1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế giới: Gần 80.000 bài báo lên án Trung Quốc

Kể từ 2/5 - ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam đến nay, trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, có đến gần 80.000 bài báo viết về sự kiện này trên tất cả các phương tiện truyền thông quốc tế.

Điểm chung của các bài viết là cộng đồng quốc tế thật sự quan ngại về những hành động nguy hiểm và làm leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông. Bằng những bài viết công tâm, phản ánh đúng bản chất sự việc của các hãng thông tấn có uy tín trên thế giới, tính chính nghĩa của Việt Nam đã được phổ biến rộng rãi và làm lay động lương tri của cộng đồng quốc tế.

Ngoài những tờ báo khai thác lại thông tin từ báo chí Việt Nam, những hãng thông tấn lớn như CNN, Reuters, AP… đã cử phóng viên tham gia đoàn nhà báo được phía Việt Nam cho phép ra thực địa đưa tin. Đặc biệt, CNN là một trong số nhiều hãng thông tấn nước ngoài có những bài viết sâu, phân tích và miêu tả chi tiết về những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở thực địa thể hiện qua bài viết của Euan McKirdy. Bài viết này đã lột tả được bộ mặt hung tợn của những tàu chiến, tàu hải giám của Trung Quốc đã dùng mọi thủ đoạn để tấn công tàu thực thi pháp luật và tàu cá Việt Nam.

Ngoài ra, các tờ báo chuyên sâu về phân tích địa chính trị, chiến lược ngoại giao, như Foreign Policy, The Diplomatic... thường xuyên có những bài bình luận, dẫn lời các chuyên gia chính trị nhận  định về tình hình Biển Đông và chỉ  trích những hành động đi ngược lại với luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Sự kiện tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, hàng loạt các tờ báo lớn, như Washington Post, New York Times, Reuters, AP, Bloomberg, AFP... đã có bài viết chỉ trích kịch liệt hành động vô nhân đạo này. Trong bài viết mang tiêu đề Trung Quốc đâm chìm tàu cá làm tăng căng thẳng với Việt Nam, trang tin Bloomberg đánh giá sự kiện là màn đối đầu nghiêm trọng nhất của hai nước.

Tờ New York Times nhận xét vụ đâm tàu diễn ra sẽ tiếp tục tăng cao căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, theo sau việc chính quyền Bắc Kinh kéo giàn khoan nước sâu vào vùng biển Việt Nam. Tờ báo cũng dẫn lời Dennis J. Blasko - Cựu quan chức quân sự của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đánh giá vụ đâm tàu là điều Mỹ quan ngại vì nó có thể làm căng thẳng tình hình.

* Trong số ra ngày 22/6, tờ The Star của Malaysia đã đăng bài trả lời phỏng vấn của Giáo sư David Arase - chuyên gia ngành Chính trị  quốc tế tại Trung tâm Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), một cơ sở của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) - về tình hình căng thẳng trên Biển Đông.

Liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 và việc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, Giáo sư Arase cho rằng đây là mối quan ngại lớn vì có nguy cơ đẩy mọi việc vượt tầm kiểm soát.

Giáo sư Arase nhấn mạnh Trung Quốc coi Biển Đông là khu vực chiến lược nên rất muốn kiểm soát an ninh ở vùng biển này. Thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh các hành động quyết đoán hòng thúc đẩy các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, cho dù cả giới quan chức và học giả Trung Quốc đều không có đủ lý lẽ chứng minh vùng biển nào thuộc chủ quyền của mình. Vì vậy, các yêu sách của Trung Quốc có thể sẽ còn thay đổi và đây là cơ hội cho các nước ASEAN cùng hợp tác đối phó.

* Ngày 21/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Mỹ sẽ rất quan ngại nếu Trung Quốc hạ đặt các giàn khoan mới trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo, bà Jen Psaki cho biết ở thời điểm hiện tại, Mỹ chưa có đủ thông tin về vị trí của các giàn khoan mới của Trung Quốc nên chưa đưa ra đánh giá. Tuy nhiên, nếu các giàn khoan này được hạ đặt trong vùng biển tranh chấp thì "đó sẽ là điều đáng lo ngại". Cũng theo bà Jen Psaki, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Cùng ngày, phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng New Zealand John Key đều lên tiếng hối thúc Trung Quốc và các nước láng giềng giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, tránh leo thang căng thẳng.

* Thông tấn xã Đài Loan ngày 21/6 đưa tin, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống George W Bush, ông Stephen Hadley đã không nể nang chủ nhà, ngay tại Diễn đàn Hòa bình thế giới lần thứ 3 tại Bắc Kinh, khi thẳng thắn chỉ trích những hành vi khiêu khích của Bắc Kinh trên Biển Đông và Hoa Đông đang khiến láng giềng lo ngại.

Hội thảo này là "sự nối dài" thực lực ngoại giao Trung Quốc từ chính thức  đến phi chính thức, Bắc Kinh mời khá nhiều quan chức nghỉ hưu của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Nga tham dự, trong đó có ông Stephen Hadley.

Mặc dù là khách mời của Bắc Kinh, nhưng cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ đã không ngần ngại phê phán thẳng thắn và đích danh nước chủ nhà. Trong bài phát biểu với tiêu đề "Quan hệ nước lớn ở châu Á - Thái Bình Dương và hòa bình khu vực", Stephen Hadley đã ví những hành vi của Trung Quốc gần đây không khác gì thế kỷ 19, bao gồm những động thái khiêu khích ở Biển Đông và đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông. Ông Stephen Hadley nói: "Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc đương nhiên phải nghi ngờ mong muốn của Bắc Kinh về việc xây dựng mô hình mới của quan hệ nước lớn, mặc dù Trung Quốc có giải thích của riêng họ".

Cựu cố vấn An ninh quốc gia Mỹ  nêu rõ: Tại Trung Quốc hiện nay tồn tại một quan điểm gọi là "âm mưu luận", quan điểm này cho rằng Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc  đang hợp mưu đối phó với Bắc Kinh. Thậm chí một số người Trung Quốc cho rằng, không có Mỹ, quan hệ Trung Quốc với láng giềng sẽ tốt hơn nhiều. "Tuy nhiên tôi cần nhấn mạnh, nếu không có Mỹ, những vấn đề Trung Quốc phải đối mặt ở châu Á còn tồi tệ hơn nhiều".

Theo Nguyễn Chiến
Chinhphu.vn