1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thần Châu-10 "cập bến" phòng thí nghiệm không gian

(Dân trí) - Tàu vũ trụ Thần Châu-10 của Trung Quốc chở 3 phi hành gia hôm nay đã nối ghép thành công với phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung-1.

3 phi hành gia đã chuyển từ tàu Thần Châu sang Thiên Cung-1.

3 phi hành gia đã chuyển từ tàu Thần Châu sang Thiên Cung-1.

Việc nối ghép trên diễn ra 2 ngày sau khi tàu Thần Châu-10 mang theo 3 phi hành gia, trong đó có một phụ nữ, rời trái đất trên một tên lửa đẩy Trường Chinh 2F.

Nhóm phi hành gia dự định sẽ ở trên phòng thí nghiệm không gian gần 2 tuần trong sứ mệnh vũ trụ có người lái dài nhất của Trung Quốc cho tới nay.

Hãng tin Xinhua cho biết, việc nối ghép tự động diễn ra lúc 13h11 giờ Bắc Kinh. Sau các cuộc kiểm tra áp lực, các phi hành gia - Nie Haisheng, Zhang Xiaoguang và Wang Yaping - đã mở cửa và chuyển từ tàu Thần Châu-10 sang phòng thí nghiệm lúc 16h17 giờ Bắc Kinh.

Đây là sứ mệnh vũ trụ có người lái thứ 5 của Trung Quốc và dự kiến kéo dài tổng cộng 15 ngày.

3 phi hành gia sẽ ở trên phòng thí nghiệm không gian 12 ngày. Một trong những sự kiện nổi bật khi họ ở trên Thiên Cung-1 là Wang Yaping - nữ phi hành gia thứ 2 của Trung Quốc - sẽ thực hiện một bài giảng cho các sinh viên Trung Quốc trên mặt đất.

Sau khi hoàn tất các thí nghiệm y tế và khoa học trên Thiên Cung-1, các phi hành gia sẽ trở lại tàu Thần Chân và dự kiến trở về trái đất vào ngày 26/6.

Thiên Cung-1 đã có mặt trên quỹ đạo hơn 600 ngày và đã đón tiếp các tàu Thần Châu-8, Thần Châu-9 và giờ đây là Thần Châu-10. Nhưng phòng thí nghiệm này chưa có sẵn các nguồn lực để cho phép các phi hành gia lưu lại lâu hơn.

Sau khi sứ mệnh Thần Châu-10 hoàn thành, Thiên Cung-1 sẽ được đưa trở lại bầu khí quyển để tiêu hủy trên Thái Bình Dương, mặc dù giới chức không cho biết chính xác khi nào việc này diễn ra.

Một phòng thí nghiệm thay thế, Thiên Cung-2, dự sẽ được được đưa lên vũ trụ trong 2 năm tới. Đó sẽ là một mô-đun tham vọng hơn, mở đường cho một trạm vũ trụ lớn mà Trung Quốc hi vọng có thể xây dựng vào khoảng năm 2020.

An Bình
Theo BBC