Thất bại ngầm khiến CIA ngừng hỗ trợ phe nổi dậy Syria
Thất bại của CIA tại Syria đồng nghĩa CIA đã thất bại trước tình báo Nga trong một cuộc chiến thầm lặng khác tại Syria...
CIA đã thất bại trước tình báo Nga trong sứ mệnh tại Syria
Reuters ngày 20/7 dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Trump vừa yêu cầu Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ngừng chương trình cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các nhóm nổi dậy Syria.
“Quyết định của Mỹ là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện quan hệ với Nga, cùng các nhóm ủng hộ Iran, đã thành công trong việc bảo vệ chính quyền Assad qua 6 năm nội chiến”, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ.
Quyết định được Cố vấn An ninh Auốc gia McMaster và Giám đốc CIA Pompeo đưa ra sau khi tham khảo ý kiến các quan chức cấp dưới. Sự việc diễn ra trước khi Tổng thống Trump gặp Tổng thống Putin bên lề Hội nghị G-20 ở Đức.
Dù cả Nhà Trắng và CIA đều từ chối bình luận, song giới phân tích cho rằng diều đó không thể phủ nhận CIA đã thất bại hoàn toàn trong sứ mệnh tại Syria.
Mà thất bại của CIA tại Syria đồng nghĩa CIA đã thất bại trước tình báo Nga trong một cuộc chiến thầm lặng khác tại Syria, bởi Moscow và Washington đóng vai trò chủ chốt trong ván cờ chiến lược này.
Thất bại của CIA có thể được nhìn nhận trên hai khía cạnh :
Thứ nhất, đánh giá tình hình của CIA thiếu chuẩn xác. Theo nguồn tin cung cấp cho Reuters, chương trình của CIA bắt đầu vào năm 2013, là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Obama nhằm lật đổ Tổng thống Assad, nhưng đến nay không mang lại bất cứ thành công nào.
Trong cuộc chiến tình báo, không thể so sánh tương quan lực lượng để nhận diện ưu thế thuộc về bên nào trong cuộc chiến, song nếu xét kết quả đạt được và hiệu ứng tác động với đối phương thì có thể nhận diện được ưu thế của các bên.
Theo giới phân tích, dưới thời Tổng thống Putin, dường như tình báo Nga đang tỏ ra chiếm ưu thế so với tình báo Mỹ và phương Tây, mà việc đảm bảo an toàn cho Tổng thống Assad cho là một trong những minh chứng chuẩn xác nhất cho nhận định ấy.
Quan chức Mỹ cho rằng việc chính quyền Trump ra lệnh cho CIA ngừng sứ mệnh không phải là Washington nhượng bộ Moscow mà đó là tín hiệu cho Putin thấy chính quyền Trump muốn cải thiện mối quan hệ với Nga.
Tuy nhiên, nhận định đó không thể phủ nhận được rằng CIA đã thất bại trong sứ mệnh của mình, mà nguyên nhân là do CIA đánh giá sai tình hình nên ra đòn không chuẩn hoặc bị đối vô hiệu hoá và kết thúc là Assad vẫn bình yên vô sự.
Thứ hai, kế hoạch hành động của CIA gây hiệu ứng ngược. Theo nguồn tin cung cấp cho Reuters, một trong những điểm yếu nhất trong chương trình hành động của CIA là gây hiệu ứng ngược.
Đó là có nhiều đối tượng trong lực lượng nổi dậy tại Syria sau khi được CIA huấn luyện và trang bị vũ khi đã đào thoát sang phía các lực lượng khủng bố, bao gồm cả IS và nhóm Hồi giáo cực đoan khác, rồi quay lại tấn công Mỹ.
Al-Qaeda tấn công Mỹ là hậu quã CIA nuôi ong tay áo
CIA phải lãnh hậu quả trong việc "nuôi ong tay áo" đã diễn ra rất nhiều, mà trong quá trình ra đời và phát huy thanh thế, cả Taliban và Al-Qaeda đều được cho là có dấu ấn của CIA.
Từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại New York, CIA được cho là đã rất thận trọng trong việc "làm phúc" để tránh "phải tội", song khi trong hàng ngũ IS chống lại Mỹ có những kẻ được CIA đào tạo, cho thấy CIA vẫn chưa thuộc bài.
CIA và các đồng nghiệp phương Tây được cho là có lợi thế so với tình báo Nga với tính chuyên nghiệp cao, song theo giới phân tích thì đó cũng chính là hạn chế, khiến cho hoạt động tình báo Mỹ và tình báo phương Tây giảm tính hiệu quả.
Sự chuyên nghiệp sẽ làm mất đi sự cộng hưởng của cảm xúc đời thường với giác quan đặc biệt của điệp viên. Điều đó khiến họ "chọn sai mặt để gửi vàng", mà người đứng đầu Cơ quan Tình báo Hoàng gia Anh (MI5) Andrew Parker đã cảnh báo.
Thất bại của CIA tại Syria dường như đã được ông Trump nhận ra từ lâu, bởi trước khi nhậm chức, vị tổng thống đắc cử đã cho biết có thể chấm dứt hỗ trợ cho Quân đội Tự do Syria, để ưu tiên cho cuộc chiến chống IS. Nay thì ông đã ra tay với CIA.
CIA không thể làm thay đổi bản chất việc quân đội Nga xuất hiện tại Syria
Khi Tổng thống Vladimir Putin quyết định thực hiện những cuộc không kích mở màn cho cuộc tấn công IS tại Syria vào tối 30/9/2015, truyền thông cũng như các nhà lãnh đạo phương Tây không ngừng chỉ trích chiến lược của Kremlin.
Ngày 2/10/2015, Tổng thống Obama khi đó đã nhận định rằng: "Nỗ lực hỗ trợ Tổng thống Assad của Nga và Iran, đồng thời làm yên lòng dân Syria chỉ khiến họ bị mắc kẹt trong vũng lầy và sẽ chẳng tạo ra bước tiến nào cả", theo Reuters.
Theo quan điểm của vị tổng thống thứ 44 Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, người Nga đã bước vào cuộc chiến Syria một cách mù quáng và người Mỹ thì không mù quáng nên không bước vào cuộc chiến đó như người Nga.
CIA đã không chứng minh được Putin thất bại như ngài Obama kỳ vọng.
Thời điểm đó có nhiều quan chức Mỹ cho rằng ngài Obama đã nhận định sai vể bản chất hành động của quân đội Nga tại Syria. “Người Nga đã không bước vào cuộc chiến này một cách mù quáng”, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ.
Song ông chủ Nhà Trắng khi đó rất tự tin vào sứ mệnh của CIA có thể gạt bỏ ông Assad khỏi tay ông Putin nhưng sau khi chính ngài Obama đã bị việt vị trước Putin trong nước cờ "vũ khi hoá học Syria".
Nay thì sứ mệnh ông Obama trao cho CIA đã bị người kế nhiệm ra lệnh kết thúc, còn nhà lãnh đạo Syria đã được tiễn ông rời nhiệm sở trên cương vị tổng thống hợp pháp, hợp hiến của nước Cộng hoà Ả-rập Syria.
Theo Ngọc Việt
Báo Đất việt