1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thế giới đề phòng trước lời kêu gọi chết chóc của IS

Sau các vụ tấn công khủng bố táo tợn tại Anh, Pháp, Iran… nhiều nơi trên thế giới đang thắt chặt an ninh để phòng ngừa sự tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan trong tháng lễ ăn chay Ramadan.


Việc xuất hiện lời kêu gọi của kẻ được cho là phát ngôn viên của IS đã làm dấy lên lo ngại khủng bố nhiều nơi trên thế giới

Việc xuất hiện lời kêu gọi của kẻ được cho là phát ngôn viên của IS đã làm dấy lên lo ngại khủng bố nhiều nơi trên thế giới

Một đoạn tin nhắn thoại chứa đầy “khẩu khí chết chóc” chỉ dài vài chục từ đang được lan truyền chóng mặt khắp nơi trên thế giới. Đoạn tin nhắn thoại này được cho là lời nói của Abi al-Hassan al-Muhajer, nhân vật đảm nhận vai trò người phát ngôn chính thức của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, xuất hiện trên ứng dụng Telegram thường được IS sử dụng làm phương tiện tuyên truyền từ ngày 12-6.

Đoạn tin nhắn thoại trên có nội dung: “Gửi tới các anh em đức tin và tín ngưỡng ở châu Âu, Mỹ, Nga, Australia và các nơi khác, những người anh em của các bạn tại nơi của các bạn đã làm tốt, bởi vậy hãy xem họ với vai trò kiểu mẫu và làm như những gì họ đã làm”. Hiện tính xác thực của đoạn tin nhắn thoại chưa chính thức được xác nhận, song giọng nói trong tin nhắn giống với những lần gửi tin trước đó của Abi al-Hassan al-Muhajer.

Việc kẻ được cho là phát ngôn viên của IS lên tiếng kêu gọi các phần tử thuộc tổ chức cũng như ủng hộ tổ chức khủng bố khét tiếng này tiến hành các vụ tấn công tại Mỹ, châu Âu, Nga, Australia, Iraq, Syria, Iran, Philippines… trong tháng lễ Ramadan đã gây lo ngại sâu sắc. Trước đó, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Aleksander Bortnikov trong tuyên bố đưa ra hồi trung tuần tháng 4 vừa qua cũng đã cảnh báo các nhóm phiến quân IS đang lên kế hoạch khủng bố ở nhiều khu vực trên thế giới.

Tháng lễ Ramadan (năm nay từ ngày 27-5 đến 24-6) kéo dài khoảng 30 ngày, là 1 trong 5 tín điều bắt buộc của người theo đạo Hồi. Trong tháng lễ Ramadan, tất cả tín đồ đạo Hồi đều thực hiện không ăn, không uống, không hút thuốc từ lúc Mặt Trời mọc đến khi Mặt Trời lặn. Ngoài ra, những người Hồi giáo còn phải tránh những thói quen xấu như nói dối, tức giận, đối xử không tốt với người khác, phải chú tâm vào lời cầu nguyện và tăng cường làm việc thiện, tham gia các hoạt động từ thiện…

Tháng lễ Ramadan với những đạo lý răn dạy hướng thiện khuyên tín đồ làm những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, những kẻ Hồi giáo cực đoan, đặc biệt hiện nay là IS, đã lợi dụng tháng lễ thiêng liêng này đối với người theo đạo Hồi để kích động, tổ chức các cuộc tấn công khủng bố.

Từ trước tháng Ramadan năm nay và nhất là từ khi tháng lễ bắt đầu, hàng loạt vụ tấn công khủng bố chấn động đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, từ các quốc gia châu Âu như Anh, Pháp cho đến các nước khác như Philippines, thậm chí cả ở những quốc gia Hồi giáo như Iran, Ai Cập, Afghanistan… Các vụ tấn công này đã khiến hàng chục người thiệt mạng và gây ra sự lo lắng sâu sắc cho không chỉ người dân mà giới chức các nước nằm trong “tầm ngắm” của IS cũng như rất nhiều nước khác trên toàn cầu.

Lời kêu gọi “chết chóc” của IS khiến cả thế giới phải đề phòng những cuộc tấn công liều chết, có thể là những vụ đánh bom, tấn công bằng đâm xe hay bằng dao như ở Thủ đô London của Anh… Đáng lo ngại hơn như một quan chức an ninh cấp cao của Mỹ giấu tên cho biết tình báo Israel đã phát hiện các phần tử IS đang chế tạo ra loại bom giống hệt pin máy tính xách tay để có thể vượt qua hệ thống kiểm tra an ninh ở sân bay… khiến máy bay chở khách là một mục tiêu tiềm tàng.

Theo Hoàng Tuấn

An ninh thủ đô