Thất bại của 054A: Sự sỉ nhục công nghiệp đóng tàu Trung Quốc
Bắc Kinh tự tin mang sang Bangkok “niềm tự hào” của họ là tàu hộ vệ tên lửa lớp 054A mà họ vỗ ngực tự phong là một trong những tàu hộ vệ tiên tiến nhất hiện nay. Thế nhưng, nó đã thất bại thảm hại...
...đồng thời bóc mẽ cái vẻ ngoài hào nhoáng của các chiến hạm “hàng đầu thế giới” của Trung Quốc.
Chất lượng vũ khí trang bị không cao
Người Trung Quốc mang sang chào bán với Thái Lan tàu hộ vệ tên lửa thế hệ mới nhất thuộc lớp 054A. Loại tàu hộ vệ này có chiều dài 134m, rộng 16m, mớn nước 5m, lượng giãn nước 4300 tấn, tốc độ tối đa 29 hải lý/h, phạm vi hoạt động 3800 hải lý, với thủy thủ đoàn 190 người.
Hệ thống trang bị, vũ khí chính trên tàu bao gồm: 1 bệ pháo 100 mm, 4 hệ thống pháo bắn nhanh tầm gần Type AK-630, 2 hệ thống tên lửa chống hạm YJ-83 (C-802), hệ thống phóng tên lửa phòng không thẳng đứng với 32 ống phóng loại HHQ-16 (phiên bản hải quân của loại tên lửa phòng không tầm thấp, cận trung HQ-16), 1 máy bay trực thăng chống ngầm Z-9C, 1 hệ thống sonar MGK-335…
Nguyên nhân đầu tiên làm 054A thất bại là do hệ thống tên lửa chống hạm quá yếu kém. 054A trang bị hệ thống tên lửa chống hạm YJ-83, được chế tạo trên cơ sở công nghệ thập niên 70 thế kỷ trước của Nga. Loại tên lửa này có chiều dài 6,392m, đường kính 0,36m, trọng lượng 715 kg, tầm bắn tối đa chỉ đạt 120km, với vận tốc hành trình hạ âm, 30 km cuối bay với vận tốc 1,3 – 1,5Mach.
Mặc dù YJ-83 có trọng lượng không phải là nhẹ nhưng riêng tầng đẩy đã nặng tới 530kg, đầu nổ vẻn vẹn 165kg, sức công phá rất thấp, trong khi các loại tên lửa chống hạm hiện đại có đầu nổ thông thường ít nhất là 200kg, thậm chí có loại đầu nổ tới 450kg. Tốc độ bay chậm, tầm bắn ngắn, sức công phá kém là nguyên nhân chính khiến YJ-83 không được chào đón.
Nguyên nhân thứ 2 xuất phát từ hệ thống tên lửa phòng không HHQ-16 (Hải Hồng Kỳ-16), đây là phiên bản trên hạm của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung lục quân HQ-16 (Hồng Kỳ-16). Nó có chiều dài 2,9m, đường kính thân 0,232m, trọng lượng 165kg, đầu nổ 17kg, vận tốc 2,8Mach (Khoảng trên 3000km/h).
Tàu hộ vệ tên lửa 570 Hoàng Sơn thuộc lớp 054A đang phóng tên lửa
Tuy được mệnh danh là loại tên lửa tầm trung nhưng trên thực tế độ cao đánh chặn của HHQ-16 chỉ có hiệu quả từ 6km trở xuống, tầm bắn hiệu quả 30km, xét thực tế thì nó thuộc dạng tên lửa phòng không tầm gần, cận trung, tính năng chỉ tiệm cận loại tên lửa phòng không hạm cũ kỹ RIM-7 chứ không thể so được với loại RIM-116 do Mỹ chế tạo hiện đang lắp đặt trên các tàu hộ vệ Hàn Quốc.
Không tương thích với các hệ thống chỉ huy và điều khiển hiện đại
Nguyên nhân thứ 3 là các hệ thống vũ khí theo chuẩn Trung Quốc không tương thích với hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin và máy tính theo chuẩn Mỹ và NATO, do yêu cầu bảo mật riêng của mình nên Mỹ và NATO không cho phép các hệ thống vũ khí Trung Quốc được kết nối được với các hệ thống của mình.
Trước đó, cuối tháng 1 vừa qua, tại cuộc đấu thầu hệ thống tên lửa phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 4 tỷ USD, Trung Quốc đã chào giá bán hệ thống phòng không HQ-9 với giá chưa tới 3 tỷ USD, tức là rẻ gần một nửa, thế nhưng Bắc Kinh cũng không thể thắng thầu.
Nguyên nhân do rất nhiều chuyên gia quân sự phương Tây đã đưa ra lời khuyên với Thổ Nhĩ Kỳ là hệ thống phòng không HQ-9 và S-300 của Trung Quốc và Nga không tương thích với hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa theo chuẩn Mỹ và NATO, hơn nữa, do yêu cầu bảo mật riêng của mình nên những hệ thống này sẽ khó mà kết nối được với các hệ thống Patriot.
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 Trung Quốc bán giá quá “bèo” nhưng vẫn không thắng thầu
Chỉ cần 1 trong 2 hệ thống của Trung Quốc hoặc của Nga thắng thầu, NATO sẽ phải điều chỉnh lại một số tham số bảo mật kết nối mạng chia sẻ thông tin của Patriot và cũng phải cung cấp các tham số cho Nga hoặc Trung Quốc để cho phép S-300 và HQ-9 tham gia vào hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đến NATO không thể bảo mật các thông tin của mình, đe dọa trực tiếp đến khả năng che chắn của lá chắn phòng thủ tên lửa họ triển khai ở châu Âu.
Cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan sử dụng chủ yếu là vũ khí Mỹ, hệ thống chỉ huy, thông tin và điều khiển đều rập khuôn theo mô hình Mỹ, hàng năm 2 bên thường tổ chức các cuộc diễn tập chỉ huy và hiệp đồng trong mạng thông tin liên hợp nên Mỹ và các nước này đều hiểu là không thể để vũ khí của Trung Quốc “lạc loài” vào, tạo ra các lỗ hổng bảo mật. Vì vậy, các nước đã sử dụng nhiều vũ khí Mỹ chắc chắn sẽ không mua vũ khí Trung Quốc cho dù có rẻ đến mấy.
Sự sỉ nhục nền công nghiệp đóng tàu Trung Quốc
Trong đợt đấu thầu lần này, Thái Lan đưa ra một điều kiện bắt buộc là yêu cầu công ty trúng thầu phải chế tạo một Hệ thống quản lý chiến đấu (CMS) có khả năng liên kết với các hệ thống đã được trang bị trên các khinh hạm HTMS Naresuan và HTMS Taksin.
Mới nhìn qua, đây là một điều kiện lý tưởng để 054A của Trung Quốc thắng thầu vì 2 tàu hộ vệ này chính là các phiên bản 053H2 (Lớp Giang Hồ III) Trung Quốc xuất khẩu sang Thái Lan. Chiếc HTMS Naresuan được bàn giao tháng 12/1994 và chiếc HTMS Taksin hoàn thành giữa năm 1995.
Năm 1990, Thái Lan ký hợp đồng với Trung Quốc mua 04 tàu hộ vệ lớp 053H2 với giá cực rẻ là 2 tỷ baht, so với 8 tỷ baht mua của phương Tây (tương đương 69,7 triệu USD/278,7 triệu USD) nhưng ngay khi tiếp nhận 2 chiếc đầu tiên họ đã lên tiếng phàn nàn về chất lượng quá kém.
Hệ thống điện lực của 053H2 thiết kế phi khoa học đã dẫn đến rất nhiều sự cố, hệ thống động lực thiếu tin cậy, hệ thống kiểm soát rủi ro trên tàu cũng có nhiều hạn chế, thiết kế vỏ tàu không chắc chắn, rất dễ gặp sự cố thủng thân tàu hoặc rò rỉ nước.
Chính vì thế, Trung Quốc đã phải cải tạo lại và hải quân Thái Lan cũng mất nhiều công sửa chữa để 2 chiếc tàu này đảm bảo yêu cầu chất lượng, sau đó Trung Quốc tiếp tục bàn giao 2 chiếc tiếp theo là HTMS Naresuan và HTMS Taksin vào các năm 1994 và 1995.
Thế nhưng, mới qua 15 năm sử dụng, hải quân Thái Lan nhận thấy chất lượng tàu không còn bảo đảm, hệ thống vũ khí và chỉ huy, điều khiển trên tàu lạc hậu, không bắt kịp yêu cầu tác chiến hiệp đồng trong các cuộc diễn tập với quân đội Mỹ, nên họ đã quyết định nâng cấp lớn 2 tàu này vào năm 2010-2011, gói thầu cải tạo triệt để do công ty Saab tiến hành.
Về vũ khí, 2 khinh hạm này sử dụng pháo hạm 127mm Mk-45 Mod2, 2 súng máy MSI-DSL DS30MR, 8 quả tên lửa phòng không RIM-162 ESSM sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng (nguyên bản 053H2 là phóng nghiêng kiểu cổ điển), 8 quả tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon SSM, 2 hệ thống phóng ngư lôi 324mm Mk-32 Mod5, 1 trực thăng hạm Lynx 300.
Ngoài ra, tất cả các thiết bị điện tử, cảm biến, radar, hệ thống thông tin chỉ huy, kiểm soát, điều khiển hỏa lực… đều chuyển sang dùng loại của châu Âu và Mỹ (chủ yếu của hãng Thales - Pháp và Raytheon - Mỹ). Như vậy, sau khi “đại giải phẫu” nó chẳng còn gì xuất xứ từ Trung Quốc ngoại trừ cái vỏ.
Đố với các nước khác, nâng cấp vũ khí thường do chính công ty sản xuất ra nó tiến hành, nhưng trong gói thầu cải tạo, nâng cấp lớn năm 2010, người Thái Lan đã không thèm nhờ “chính chủ” nâng cấp các tàu của mình và xóa sổ toàn bộ các thiết bị của Trung Quốc đã chứng tỏ một điều, sự tín nhiệm của Bangkok dành cho Bắc Kinh đã hết, đây quả thực là nỗi hổ thẹn đối với nền công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc.
Hiện nay, trên danh mục tàu 053H2 xuất khẩu, ngoài các tàu xuất sang Myanmar vẫn còn tên 2 tàu này của Thái Lan nhưng trên thực tế nó chẳng còn gì thuộc công nghệ Trung Quốc. Vì vậy, sự thất bại của tàu hộ vệ lớp 054A trong gói thầu lần này cũng là điều dễ hiểu.
Sự thất bại của nó chứng tỏ một điều, ngoài Myanmar cũng đang dần thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh, các nước Đông nam Á còn lại cũng chẳng còn ai mặn mà với “hàng hiệu Trung Quốc”. Hiện ở châu Á cũng chỉ duy nhất có Pakistan quan tâm đến tàu hộ vệ lớp 054A, nhưng đang chê đắt vì hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không quá kém, đồng thời cũng đòi sử dụng trực thăng của Mỹ chứ không dùng Z-9.