1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thái Lan "nóng" trở lại sau đảo chính

Thái Lan sẽ áp dụng các biện pháp từ mềm dẻo đến cứng rắn đối với hoạt động của các phe phái hay các nhóm chính trị vi phạm pháp luật.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha ngày 4/11 đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ có thể áp dụng điều 44 của Hiến pháp Thái Lan hiện nay để trấn áp các đối tượng chống đối Chính phủ. Cảnh báo được đưa ra khi Thủ tướng Thái Lan thừa nhận có các hoạt động ngầm đi ngược lại những nỗ lực cải cách Thái Lan của chính quyền hiện nay.
 
Chủ tịch NCPO, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha
Chủ tịch NCPO, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha

Trong cuộc họp nội các chiều 4/11, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Trật tự quốc gia (NCPO) kiêm Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha chỉ thị các cơ quan hữu quan Thái Lan áp dụng các biện pháp từ mềm dẻo tới thiết quân luật đối với hoạt động của các phe phái hay các nhóm chính trị vi phạm pháp luật. Thủ tướng Prayuth còn cảnh báo áp dụng điều 44 trong hiến pháp Thái Lan nếu thấy cần thiết.

Ủy ban Bảo vệ Trật tự quốc gia gồm phần lớn các tướng lĩnh thực hiện cuộc đảo chính quân sự hôm 22/5 vừa qua và điều 44 hiến pháp Thái Lan trao toàn quyền cho Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Trật tự quốc gia (NCPO) thực hiện các hoạt động mang tính lập pháp, hành pháp hay tư pháp để trấn áp các hoạt động phá hoại việc cải cách hay an ninh quốc gia.

Cảnh báo của Thủ tướng Prayuth đưa ra trong bối cảnh Thái Lan trong hai tuần trở lại đây bắt đầu xuất hiện các hoạt động mang tính chính trị mà theo chính quyền Thái Lan là ảnh hưởng đến công cuộc cải cách và ổn định chính trị xã hội.

Một số mạng truyền thông bắt đầu đưa thông tin về cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra mặc dù đã có khuyến cáo của Chính phủ. Một số tổ chức xã hội được thành lập với danh nghĩa nhằm hỗ trợ tiến trình cải cách của Chính phủ mà chưa có sự cho phép của chính quyền.

Trong khi đó, đại diện các nhóm chính trị lớn từng có xung đột lớn với nhau trước cuộc đảo chính 22/5 đã khẩu chiến, đe dọa tập hợp lực lượng trở lại bất chấp thiết quân luật vẫn đang có hiệu lực. Các động thái này được cho là gây sức ép với việc Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan ngày 12/11 tới đây xem xét hồ sơ bãi nhiệm cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra cũng như cơ quan lập pháp cao nhất này xem xét có tiếp nhận hay không đối với hồ sơ bãi nhiệm cựu Chủ tịch Quốc hội Somsak và cựu Chủ tịch Thượng viện Nikhom, hai đồng minh thân cận của bà Yingluck.
 
Theo Xuân Sơn/VOV - Bangkok