Thổ Nhĩ Kỳ không muốn Syria có được hòa bình
Việc Thổ Nhĩ Kỳ không kích và nã pháo vào lực lượng người Kurds ở Syria trong mấy ngày qua đang khiến thỏa thuận ngừng bắn tại Syria có nguy cơ bị phá hỏng.
Trong hai ngày cuối tuần qua, không quân Thổ Nhĩ Kỳ dội bom ở phía bắc thành phố Aleppo, nhắm vào thành trì của lực lượng Kurdistan (YPG), nhánh vũ trang của đảng Liên minh Dân chủ Kurdistan Syria (PYD). Về mặt chính thức, Ankara giải thích hành động này nhằm trả đũa các đợt pháo kích của quân thánh chiến vừa chiếm được tỉnh Azaz, cách đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ có 5 km.
Dù vậy, mọi người biết quá rõ ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ. Qua các đợt oanh kích liên tục trong hai ngày qua, trước hết Ankara muốn chặn đường đảng PYD của người Kurdistan tại Syria, một chi nhánh của đảng Lao động Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ PKK. Đảng PKK bị Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ không muốn để cho phe nổi dậy Kurdistan tại Syria chiếm được thế thượng phong nhờ có sự hỗ trợ của cả Mỹ lẫn Nga. Ankara cũng không muốn xảy ra kịch bản các lực lượng nổi dậy Kurdistan lợi dụng thời điểm này để lập một vùng Kurdistan tự trị ở miền bắc Syria, sát cạnh đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là điều mà Ankara không thể chấp nhận được bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại sau khi thành lập được một vùng Kurdistan tự trị ở miền bắc Syria, thì sẽ đến lượt người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ đòi ly khai.
Thổ Nhĩ Kỳ không ngớt khẳng định quyết tâm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria. Đồng thời cũng chính Ankara tuyên bố sẵn sàng đưa quân vào Syria trong khuôn khổ một liên minh quốc tế chống IS. Nhưng một lần nữa cộng đồng quốc tế lo ngại đó chỉ là một cái cớ để Ankara nhắm thẳng vào các lực lượng Kurdistan. Dẫu sao, chiến dịch không kích vừa qua của Ankara được coi như là một tính toán cực kỳ nguy hiểm.
Về mặt pháp lý thì rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ gây hấn và tấn công Syria. Chính quyền Damas đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc can thiệp. Ngày 14/2, Chính quyền Syria lên án vụ pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực do PYD chiếm giữ bên trong lãnh thổ Syria, mô tả việc này là một nỗ lực nằm nâng cao tinh thần của những nhóm "khủng bố". Trong bản thông cáo, chính phủ Damas nói rằng việc của Syria nên để người của họ tự giải quyết.
Mỹ và Pháp đã yêu cầu ngừng ngay lập tức các cuộc oanh kích, nhưng cũng chẳng làm thay đổi được gì. Ankara tạm bỏ ngoài tai lời kêu gọi của Mỹ. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cứ khăng khăng làm theo ý mình bất chấp điều đó có thể làm mất lòng các đồng minh. Hôm 15/2, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã nói rõ rằng sẽ không ngồi yên nữa khi mà quyền lợi quốc gia bị đe dọa.
Ankara nhắc lại rằng từ nhiều tháng nay với Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực trước mặt các lực lượng Kurdistan tại phía tây Euphrate, là một trong những làn ranh đỏ không được vượt qua. Sự xuất hiện gia tăng của lực lượng người Kurdistan tại miền bắc Aleppo trong những ngày qua là điều mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không thể chấp nhận được. Ankara lo ngại người Kurdistan tại Syria đi đến thống nhất toàn bộ các phần lãnh thổ mà họ kiểm soát ở dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Phản ứng của Ankara sẽ gây ra hậu quả ngoại giao. Đó là thỏa thuận ngừng bắn tại Syria hình thành sau cuộc họp tại Munich hôm 12/2/2016 sẽ chỉ còn là một kỷ niệm xa vời.
Mỹ tới nay hậu thuẫn cho tổ chức Kurdistan tại Syria PYD. Theo giới quan sát, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ sắp tới sẽ trở nên lạnh giá.
Điều nguy hiểm hơn nữa là Thổ Nhĩ Kỳ còn muốn lôi kéo Arập Xê út vào cuộc. Mới đây Arập Xê út, một nước Hồi giáo theo hệ phái Sunni như Thổ Nhĩ Kỳ, đã bắt đầu điều chiến đấu cơ đến Thổ Nhĩ Kỳ và Ryiad đề cập tới khả năng đưa quân trên bộ sang Syria.
Tình hình trong khu vực cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ và Arập Xê út không còn ngoan ngoãn vâng lời Mỹ. Cả Ankara lẫn Ryiad cùng chỉ trích Washington quá thụ động trước những hành động của Nga tại Trung Đông. Viễn cảnh vãn hồi hòa bình cho Syria thêm xa vời, trong lúc mà cuộc nội chiến ở đây đang trở thành một ngòi nổ đe dọa an ninh toàn khu vực Trung Đông.
Ngày 16/2, Reuters đưa tin, Nga đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ thảo luận về vụ Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào các mục tiêu ở miền Bắc Syria.
Ngoài ra, Nga cũng bày tỏ quan ngại về những vụ tấn công nhằm vào các tay súng thuộc lực lượng người Kurds ở Syria.
Liên quan đến vấn đề này, một quan chức LHQ cho hay, việc thảo luận có thể diễn ra vào ngày 26/2 tới đây.
Hãng tin RIA Novosti dẫn lời người đứng đầu Ủy ban quốc tế của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Quốc hội Nga), Konstantin Kosachev, ngày 15-2 nói rằng, với những hành động ngông cuồng của chính quyền Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ, không nhận được sự ủng hộ của phương Tây, đang tự đẩy mình vào nguy cơ chiến tranh toàn diện, không chỉ với Syria mà còn có cả sự tham gia của Nga và Iran.
Theo Nh.Thạch/Tass, RIA
PetroTimes