1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thái Lan bỏ thiết quân luật, củng cố quyền lực quân đội

Các nhà phân tích cho rằng Thủ tướng Prayuth - cựu Tư lệnh Lục quân Thái Lan - còn được trao nhiều quyền lực hơn sau khi lệnh giới nghiêm được bãi bỏ.

Ngày 1/4, Hội đồng Trật tự và Hòa bình Thái Lan tuyên bố dỡ bỏ lệnh giới nghiêm được áp dụng ở vương quốc này gần một năm nay, nhưng lại thay thế nó bằng những sắc lệnh mới duy trì quyền lực của quân đội nước này theo một điều khoản trong bản hiến pháp tạm thời do họ soạn thảo.

Một thông báo trên kênh truyền hình quân sự của Thái Lan vào ngày hôm qua cho biết: “Kể từ nay, lệnh giới nghiêm sẽ hết hiệu lực trên toàn vương quốc, và sẽ được thay thế bằng các quy định theo điều 44 trong hiến pháp tạm thời”.

Lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ trên toàn Thái Lan sau khi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết ông đã xin phép Quốc vương Bhumibol Adulyadej để thực hiện điều này.
 
Thủ tướng Prayuth từng là Tư lệnh Lục quân Thái Lan 

Thủ tướng Prayuth từng là Tư lệnh Lục quân Thái Lan 

Ông Prayuth từng là Tư lệnh Lục quân Thái Lan, người đã lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của bà Yingluck Shinawatra hồi tháng 5 năm ngoái và sau đó được chỉ định làm Thủ tướng lâm thời trong thời gian chờ tổ chức tổng tuyển cử.

Hội đồng Trật tự và Hòa bình Thái Lan lên nắm quyền sau khi các tướng lĩnh quân đội thực hiện vụ đảo chính. Sau cuộc đảo chính, lệnh giới nghiêm đã được thiết lập trên toàn bộ vương quốc dù vấp phải phản ứng quyết liệt của nhiều nhóm hoạt động nhân quyền và người dân.

Theo lệnh giới nghiêm này, quân đội được quyền truy tố bất kỳ ai bị cáo buộc xâm phạm an ninh quốc gia và phỉ báng hoàng gia trước tòa án binh, và những người này không có quyền kháng cáo.

Mặc dù lệnh giới nghiêm đã được dỡ bỏ, song theo các sắc lệnh mới, người dân Thái Lan vẫn bị cấm tổ chức các cuộc tụ tập chính trị đông người và bị hạn chế một số quyền tự do khác bị coi là đe dọa đến “hòa bình và trật tự” của Thái Lan.

Thủ tướng Prayuth tuyên bố rằng các tòa án quân sự vẫn sẽ tiếp tục xét xử những người xâm phạm an ninh quốc gia sau khi lệnh giới nghiêm được bãi bỏ, nhưng bị cáo có quyền kháng cáo lên cấp cao hơn.
 
Người dân Thái Lan vẫn không được tụ tập từ 5 người trở lên dù lệnh giới nghiêm đã được dỡ bỏ

Người dân Thái Lan vẫn không được tụ tập từ 5 người trở lên dù lệnh giới nghiêm đã được dỡ bỏ 

Ngoài ra, tuyên bố của Hội đồng Trật tự và Hòa bình Thái Lan còn nhấn mạnh rằng nhà chức trách nước này vẫn có quyền đình bản bất cứ tờ báo nào “gây sợ hãi hoặc bóp méo thông tin, tạo ra hiểu lầm” trong dân chúng.

Các nhà phân tích chính trị Thái Lan cho rằng Điều 44 trong bản hiến pháp tạm thời do Hội đồng Trật tự và Hòa bình Thái Lan soạn thảo thậm chí còn trao cho ông Prayuth nhiều quyền lực hơn là lệnh giới nghiêm.

Theo điều này, ông Prayuth có thể đơn phương ra các sắc lệnh đàn áp “bất cứ hành động nào gây nguy hại đến hòa bình, trật tự xã hội hay an ninh quốc gia, hoàng gia, nền kinh tế hay các sự vụ của chính quyền”.

Hôm qua, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do ý kiến và ngôn luận, David Kaye, đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về Điều 44 trong hiến pháp tạm thời Thái Lan sau khi tuyên bố trên được đưa ra.
 
Theo Trí Dũng/BangkokPost
Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm