1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thị trấn đầu tiên trên thế giới cấm bán nước uống đóng chai

(Dân trí) - Người dân ở một thị trấn Australia, với hi vọng bảo vệ trái đất và “màng túi” của mình, đã bỏ phiếu cấm bán nước uống đóng chai. Đây là thị trấn đầu tiên của Australia cũng như trên thế giới đưa ra lệnh cấm chống lại ngành công nghiệp nước uống đóng chai.

Thị trấn đầu tiên trên thế giới cấm bán nước uống đóng chai - 1

Nước uống đóng chai sẽ bị loại bỏ trong tương lai?
 
Người dân ở Bundanoon đã ăn mừng sau khi gần như đồng loạt bỏ phiếu tán thành lệnh cấm trên tại cuộc họp của thị trấn vào ngày hôm qua. Đây cũng là đòn giáng mạnh thứ hai đối với ngành công nghiệp nước uống của Australia trong cùng một ngày. Bởi vài giờ trước đó, người đứng đầu bang New South Wales cũng cấm các cơ quan, ban ngành của thành phố mua nước uống đóng chai, và cho rằng nó lãng phí tiền bạc cũng như tài nguyên thiên nhiên.

 

“Tôi chưa bao giờ thấy 350 người Australia trong cùng một phòng lại nhất trí đối với một điều gì”, Jon Dee, người giúp mở chiến dịch chống nước uống đóng chai ở Bundanoon, thị trấn gồm khoảng 2.500 dân, cách nam Sydney 160km. “Đã đến lúc mọi người phải nhận ra được chúng ta đang bị ngành công nghiệp nước đóng chai chi phối”.

 

Nhen nhóm cuộc chiến chống nước uống đóng chai trên thế giới

 

Nước uống đóng chai khi mới “chào đời” vào những năm 1980 được cho là tiện lợi và có lợi cho sức khỏe hơn những loại nước uống có đường khác. Nhưng hiện nay, nước uống đóng chai thường bị chỉ trích là mối đe dọa với môi trường, bởi chai lọ tràn ngập khắp nơi và đòi hỏi nhiều công sức cũng như tiền của để sản xuất, vận chuyển.
 

Trong vài năm qua, ít nhất 60 thành phố ở Mỹ và nhiều thành phố khác tại Canada, Anh đã nhất trí ngừng chi tiền thu được từ thuế cho nước uống đóng chai. Theo Deborah Lapidus, trưởng ban tổ chức chiến dịch “Nghĩ xa hơn về chai lọ” của Tổ chức giải trình quốc tế ở Mỹ, nước uống đóng chai thường được dùng rất nhiều cho các cuộc họp của thành phố.

 

Tuy nhiên, bà cho biết, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Boston này chưa bao giờ nghe nói đến một cộng đồng cấm bán nước uống đóng chai.

 

“Tôi nghĩ những gì thị trấn này làm là đang tiến xa hơn một bước và đang nhận ra rằng có nước uống an toàn chảy ngay trong vòi nước sinh hoạt của chúng ta”, bà nói.

 

Khởi nguồn cuộc chiến ở Bundanoon

 

Cuộc chiến chống lại nước uống đóng chai ở Bundanoon đã dai dẳng suốt nhiều năm, từ khi một công ty đồ uống có trụ sở tại Sydney tuyên bố kế hoạch xây dựng nhà máy lọc nước ở thị trấn. Người dân nơi đây đã vô cùng tức giận trước viễn cảnh một người ngoài đến lấy nước của họ, chất lên xe chở đến Sydney để xử lý rồi sau đó bán lại cho họ. Hiện thị trấn vẫn tiếp tục đấu tranh trước việc cấp phép cho công ty trên tại tòa.

 

Rồi vào tháng 3, Huw Kingston, người sở hữu chuỗi café kết hợp với cửa hàng xe đạp của thị trấn nảy ra ý tưởng: Nếu thị trấn đấu tranh quyết liệt với công ty nước đóng chai như thế, tại sao lại không cấm sản phẩm cuối cùng của nó?

 

Và để tránh làm mất lợi nhuận cho khoảng 10 cửa hàng bán nước uống đóng chai, Kingston gợi ý họ bán những chai nước tái sử dụng với cùng giá. Người dân sẽ có thể đổ đầy bình đựng nước miễn phí ở những vòi nước công cộng hay trả một ít chi phí để đổ nước lọc vào bình/bể chứa.

 

Lệnh cấm sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 9 tới. Nhưng theo Kingston, hiện tất cả các doanh nghiệp đã tự nguyện thực hiện theo lệnh cấm và nhận thấy những bất lợi về môi trường cũng như tài chính đối với nước uống đóng chai.

 

Vào hôm qua, 356 người đã đi bỏ phiếu, một số lượng lớn nhất từ trước tới nay ở thị trấn Bundanoon.

 

Chỉ có hai người bỏ phiếu chống. Một người cho biết ông lo ngại lệnh cấm bán nước uống đóng chai sẽ khuyến khích mọi người uống đồ uống có đường. Còn người kia là Geoff Parker, giám đốc Viện nước uống đóng chai Australia, đại diện cho ngành công nghiệp nước uống đóng chai.

 

Người dân Australia đã chi 500 triệu đô la Australia (390 triệu USD) cho nước uống đóng chai vào năm 2008, một con số khổng lồ cho một đất nước chỉ có chưa đầy 22 triệu dân.

 

Hôm nay, Parker đã lên tiếng phản đối lệnh cấm là không công bằng, không hiệu quả và sai lầm. Ông cho rằng ngành công nghiệp nước uống đóng chai là ngành dẫn đầu trong công cuộc nghiên cứu cách thức giảm thiểu ảnh hưởng của đồ uống đóng chai đối với môi trường. Ngoài ra, theo ông lệnh cấm đã loại bỏ một lựa chọn của người tiêu dùng.

 

Tuy nhiên, nhà tổ chức chiến dịch Dee, người cũng là giám đốc tổ chức môi trường Australia Do Something!, “phản pháo” lại rằng nước uống từ vòi nước sinh hoạt hàng ngày cũng tốt như là nước uống đóng chai. “Chúng tôi đang hi vọng rằng lệnh cấm sẽ như chất xúc tác đối với trí nhớ của chúng ta về những ngày khi chúng ta chưa có nước uống đóng chai”, Dee nói.

 

Phan Anh

Theo AP