1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng đạt được gì khi hiện diện quân sự tại Iraq?

Các nhà phân tích tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn tạo ảnh hưởng trong cộng đồng người Sunni ở miền Bắc Iraq.

Theo Al Jareeza, chỉ vài tuần trước khi quân đội Iraq cùng với các đối tác quốc tế và lực lượng dân quân địa phương tiến hành chiến dịch nhằm giành lại thành phố Mosul từ tay tổ chức khủng bố, lãnh đạo của Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã sa vào một “cuộc chiến ngôn từ” và điều này có thể phá hỏng các nỗ lực nhằm giải phóng Mosul.


Thủ tướng Iraq al-Abadi (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẩu chiến gay gắt. Ảnh: AP

Thủ tướng Iraq al-Abadi (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẩu chiến gay gắt. Ảnh: AP

Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ - Iraq khẩu chiến dữ dội trước trận chiến Mosul

Đáp lại yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân ngay khỏi Iraq của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi, ngày 11/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói rằng "Bạn không phải là người đối thoại của tôi. Bạn không cùng đẳng cấp với tôi".

"Không quan trọng là bạn gào thét cái gì ở Iraq", ông Erdogan nói trong một bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo Hồi giáo đến từ vùng Balkans và Trung Á trong một hội nghị tổ chức ở Istanbul. "Bạn nên biết rằng chúng tôi sẽ làm theo cách riêng của chúng tôi".

Thành phố Mosul - nơi có tới 1,5 triệu người đang sinh sống - là sào huyệt chính của IS tại miền Bắc Iraq kể từ năm 2014. Cuộc chiến nhằm giành lại thành phố này dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng nói rằng, nước này quyết tâm tham gia vào các hoạt động nhằm chiếm lại thành phố Mosul từ tay IS cho dù chính quyền Baghdad có chấp thuận hay không.

Các phương tiện truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã đăng tải thông tin cho biết, việc Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch tham gia chiếm lại Mosul xuất phát từ kêu gọi của ông Masoud Barzani, lãnh đạo chính quyền khu vực người Kurd tại Iraq.

Cách đây hai tuần, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua kế hoạch triển khai khoảng 2.000 binh sĩ ở miền Bắc Iraq trong vòng 1 năm nhằm “chống lại các tổ chức khủng bố”. Trong số 2.000 binh sĩ này, sẽ có 500 người đồn trú tại trại Bashiqa nhằm đào tạo các chiến binh địa phương - những người sẽ tham gia vào trận chiến giành lại Mosul từ tay IS.

Chính quyền Iraq đã lên án quyết định trên của Thổ Nhĩ Kỳ, gọi đó là một hành động “xâm lược”. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi thậm chí còn cảnh báo rằng hành động duy trì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq có thể "gây ra một cuộc chiến tranh khu vực". Chính quyền Iraq thậm chí còn yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về vấn đề này.

Tuy nhiên ông Ali Faik Demir, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ từ Đại học Galatasaray Istanbul nói với Al Jazeera rằng "Thật khó có thể xem mối đe dọa của Baghdad là nghiêm túc".

"Một đất nước không thể bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình cũng như không thể tiêu diệt các phần tử khủng bố sẽ không thể đe dọa người hàng xóm khi hàng xóm đó bảo vệ quyền lợi của họ. Đặc biệt là khi người hàng xóm đã được mời vào nước này để huấn luyện lực lượng dân quân người Sunni đang chuẩn bị chiến đấu với IS".

Theo các nhà phân tích, tính hợp pháp của chính phủ ở Baghdad đang dần bị xói mòn trong bối cảnh căng thẳng giáo phái gia tăng, can thiệp của nước ngoài và sự chiếm đóng của IS. Chính vì vậy các nhà phân tích cho rằng, ông Abadi đang cố gắng sử dụng sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Iraq như một “mồi lửa” nhằm nhóm lên chủ nghĩa dân tộc ở Iraq để giữ lại ít nhất một phần nào đó sự toàn vẹn của nước này trong thời kỳ hậu IS.


Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 500 binh sĩ tại trại Bashiqa để đào tạo chiến binh địa phương. Ảnh: Reuters

Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 500 binh sĩ tại trại Bashiqa để đào tạo chiến binh địa phương. Ảnh: Reuters

Liệu đơn giản có phải chỉ là lo lắng thay đổi nhân khẩu học ở Mosul?

Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng, một khi các tay súng thánh chiến IS bị đẩy lui khỏi Mosul, chính quyền hiện nay ở Baghdad sẽ gây khó dễ cho người Sunni đang sống tại Mosul.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trước đó đã nói rằng Mosul - thành phố bị IS chiếm giữ cách đây 2 năm - thuộc về "các cư dân Sunni ở đó". Ông Erdogan cũng nói thêm rằng, sau khi Mosul được giải phóng khỏi IS, "chỉ có người Arab Sunni, người Turkmen và người Sunni Kurd tiếp tục sống ở đó".

Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng, mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ về tương lai của Mosul không chỉ là nỗ lực để định hình lại về mặt nhân khẩu học ở một quốc gia có chủ quyền. "Chúng ta phải nhớ biên giới hiện tại của Iraq đã được vẽ ra trong thỏa thuận Sykes-Picot” [thỏa thuận phân chia lãnh thổ của Đế chế Ottoman thành nhiều khu vực chịu ảnh hưởng của Anh và Pháp vào năm 1916 - ND], ông Demir nói.

"Mosul là một thành phố lịch sử của người Sunni và bất kỳ nỗ lực nào để thay đổi thành phần nhân khẩu học của nó sẽ trực tiếp mối đe dọa đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ", ông Demir nói.

Trong khi đó theo các nhà phân tích Iraq, sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Bashiqa cho thấy "sự xâm phạm rõ ràng về chủ quyền quốc gia. Baghdad coi lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ là một lực lượng chiếm đóng bởi quân đội đã được gửi đến Bashiqa mà không có sự phối hợp trước (hoặc thỏa thuận ) với chính phủ Iraq", ông Wathiq al-Hashimi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược tại Baghdad nói

Cũng theo ông al-Hashimi, Thổ Nhĩ Kỳ muốn "kiểm soát Mosul để tạo ra một vùng đệm cho phép nước này nhắm đến mục tiêu là các chiến binh PKK [Đảng Công nhân người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố - ND]".

Các nhà phân tích cũng nhấn mạnh rằng, lo lắng của Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng có lực lượng dân quân sắc tộc tham gia giúp quân đội Iraq giải phóng Mosul không đơn thuần chỉ là mong muốn nhằm bảo vệ đồng người Sunni trong khu vực. "Nếu những lực lượng tiến vào Mosul và buộc các cư dân Sunni của thành phố này phải ra đi? Tất nhiên họ không thể đi đến Syria, vì vậy họ sẽ di chuyển về phía Bắc, và vào Thổ Nhĩ Kỳ", ông Demir nói.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang phải “cưu mang” 2,7 triệu người tị nạn, chính vì vậy đơn giản là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể tiếp nhận thêm một làn sóng người tị nạn mới. Chính vì vậy theo ông Demir, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cần phải có những bước đi cần thiết để đảm bảo người dân ở Mosul có thể ở lại Mosul sau khi IS bị đánh bật khỏi thành phố này.

Về phần mình, Mỹ gần đây đã lên tiếng đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng ý kiến của chính quyền Iraq liên quan đến sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Iraq. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby ngày 11/10 cho rằng: “Tất cả các nước láng giềng của Iraq cần phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq”, đồng thời hối thúc Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ tập trung vào kẻ thù chung là IS.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đây cũng chỉ là một sự hùng biện của Mỹ. “Họ có thể nói về tầm quan trọng của chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở Iraq, tuy nhiên không ai trong số các bên can dự mong muốn Iraq quay trở lại hiện trạng trước khi IS xuất hiện bởi họ biết rằng điều này không thể xảy ra trong thực tế”, ông Metin Gurcan - chuyên gia phân tích an ninh cho biết.

"Không có việc đúng hay sai ở miền Bắc Iraq vào thời điểm này. Những gì xảy ra tại Mosul có thể bắt đầu một phản ứng dây chuyền và nó có thể thay đổi toàn bộ bản đồ khu vực. Điều chúng ta có thể làm lúc này là chờ đợi và xem kết quả", ông Gurcan nói.

Theo Nguyễn Hùng

VOV