1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hiệp định hạt nhân Mỹ - Ấn

Thắng lợi ngoại giao hiếm hoi của ông Bush

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Bush vừa thu được thắng lợi ngoại giao hiếm hoi trước lúc rời nhiệm sở, khi Thượng viện thông qua hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự với Ấn Độ, theo đó sẽ dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán hạt nhân kéo dài suốt ba thập kỷ qua với nước này.

Nội dung thoả thuận?

 

Thoả thuận trên cho phép Ấn Độ tiếp cận với công nghệ và nhiên liệu hạt nhân dân sự Mỹ mặc dù Ấn Độ chưa bao giờ ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), trong khi đã tiến hành các vụ thử hạt nhân năm 1974 và 1988, và không cam kết sẽ không tiến hành các hoạt động tương tự.

 

Thoả thuận cũng cho phép các doanh nghiệp Mỹ cũng như các nước khác bán nhiên liệu, công nghệ và các lò phản ứng hạt nhân cho Ấn Độ. Đổi lại là các biện pháp đảm bảo an toàn và LHQ có quyền thanh tra các nhà máy hạt nhân dân sự, chứ không phải quân sự, của Ấn Độ.

 

Hiệp định này cho thấy thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ. Hiệp định sẽ được trình Tổng thống Bush thông qua.

 

Tại sao gây tranh cãi?

 

Chính quyền Bush cho rằng hiệp định trên đặt nền tảng mới cho quan hệ mới với Ấn Độ, nhưng những ý kiến phản đối lại cảnh báo động thái này có thể thổi bùng lên cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Đông Á giữa Ấn Độ và Pakistan. Pakistan, đối thủ hạt nhân của Ấn Độ, đã tìm kiếm thỏa thuận tương tự với Washington nhưng bị từ chối vì hồ sơ không phổ biến hạt nhân nghèo nàn.

 

Những người chỉ trích còn cho rằng hiệp định làm suy yếu NPT và gây trở ngại cho nỗ lực của chính Washington rút ngắn chương trình hạt nhân của Iran.

 

Ấn Độ cho biết 14 trong số 22 cơ sở hạt nhân của nước này là phục vụ mục đích dân sự. Hiệp ước mới với Mỹ có thể giúp hoạt động sản xuất bom ở 8 cơ sở còn lại trở nên dễ dàng hơn, khi nhu cầu năng lượng hạt nhân dân sự sẽ được Mỹ đáp ứng.

 

Ai được lợi?

 

Thứ nhất, là các công ty Mỹ và châu Âu cung cấp công nghệ hạt nhân và giúp xây dựng các lò phản ứng hạt nhân. Theo cơ quan liên quan của Ấn Độ, thoả thuận trên có thể mang đến khoảng 27 tỷ USD đầu từ cho 18-20 cơ sở hạt nhân trong vòng 15 năm tới.

 

Thứ hai, theo Viện Imagindia (một tổ chức vận động hành lang của Ấn Độ), đến năm 2030, lợi ích kinh tế mang lại cho nền kinh tế Ấn Độ nhờ giao dịch hạt nhân có thể lên tới 500 tỷ USD.

 

Ấn Độ đã là cường quốc hạt nhân trên thực tế. New Delhi thậm chí cho biết nước này vẫn có thể thử vũ khí hạt nhân nếu cần.

 

70% nhu cầu năng lượng của Ấn Độ là phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu và chính phủ tuyên bố năng lượng hạt nhân sẽ giúp nuôi nền kinh tế đang phát triển nhanh của nước này.

 

Chắc chắn Washington cũng sẽ được hưởng lợi. Thoả thuận mới có nghĩa là quan hệ giữa Washington và New Delhi sẽ sâu đậm hơn, khi Ấn Độ vừa mới bắt đầu thiên về phương Tây. Mà không chỉ có thế, Mỹ hiện muốn có cơ hội tốt hơn trong việc giành được hợp đồng máy bay chiến đấu trị giá 10 tỷ USD từ Ấn Độ. Đây là hợp đồng vũ khí lớn nhất thế giới.

 

Nhật Mai

Theo Reuters, AFP