1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thái Lan do dự việc cho Mỹ mượn căn cứ không quân

(Dân trí) - Nội các Thái Lan hôm qua đã trì hoãn quyết định về việc có Mỹ mượn một căn cứ không quân phục vụ các hoạt động nhân đạo, cứu trợ thiên tai và nghiên cứu khí hậu toàn cầu hay không, nói rằng họ cần thêm thời gian để nghiên cứu về đề nghị này.

 
Các binh sĩ Mỹ tới căn cứ U-Tapao để tham gia một cuộc tập trận.

Các binh sĩ Mỹ tới căn cứ U-Tapao để tham gia một cuộc tập trận.

‎"Về mặt cơ bản, đó là một đề xuất tốt xuất phát từ chính quyền cũ nhưng chúng tôi cần thành lập một nhóm công tác để nghiên cứu chi tiết tiết hơn và chúng tôi sẽ đưa vấn đề ra nội các để thảo luận sau đó", Thủ tướng Yingluck Shinawatra nói sau một cuộc họp ngày 19/6.

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) muốn sử dụng căn cứ không quân U-Tapao cho các máy bay nghiên cứu khí hậu vào tháng 8 và tháng 9 trong khuôn khổ một dự án phối hợp với Cơ quan phát triển thông tin địa lý và kỹ thuật không gian (GISTDA) thuộc Bộ Khoa học Thái Lan.

Tuy nhiên, dự án đã trở thành chủ đề tranh luận nóng bỏng kể từ khi đảng Dân chủ đối lập Thái Lan bắt đầu cáo buộc rằng chính phủ cho Mỹ sử dụng U-tapao để đối lấy visa vào Mỹ cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo đảng Dân chủ, đã yêu cầu chính phủ công khai tất cả các chi tiết của dự án và đưa đề xuất của Mỹ ra quốc hội bàn thảo theo Điều 190 của hiến pháp.

“Nếu chúng tôi thấy cần thiết phải đưa đề xuất ra quốc hội để phê chuẩn, chúng tôi sẽ làm”, bà Yingluck nói.

Điều 190 của hiến pháp Thái yêu cầu tất cả các thoả thuận với các nước khác cũng như các tổ chức quốc tế và phải được quốc hội xem xét, đặc biệt nếu chúng có liên quan tới sự thay đổi trong lãnh thổ hay chủ quyền lãnh thổ.

Đã xuất hiện những lo ngại rằng việc cho phép Mỹ sử dụng căn cứ U-Tapao có thể làm gia tăng căng thẳng quân sự trong khu vực và khiến Trung Quốc “nổi giận”.

Căn cứ không quân U-Tapao được xây dựng để thực hiện các chiến dịch quân sự của Mỹ vào những năm 1960 và 70.

Đề nghị của NASA diễn ra cùng lúc với việc Lầu Năm Góc cho biết muốn sử dụng U-Tapao cho hoạt động nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh lo sợ rằng U-Tapao có thể được sử dụng như một phần chiến lược của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện tại châu Á để “kiềm chế” Trung Quốc.

Đề xuất cũng được đưa ra vào thời điểm Bắc Kinh có các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với vài quốc gia trong khu vực.

An Bình
Tổng hợp