấn đề như trao đổi công nghệ hay đầu tư chung. Thổ Nhĩ Kỳ định phát triển ngành công nghiệp quốc phòng riêng và tăng cường hệ thống phòng thủ”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Mevlut Cavusoglu nói với Sputnik hồi đầu tuần này.

“Trong bối cảnh đó, nếu Nga bày tỏ sự quan tâm, chúng tôi sẵn sàng cân nhắc khả năng hợp tác trong lĩnh vực này”, ông Cavusoglu nói thêm.

Hợp tác quân sự thân thiết hơn giữa Ankara và Moscow là có khả năng sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Ergodan gặp “người bạn” Vladimir Putin trong tháng này. Cuộc gặp mở ra cơ hội để hai nhà lãnh đạo cải thiện quan hệ song phương giữa hai nước, từng bị rơi xuống mức thấp báo động sau vụ Ankara bắn rơi máy bay quân sự của Nga ở Syria hồi tháng 11 năm ngoái.

Lo ngại về sự an toàn của các vũ khí hạt nhân của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, một tổ chức cố vấn tại thủ đô Washington của Mỹ hôm 15/8 đã công bố 1 báo cáo hối thúc các nghị sĩ Mỹ chuyển các vũ khí hạt nhân nước này ra khỏi khu vực.

Vấn đề đã nóng lên hôm 16/8 khi trang tin EurActiv khẳng định các lực lượng Mỹ đã bắt đầu chuyển các vũ khí hạt nhân từ căn cứ Incirlik tới căn cứ Deveselu tại Romania - một thông tin mà Bộ Ngoại giao Romania đã chính thức bác bỏ. Trong khi đó, Washington vẫn im lặng về vấn đề này.

Theo thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO đạt được trong thời Chiến tranh Lạnh vào những năm 1960, để ngăn chặn mối đe dọa từ Liên Xô, một số quốc gia NATO được phép dự trữ bom hạt nhân B61 trên lãnh thổ nước mình, trong khi những nước khác cam kết vận hành máy bay có khả năng phóng chúng.Các ước tính cho thấy gần 150-200 “vũ khí hạt nhân phi chiến lược” của Mỹ đã được triển khai tại các quốc gia NATO, trong đó có Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

An Bình