1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thảm kịch rơi máy bay gây chấn động hàng không Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Vụ rơi máy bay chở 132 người hôm 21/3 đã gây ra những lo ngại về mức độ an toàn hàng không tại Trung Quốc sau nhiều năm không gặp sự cố gây thiệt hại lớn.

Thảm kịch rơi máy bay gây chấn động hàng không Trung Quốc - 1

Mảnh vỡ tại hiện trường vụ rơi máy bay ở Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Máy bay Boeing 737-800 mang số hiệu MU5735 của hãng hàng không China Eastern Airlines đã rơi tại Quảng Tây khi đang trong hành trình từ Côn Minh đến Quảng Châu hôm 21/3. Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, máy bay chở 132 người, trong đó có 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn.

Công tác cứu hộ đã được các nhà chức trách Trung Quốc triển khai xuyên đêm 21/3, nhưng một ngày sau khi vụ tai nạn xảy ra, đội cứu hộ vẫn chưa tìm được bất kỳ nạn nhân nào. Tại hiện trường, các mảnh vỡ máy bay và một số vật dụng cá nhân đã được tìm thấy.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả tình hình có vẻ "tồi tệ" và không loại trừ khả năng toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng.  

Vụ tai nạn không chỉ là cú sốc về khả năng gây thương vong mà còn vì Trung Quốc hiếm khi ghi nhận những sự cố nghiêm trọng như vậy trong 2 thập niên qua.

Hiện trường vụ rơi máy bay Trung Quốc

Trong 20 năm gần đây, hàng không dân dụng Trung Quốc nhìn chung được đánh giá là an toàn nhờ khoản đầu tư lớn nhất thế giới, áp dụng các quy trình nghiêm ngặt nhất và sở hữu máy bay mới nhất.

Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho biết tính đến ngày 19/2, các hãng hàng không chở khách ở Trung Quốc đã lập kỷ lục thế giới khi hoạt động trong 100 triệu giờ suốt 137 tháng mà không gặp vụ tai nạn lớn nào.

Trước hôm 21/3, vụ tai nạn máy bay có thương vong gần nhất xảy ra vào ngày 24/8/2010, khi một máy bay của hãng hàng không Henan Airlines từ Cáp Nhĩ Tân bị rơi khi đang đến gần sân bay ở tỉnh Cát Lâm. Máy bay ERJ-190 hạ cánh trong tình trạng tầm nhìn thấp, cách đường băng vài trăm mét, gãy đôi và khiến 44/96 người trên máy bay thiệt mạng.

Vụ tai nạn lớn cuối cùng trước sự cố trên xảy ra vào 2.102 ngày trước đó, khi một chuyến bay khác của China Eastern Airlines gặp sự cố chỉ vài giây sau khi cất cánh từ Baotou. Máy bay Bombardier CRJ-200 lao xuống một hồ nước gần sân bay và phát nổ, khiến toàn bộ 53 người trên khoang và 2 người dưới mặt đất thiệt mạng.

Trong suốt những năm 1980 và 1990, Trung Quốc thường xuyên ghi nhận các vụ tai nạn máy bay gây thương vong.

Riêng tại Quảng Tây, đã có 2 vụ tai nạn lớn. Vào năm 1982, một máy bay của China Southern Airlines rơi ở quận Gongcheng, khiến 112 người trên máy bay thiệt mạng. 10 năm sau, một máy bay khác của China Southern Airlines rơi ở quận Yangshuo, khiến 141 người thiệt mạng.

Đỉnh điểm là năm 2002, khi 2 máy bay của Trung Quốc rơi liên tiếp trong vòng một tháng, trong đó có một chuyến bay qua Hàn Quốc vào ngày 15/4 và chuyến bay còn lại qua Đại Liên vào ngày 7/5. Tổng số người chết trong 2 vụ tai nạn này là 234 người, một con số gây chấn động Trung Quốc, khiến nước này buộc phải đưa ra các quy tắc an toàn nghiêm ngặt hơn.

Theo VariFlight, khoảng 74% trong tổng số 11.800 chuyến bay được lên kế hoạch đến Trung Quốc vào ngày hôm nay 22/3 đã bị hủy, phần lớn trong số đó là các chuyến bay nối giữa Bắc Kinh và Thượng Hải - một trong những tuyến đường bay nội địa bận rộn nhất thế giới.

Trong số 35 chuyến bay được lên kế hoạch từ sân bay ở Thượng Hải đến Bắc Kinh vào ngày 22/3, chỉ có 2 chuyến bay hoạt động vào buổi sáng và 3 chuyến bay khác được cất cánh cùng ngày. Tất cả chuyến bay còn lại đã bị hủy bỏ. Trong khi đó, chỉ có 5 trong số 34 chuyến bay từ Bắc Kinh đến Thượng Hải được lên kế hoạch hoạt động.

Trước vụ rơi máy bay mới nhất, ngành hàng không Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch Covid-19, dẫn đến tỷ lệ hủy chuyến cao. Tuy nhiên, tỷ lệ hủy chuyến hôm 22/3 vẫn ở mức cao nhất trong năm nay và gấp đôi con số đầu tháng này.

Theo SCMP