1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Tên lửa đối hạm của Trung Quốc là mối đe doạ lớn nhất”

(Dân trí) - Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry vừa tỏ ý hoài nghi về khả năng thực sự của tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, trong khi nói rằng ông lo ngại hơn về những tên lửa chống hạm của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

“Tên lửa đối hạm của Trung Quốc là mối đe doạ lớn nhất” - 1

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry đang ở thăm Đài Loan.

“Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, tàu Shi Lang, sẽ không phải là mối đe doạ quân sự với Biển Đông trong tương lai gần vì Trung Quốc còn lâu mới có một hàng không mẫu hạm hoạt động thật sự”, ông Perry nói hôm qua, khi đang dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Đài Loan với tư cách đồng giám đốc Dự án Phòng thủ Ngăn ngừa.

Theo kế hoạch, hôm qua, Trung Quốc cho hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này. Phải mất nhiều năm nữa, chiếc hàng không mẫu hạm mua lại của Ukraine vào năm 1998 này mới có thể đi vào hoạt động.

Hơn nữa, theo ông Perry, bản thân chiếc hàng không mẫu hạm không quan trọng, mà quan trọng hơn cả là hoạt động của đội hàng không mẫu hạm. Hàng không mẫu hạm nếu đi một mình, không có tàu hộ tống thì rất dễ bị các tàu khác hoặc các phi cơ tấn công.

“Một vài trong số những chương trình hiện đại hoá hải quân của Trung Quốc rất quan trọng. Tôi theo dõi rất sát những động thái này. Mối quan tâm lớn hiện nay của tôi là các tên lửa đất đối hạm và không đối hạm của họ (tức là tên lửa tiêu diệt chiến hạm), chứ không phải tàu sân bay”.

Các tư lệnh hạm đội Mỹ từ lâu vẫn sợ các tên lửa đối hạm hơn là các hạm đội của Trung Quốc.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhắc lại là trong thời gian khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, Mỹ đã điều động đến khu vực này, không phải là hai hàng không mẫu hạm, mà là hai đội hàng không mẫu hạm (Nimitz và Independance), tức là bao gồm rất nhiều chiến hạm, tàu ngầm, máy bay. Hơn nữa, phải mất nhiều năm huấn luyện, đội hàng không mẫu hạm mới hoạt động nhuần nhuyễn như vậy.

Nhưng theo ông William Perry, điều đó không có nghĩa là những tiến bộ trong việc hiện đại hóa hải quân Trung Quốc, thể hiện qua việc tu sửa hoàn toàn một hàng không mẫu hạm, không phải là một mối đe dọa.

Máy bay chiến đấu phản lực được chọn để đi theo hàng không mẫu hạm này là J-15, một kiểu máy bay rất gần giống với máy bay chiến đấu Sukhoi Su-33 của Nga. Máy bay chiến đấu J-15 có trang bị tên lửa, có thể đe dọa các mục tiêu trên mặt biển trong phạm vi 500 km.

Trong đợt tập trận thường niên đầu tháng 6 vừa qua của Hải quân Trung Quốc ở vùng biển Tây Thái Bình Dương gần Okinawa, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết họ đã nhìn thấy một chiếc máy bay không người lái của Trung Quốc, được phóng lên từ một chiến hạm.

Máy bay không người lái này có bề ngoài tương tự như máy bay không người lái Pioneers của Mỹ, từng được sử dụng trong thời gian chiến tranh Vùng Vịnh 1991, để giúp chiến hạm Missouri oanh kích quân Iraq ở bờ biển. Theo các chuyên gia, nhiệm vụ quan trọng nhất của máy bay không người lái Trung Quốc là giám sát và định vị mục tiêu cho các tên lửa đối hạm tầm xa của Trung Quốc.

Như vậy, tuy bản thân chiếc hàng không mẫu hạm của Trung Quốc không đáng lo ngại, nhưng sự kiện này, cũng như sự phát triển các tên lửa đối hạm của Trung Quốc, khẳng định tham vọng của Bắc Kinh hiện diện nơi vùng biển xa. Với việc phô trương lực lượng thông qua hàng không mẫu hạm, Trung Quốc muốn “ thắng trận mà không cần đánh”.

Hà Khoa
Theo Taipei Times, AFP