1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Từ hộ chiếu lưỡi bò, Bình Minh 2 đến kiểm tra tàu:

Thấy gì từ những động thái mới của Trung Quốc?

Trong khi vụ hộ chiếu đường lưỡi bò vẫn đang bị lên án một cách kịch liệt thì Trung Quốc lại tiến hành hàng loạt cách hành động gây hấn mới, đe dọa đến hòa bình tại khu vực biển Đông.

Kể từ ngày 1/1/2013, theo Nhân dân nhật báo và Tân Hoa Xã, cảnh sát biên phòng tỉnh Hải Nam sẽ có quyền kiểm tra, bắt giữ và trục xuất bất kỳ thuyền bè nước nào "xâm nhập trái phép các vùng biển do chính quyền Hải Nam quản lý".

Đây là hành động được quốc tế đánh giá là hết sức ngang ngược, tuyên bố này cùng với hành động xâm phạm, gây đứt cáp tàu Bình Minh 02 mới đây cho thấy thời điểm mà Trung Quốc tăng cường áp đặt quyền chủ quyền của mình tại các khu vực tranh chấp đã bắt đầu.

Cơ sở cho tuyên bố kiểm soát đánh cả của Trung Quốc, trước hết là khẳng định quyền lợi hợp pháp của các tàu đánh cá của họ trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 12 hải lý tính từ đảo Hải Nam. Đây là điều hợp lý không phải bàn cãi vì nó rất phù hợp với thông lệ quốc tế và Luật biển UNCLOS.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là Trung Quốc đã cố tính giải thích sai lệch UNCLOS, viện dẫn sai  quy chế của các đảo nhằm "nối dài chủ quyền" của họ ra tận những khu vực thuộc chủ quyền của các nước khác.

Với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ, lập luận "nối chủ quyền" này của Bắc Kinh càng được củng cố theo một lập luận không giống ai.

Trung Quốc còn đơn phương cho rằng vùng nước nằm trong đường lưỡi bò thuộc chủ quyền của Trung Quốc dựa trên những "bằng chứng lịch sử không thể chối cãi" mà chẳng có một nước nào khác đồng tình. Điều này tạo cho Bắc Kinh cái cớ để kiểm soát những vùng nước bên ngoài phạm vi 12 hải lý, là cơ sở để tạo nên đạo luật mới gây tranh cãi nói trên.

Hành động vô lý này còn vi phạm tới hai nguyên tắc quan trọng nhất trong Luật quốc tế. Thứ nhất là nguyên tắc "tự do hàng hải" của UNCLOS. Mặc dù luôn tuyên bố sẽ bảo vệ và không ngăn cản tự do hàng hải cũng như tự do giao thương, nhưng hành động này của Trung Quốc đã cho thấy nước này không phải là một quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế như lâu nay vẫn khẳng định. Khi kết hợp với yêu sách áp dụng quy chế lãnh hải cho EEZ  mà Trung Quốc từng tuyên bố, thì nước này sẽ có thể khống chế toàn bộ việc vận chuyển và giao thương trong khu vực biển Đông. Bất cứ tàu thuyền nào đi qua biển Đông cũng sẽ phải chịu sự kiểm tra của Trung Quốc, và nếu có mâu thuẫn xảy ra, ai dám đảm bảo Trung Quốc sẽ không gây khó dễ cho các quốc gia khác?

Thứ hai, việc này còn vi phạm nguyên tắc hòa giải và giải quyết hòa bình các tranh chấp trong luật quốc tế.

Khi vấn đề biển Đông đang trở thành điểm nóng trong khu vực với các mâu thuẫn chồng chéo và nguy cơ xung đột cao thì việc các nước hành động kiềm chế và không gây hấn là vô cùng cần thiết. Cộng đồng quốc tế và các cường quốc lớn cũng như các bên liên quan đã luôn kêu gọi Trung Quốc hành xử theo luật quốc tế. Trong khi đó, dù luôn chỉ trích các bên liên quan không tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng chính Trung Quốc lại liên tục đẩy mạnh các hành động gây hấn và làm phức tạp thêm tình hình bằng các lệnh cấm đơn phương. Điều này khiến cho quá trình hòa giải và giải quyết tranh chấp trên biển Đông trở nên vô cùng phức tạp.

Đoạn dây cáp bị đứt trên tàu Bình Minh 02. Ảnh:

Đoạn dây cáp bị đứt trên tàu Bình Minh 02. Ảnh: PetroTimes.vn

Ba 'cái lợi'

Tuy nhiên, cũng như việc đưa "đường lưỡi bò" vào hộ chiếu hay đẩy mạnh dùng tàu cá để xác lập chủ quyền thực địa, việc Trung Quốc muốn kiểm tra tất cả tàu thuyền ra vào vùng biển Đông cũng chỉ là một bước để nước này tạo sự chính danh cho "đường lưỡi bò", tạo dựng cơ sở để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền với 80% biển Đông. Nước cờ này mang lại cho Trung Quốc ba cái lợi.

Thứ nhất, quyền tự do kiểm tra tàu thuyền của nước khác vốn chỉ có thể thực hiện trong vùng nội thủy và lãnh hải của quốc gia đó, còn thậm chí trong vùng đặc quyền kinh tế thì quốc gia ven biển cũng không có quyền tự do khám xét. Do đó, việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố này sẽ giúp hỗ trợ cho cơ sở "nối chủ quyền" và yêu sách áp dụng quy chế lãnh hải cho EEZ, từ đó có toàn quyền kiểm soát hoạt động trên biển Đông.

Thứ hai, việc khám xét sẽ cho phép Trung Quốc dùng vũ lực để ngăn cản hoặc làm khó dễ giao thương hàng hải của các quốc gia tranh chấp khác, thậm chí có thể cấm các quốc gia khác đi qua biển Đông. Với sự chênh lệch sức mạnh quá lớn giữa Trung Quốc và các nước tranh chấp trong khu vực, việc có thể sử dụng sức mạnh quân sự sẽ cho phép Trung Quốc dễ dàng chèn ép các quốc gia yếu hơn.

Thứ ba, nếu Trung Quốc có thể thực hiện việc kiểm soát mà không gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ thì tàu thuyền của tất cả các nước khác không chỉ phải xin phép Trung Quốc để được đi qua biển Đông, mà hơn thế nữa, biển Đông cũng sẽ bị xem như "ao nhà" của Trung Quốc, và chủ quyền của Trung Quốc sẽ được khẳng định tại biển Đông.

Ứng phó thế nào?

Vậy làm thế nào để Việt Nam và các bên có liên quan tới tranh chấp đối phó với sự khiêu khích đơn phương này của Trung Quốc? Quá thực là rất khó trong điều kiện tương quan lực lượng như hiện nay.

Trước mắt chúng ta phải tự bảo vệ cho ngư dân của mính và coi đây là một trong những ưu tiên trong ngắn và trung hạn. Hiện tại, lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư đã được thành lập, và hai lực lượng này sẽ phải đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tàu thuyền của Việt Nam trong lãnh hải của chúng ta.

Về dài hạn, cần thành lập một lực lượng có thể được coi là Cảnh sát biển chung của cả khu vực biển Đông, mang tính chất trung lập, đặt dưới sự kiểm soát của một ủy ban chung gồm tất cả các nước có liên quan đến Biển Đông. Lực lượng này muốn hoạt động hiệu quả cần được thế chế hóa một cách minh bạch, rõ ràng và công bằng, với nhiệm vụ tối cao là duy trì hòa bình và tự do hàng hải tại biển Đông, ngăn chặn những xung đột tiềm tàng có thể xảy ra trong tương lai.

Theo Vũ Thành Công - Nguyễn Thế Phương
Tuần Việt Nam