1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện bắt buộc để kết nạp Thụy Điển vào NATO

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu điều kiện được xem là chìa khóa để phê duyệt đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển.

Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện bắt buộc để kết nạp Thụy Điển vào NATO - 1

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (Ảnh: Reuters).

Sau cuộc gặp với người đồng cấp Thụy Điển Tobias Billstrom bên lề hội nghị cấp bộ trưởng NATO tại Brussels (Bỉ) hôm 4/4, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố hợp tác chống khủng bố với Thổ Nhĩ Kỳ là điều kiện quan trọng để Ankara chấp thuận đề xuất gia nhập NATO của Thụy Điển.

"Chúng tôi đã nhắc lại mong muốn của mình với Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom về việc Thụy Điển gia nhập NATO. Hợp tác chống khủng bố hiệu quả là điều kiện bắt buộc", ông Cavusoglu cho biết.

Thụy Điển và Phần Lan cùng nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine nhưng hồ sơ của họ cần phải được tất cả 30 quốc gia thành viên NATO chấp thuận. Cho đến nay, Phần Lan đã được chấp thuận gia nhập, trong khi Thụy Điển vẫn phải chờ.

Ngày 4/4, sau lễ thượng cờ được tổ chức tại trụ sở NATO ở Brussels, Phần Lan đã chính thức trở thành quốc gia thành viên thứ 31 của NATO. Việc kết nạp Phần Lan đã kết thúc 7 thập niên duy trì chính sách trung lập của quốc gia Bắc Âu, đồng thời lập kỷ lục về thời gian NATO phê chuẩn việc kết nạp một thành viên mới. Phần Lan chỉ mất hơn 10 tháng kể từ khi nộp đơn xin gia nhập để trở thành thành viên chính thức của NATO.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Thụy Điển phải có lập trường rõ ràng hơn chống lại những phần tử mà Ankara coi là khủng bố, chủ yếu là các cá nhân liên quan tới tổ chức Đảng công nhân người Kurd (PKK) và nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc có âm mưu đảo chính năm 2016.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi tháng 1 tuyên bố sẽ không ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO sau các cuộc biểu tình ở Stockholm do các nhóm bài Hồi giáo và ủng hộ người Kurd tổ chức.

Ông Erdogan đã chỉ trích cuộc biểu tình đốt kinh Koran, cáo buộc đây là sự xúc phạm đối với mọi người, đặc biệt là đối với người Hồi giáo. Ông chỉ trích chính quyền Thụy Điển vì đã cho phép cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm.

Việc đốt kinh Koran, cuốn sách linh thiêng của Hồi giáo, đã khiến chính giới Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận, trong bối cảnh Ankara là một trong những chướng ngại vật cuối cùng ngăn Thụy Điển gia nhập NATO.

Ông Erdogan cũng chỉ trích Thụy Điển vì đã cho phép các cuộc biểu tình ủng hộ người Kurd, nơi những người biểu tình vẫy cờ của nhiều nhóm người Kurd khác nhau, bao gồm cả Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu xem PKK là khủng bố vì lực lượng này từng tổ chức cuộc nổi dậy hồi những năm 1980 chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Thụy Điển không cấm các biểu tượng của PKK.

Theo Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm