Theo chân “nữ tì” tới quận điện tử nổi tiếng Tokyo
(Dân trí) - Nhiều người đã ví quận điện tử Akihabara nổi tiếng ở Tokyo giống như một công viên chủ đề rộng lớn được xây dựng bằng đam mê văn hóa “otaku” (sùng truyện tranh) và nó đang có khả năng trở thành gương mặt mới của Nhật Bản.
Với văn hóa “otaku” ngày càng lan rộng khắp thế giới, hình ảnh những vị khách du lịch trẻ nước ngoài, ba lô trên lưng đã trở nên quá quen thuộc ở quận Akihabara, quận điện tử nổi tiếng tại Tokyo. Bất chấp vụ đâm chém tai tiếng hồi tháng 6 vừa qua tại quận Akihabara (hay còn gọi là Akiba), khiến 17 người thiệt mạng và bị thương, nhiều người vẫn thấy nơi đây thật quyến rũ.
Dưới đây là ghi chép của một phóng viên của tờ Mainichi theo chân một “nữ tì” (nữ hướng dẫn viên đặc trưng trên quận Akihabara) quanh quận chuyên bán đồ điện tử, công nghệ cao nổi tiếng của Nhật Bản này.
“Xin hãy cho phép tôi được tháp tùng ông trong chuyến đi của ông”, tôi được cô Masuda ở văn phòng hướng dẫn du lịch Akiba, chào như vậy. Masuda đã làm hướng dẫn viên được hai năm rưỡi rồi, và theo lời cô, cô “mãi mãi 17 tuổi”.
Văn phòng hướng dẫn viên được khai trương vào đầu năm 2006, cùng thời gian với trung tâm mua bán ở nhà ga bắt đầu tái phát triển. Văn phòng được mở với mục đích cung cấp thông tin cho du khách tới thị trấn điện tử nổi tiếng của Akihabara.
Lần đầu tiên Masuda được giới thiệu về Akiba là thời gian cô học ở trường cao đẳng kỹ thuật, khi cô đến đây để mua một số phụ tùng máy móc. Như vậy Musuda là một trong số ít người biết về các café “nữ tì” và những khía cạnh khác của văn hóa otaku, cũng như các cửa hàng bán phụ tùng máy móc trong khu vực.
Đúng như những gì Masuda nói, cô dẫn tôi đến những nơi đã làm nên lịch sử của thị trấn này. Ví dụ như Radio Kaikan, nằm gần nhà ga, nơi các cửa hàng bán phụ tùng vô tuyến cũ chen chúc với những gian hàng bán truyện tranh, anime (hoạt hình Nhật Bản) và tượng. Các dãy hàng chật hẹp đã trở thành biểu tượng của khu vực này kể từ khi xuất hiện các chợ đen thời hậu chiến.
Masuda đưa tôi đến Nagomi, một quán café “nữ tì” với chủ đề “em gái”. Lần này, tôi được gặp một cô gái mặc đồng phục của “nữ tì” truyền thống, với dòng chữ “Chào đón anh trai!”. Các “nữ tì” casino và các quán bar cosplay cũng mọc lên như nấm, khiến Akihabara cũng đồng nghĩa với những quán café “nữ tì”.
Café "nữ tì" đã trở thành đặc sản của văn hóa otaku, và nó đang lan rộng ra khắp thế giới.
Ngoài ra, nơi đây cũng có một số lượng đáng ngạc nhiên các nữ khách hàng. Và trong khi tôi đang ngồi nhâm nhi cốc café đá với giá khá phải chăng, người nữ hầu bàn quay sang tâm sự: “Tôi thích cosplay, thích truyện tranh. Thật tuyệt khi được ở một nơi mà mọi người đều có cùng sở thích”.
Masuda cũng đồng ý: “Tôi đã bị xem là kỳ cục rất nhiều lần khi nói với mọi người tôi thích máy móc. Nhưng ở đây bạn có thể nói với bất kỳ ai mà không sợ có thành kiến”.
Bất chấp sự khoan dung của Akiba, những người làm ăn kinh doanh vẫn thấy mọi thứ ở đây thật khó khăn. “Những người làm ăn đến đây chỉ vì lý do thương mại thường thất bại”, Keisaku Isono, chủ một cửa hàng vũ khí giả 39 tuổi, cho biết. Anh giải thích một số café “nữ tì” được mở cửa sau thời kỳ phất lên đầu tiên của Akihabara đã bị sập chỉ trong vòng 6 tháng. “Người mở cửa hàng cần phải có thứ mà otaku có thể chia sẻ được”.
Ngoài ra, Isono cho rằng Akihabara cũng có khả năng “tiếp năng lượng” cho nền kinh tế Nhật Bản. “Hiện tại người châu Âu cũng đam mê văn hóa Nhật Bản, giống như hồi thế kỷ 19”, Isono nhận xét. Và rõ ràng có rất nhiều người nước ngoài đến đây, chăm chú xem truyện tranh, anime, cũng như dán mắt vào các cửa hàng điện tử.
“Rất nhiều đồ bán ở nước ngoài là hàng giả, kém chất lượng, nên những người muốn tìm đồ thật đã đến đây. Nhật nên mở rộng phát triển ra thị trường ở nước ngoài”, Isono tán tụng.
Nhiều người đã ví quận điện tử Akihabara giống như một công viên chủ đề rộng lớn được xây dựng bằng niềm đam mê của otaku và nó có khả năng trở thành gương mặt mới của Nhật Bản.
Nhà hàng, quán rượu cosplay có xuất xứ từ quận Akihabara, Tokyo, ở Nhật vào khoảng năm 2000. Chúng bao gồm cả những quán café “nữ tì”, nơi các nhân viện phục vụ ăn mặc như những nữ tì hoặc quản gia duyên dáng. Những nhà hàng, quán café này nhanh chóng trở thành “đặc sản” của văn hóa otaku Nhật Bản. So với những quán café bình thường, phục vụ ở các quán cosplay thường mang lại sự mới lạ. Các nhân viên cư xử với khách hàng như những ông bà chủ ở nhà của họ. “Đặc sản” của văn hóa otaku này đã lan rộng ra nhiều vùng khác ở Nhật Bản, cũng như các nước và khu vực khác, như Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, và Canada. |
Phan Anh
Theo Mainichi