1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thế khó của các thương hiệu khổng lồ tại thị trường Nga

Thanh Thành

(Dân trí) - Nhiều công ty đa quốc gia hoạt động tại Nga gặp phải bài toán khó là đi hay ở, hơn 1 năm sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Thế khó của các thương hiệu khổng lồ tại thị trường Nga - 1

Một cửa hàng Auchan ở Moscow. Chuỗi siêu thị của Pháp vẫn mở 230 cửa hàng ở Nga (Ảnh: EPA).

Theo New York Times, không phải tất cả các công ty phương Tây đều đóng gói và rời khỏi Nga sau khi xung đột Ukraine bùng nổ. Một số thông tin nói Moscow có chiến lược "trói chân" họ, trong khi những "ông lớn" khác tự chọn ở lại. 

Ngay khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, một nhóm các công ty phương Tây tuyên bố sẽ nhanh chóng rời khỏi nơi từng là một thị trường quan trọng này.

Cái tên nổi tiếng McDonald's đã đi đầu xu hướng rời đi khi quyết định dỡ bỏ những mái nhà vòm vàng của mình tại thủ đô Moscow sau 32 năm tồn tại như một biểu tượng lớn. Gã khổng lồ dầu mỏ BP đã thoái vốn các khoản đầu tư khổng lồ ở Nga. Nhà sản xuất ôtô Pháp Renault đã bán các nhà máy với số tiền tượng trưng là 1 rúp.

Nhưng 1 năm sau cuộc chiến, hàng trăm doanh nghiệp phương Tây vẫn ở Nga, bao gồm cả các công ty chip hạng cao và hạng trung từ châu Âu và Mỹ. Họ vẫn hoạt động kinh doanh bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây và các chiến dịch tẩy chay từ các quan chức, người tiêu dùng và các nhóm nhân quyền Ukraine.

Một số công ty, vốn đối mặt với cáo buộc đang hỗ trợ tài chính cho chính phủ Nga, tuyên bố ở lại vì khách hàng cần họ.

Trong số đó có Auchan, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất của Pháp, vẫn mở 230 cửa hàng ở Nga. Auchan cho biết sẽ tiếp tục ở lại. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích nhà bán lẻ này và gần đây Auchan đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay mới sau khi có báo cáo cho rằng, công ty con của Auchan tại Nga đã quyên góp thực phẩm cho quân đội nước này.

Auchan đã bác bỏ những cáo buộc đó và tuyên bố việc ở lại Nga và cả Ukraine là nhằm "đáp ứng nhu cầu thực phẩm thiết yếu của dân thường".

Thực tế cho thấy, các công ty khác đã thu hẹp quy mô hoạt động tại Nga, hoặc rút lui từ mùa xuân năm ngoái. Tuy nhiên, việc rời đi dường như đang tạm ngừng.

Gã khổng lồ dược phẩm Pfizer cũng đã ngừng đầu tư vào Nga nhưng vẫn tiếp tục bán một số sản phẩm hạn chế, trong đó khoản lợi nhuận thu đuợc sẽ gửi đến các nhóm nhân đạo Ukraine.

Carlsberg, nhà sản xuất bia lớn thứ ba thế giới, đang nỗ lực tìm người mua lại các nhà máy ở Nga, với điều kiện là phải đưa ra các điều khoản mua lại để cho phép công ty này có thể quay trở lại khi chiến tranh kết thúc.

Đối với nhiều công ty, việc khai thác và hoạt động ở Nga phức tạp hơn dự đoán. Giám đốc các công ty phương Tây tuyên bố họ cần có trách nhiệm với các cổ đông trong việc tìm kiếm những người mua lại với giá cao thay vì giao lại cho Moscow.

Thế khó của các thương hiệu khổng lồ tại thị trường Nga - 2

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy do Carlsberg điều hành ở St. Petersburg, Nga (Ảnh: Bloomberg).

Những lo ngại như vậy đã khiến gã khổng lồ thuốc lá Philip Morris vào tháng trước tuyên bố có thể sẽ không bao giờ bán doanh nghiệp ở Nga.

Những doanh nghiệp khác thì không muốn mạo hiểm nhường thị phần cho các công ty Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ hoặc Mỹ Latinh, những quốc gia không trừng phạt Nga, và đang để mắt đến tài sản và cổ phần do các công ty phương Tây rời đi để lại.

Luật sư Olivier Attia tại công ty luật August Debouzy ở Paris chuyên tư vấn cho các công ty lớn của Pháp có hoạt động tại Nga, cho biết: "Nga là một thị trường lớn đối với nhiều công ty. Đưa ra quyết định rời đi thật khó khăn, và quá trình ra đi cũng khó khăn".

Dữ liệu do Yale tổng hợp cho thấy, trong số gần 1.600 công ty ở Nga trước chiến tranh, hơn 1/4 trong số này vẫn tiếp tục hoạt động ở đó và một số chỉ hoãn các khoản đầu tư đã lên kế hoạch. Trong một cuộc khảo sát của Trường Kinh tế Kiev với số lượng công ty nhiều gấp đôi, tỷ lệ đó là gần 50%.

Nhưng một nghiên cứu khác cho thấy, chưa đến 9% trong số khoảng 1.400 công ty từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Anh và Canada đã thoái vốn khỏi một công ty con của Nga kể từ sau chiến tranh.

Rõ ràng, nhiều công ty không sẵn sàng rời đi.

Dimitri Lavrov, một đối tác cấp cao tại Nexlaw, công ty luật ở Geneva chuyên tư vấn cho các công ty đa quốc gia ở Nga, cho biết chính quyền Nga lo ngại những hạn chế tác động kinh tế từ các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì việc làm, vì vậy không muốn thấy các nhà đầu tư phương Tây rời đi.

Ông Lavrov cho biết thêm, Nga đã ra dự thảo luật vốn sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài "bảo toàn cả tài sản và hoạt động kinh doanh tại quốc gia này, đồng thời có khả năng quay trở lại Nga trong trường hợp buộc phải rời đi".

Kể từ sau chiến tranh, đế chế bán lẻ châu Âu thuộc sở hữu của gia đình Mulliez ở Pháp này nhấn mạnh việc mở cửa các cửa hàng của mình ở Nga là cần thiết để cung cấp thực phẩm cho khách hàng dân sự và duy trì việc làm cho 29.000 nhân viên.

Auchan cho biết đã tạm dừng đầu tư vào Nga ngay sau chiến tranh. Vì đóng cửa hoạt động kinh doanh, họ chỉ thu về 3,2 tỷ euro (3,4 tỷ USD) vào năm 2021, tương đương 10% doanh thu của Auchan. Điều này sẽ khiến các quan chức Nga coi là phá sản và dẫn đến khả năng các nhà quản lý địa phương bị truy tố và hàng trăm siêu thị mà họ đã đầu tư hơn 20 năm bị tịch thu.

Các quan chức Ukraine chỉ trích mạnh mẽ động thái này, cáo buộc Auchan và các công ty khác giúp tài trợ cho cuộc chiến của Nga bằng cách tiếp tục hoạt động ở đó.

Auchan tuyên bố đã tiến hành một cuộc điều tra nội bộ và khẳng định thông tin trên là hoàn toàn sai lệch. "Công việc kinh doanh của chúng tôi là cung cấp thức ăn cho người dân và gần gũi với người dân. Bởi vì một ngày nào đó, hòa bình sẽ đến, và điều quan trọng là vẫn ở bên cạnh họ", một phát ngôn viên cho biết.

Thế khó của các thương hiệu khổng lồ tại thị trường Nga - 3

Một nhà máy ở Chekhov, Nga, thuộc nhà sản xuất thực phẩm đa quốc gia Danone của Pháp (Ảnh: EPA).

Các công ty đã tuyên bố sẽ rời đi nói rằng rất khó làm việc này vì Nga thay đổi các quy định.

Ngay sau các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Nga đã thắt chặt các quy định quốc hữu hóa. Các công ty nước ngoài chỉ có thể bán tài sản khi được Bộ Tài chính Nga chấp thuận, quá trình này có thể mất từ 6-12 tháng. Các tập đoàn từ các lĩnh vực chiến lược, bao gồm dầu mỏ và ngân hàng, cần Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt.

Công ty Heineken cho biết, những rào cản như vậy đã làm trì hoãn nỗ lực thoái vốn của họ. Ngay sau khi thông báo vào tháng 3/2022 về việc sẽ ngừng bán bia Heineken ở Nga, công ty cho biết "đã nhận được cảnh báo chính thức từ các công tố viên Nga" rằng quyết định đình chỉ hoặc đóng cửa công ty con ở Nga sẽ bị coi là phá sản có chủ ý - một hành vi phạm tội và sẽ bị quốc hữu hóa.

Nhà sản xuất bia cho biết các nhân viên ở Nga của họ buộc phải duy trì doanh số bán hàng để tránh nguy cơ phá sản và "mối đe dọa" bị quốc hữu hóa. Heineken cho biết dự kiến sẽ bị lỗ khoảng 300 triệu euro nếu rời khỏi Nga.

Theo nytimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm