Tây Tạng bể dâu
(Dân trí) - Nếu đi ngược thời gian chừng 40 triệu năm, Tây Tạng, nóc nhà thế giới hôm nay với chập chùng non cao quanh năm tuyết trắng bao phủ lại là nơi chốn của mênh mang biển rộng. Đó là chương đầu trong lịch sử phát triển Tây Tạng đầy bất ngờ và còn nhiều chiều dâu bể.
Dấu tích của biển?
Tôi cứ ân hận mãi vì việc né tránh sự bám đuổi của những người bán đồ lưu niệm mà không mua về những con ốc biển hoá thạch có tuổi đời cùng với miền đất Tây Tạng. Nhất là khi dừng chân bên Lungmar, một đỉnh đèo heo hút trên đường tới thành phố Gyantse tàn cũ. Những dãy núi sừng sững sao lại còn chỗ neo bám cho một bức tường đá xiêu vẹo ôm gói ba bốn sinh linh gương mặt lẫn màu cát đá, từng viên đá nhỏ nằm gọn trong những bàn tay đen đúa, nghèo khó. Những đứa trẻ không thể bận tâm đến chuyện học hành, những phụ nữ chẳng nhiều cơ hội kiếm tiền, họ đã phải lần mò dọc theo dòng sông thánh Yarlung Tsangpo chảy ngang qua núi thánh Ngân Sơn hay những đỉnh núi quanh năm tuyết phủ để nhặt về những “giọt” biển mà thiên nhiên lặng lẽ lưu dấu theo cách riêng của nó. Để rồi thông báo cho hôm nay và muôn năm sau biết rằng 40 triệu năm trước, sự dịch chuyển kỳ lạ của bán đảo Ấn Độ lên hướng Bắc đã tạo nên những cú va đập khủng khiếp, những biến động nâng vật vã của vỏ trái đất và biến đổi cả một vùng biển rộng thành hàng loạt núi cao như Hymalaya cùng Everest...
Những vòng xoắn của con ốc biển nhỏ bé thoạt trông rất giống những cánh tuốc bin động cơ máy bay phản lực, cũng giống như những nan hoa trong bánh xe Phật Pháp vẫn rực rỡ trên nóc các đền đài, tu viện tượng trưng cho dòng chảy miên viễn, vòng sinh tử luân hồi bất tận. Chỉ cần bỏ ra năm Tệ (mười nghìn đồng), chỉ cần vứt bỏ đi sự khủng khỉnh đểu giả hoặc thanh lý câu nói bóng bẩy: không mang gì về ngoài những tấm ảnh, không mua gì ngoài những cuốn sách... là tôi đã có thể mang đến cho một cậu bé, một cô gái, một bà già Tây Tạng chút niềm vui nho nhỏ và mang về cho bản thân một kỷ vật đắt dấu thời gian nhất.
Chỉ khi rời khỏi Tây Tạng và về đến Kathmandu dự một buổi tụng kinh của các Lạt Ma Nepal trong Chùa Khỉ, thấy tiểu tăng bụm miệng thổi tù và tạo nên những thang âm thanh trầm buồn, vang vọng, lay động mới thấy nhớ nao lòng tiếng tù và hoà cùng tiếng kèn trumpet siêu trầm trong lễ tụng kinh của các Lạt Ma trên tu viện Gandan, trong tu viện Drengpung. Lại thèm nghe vô cùng tiếng gió lạnh vuốt trên những tảng băng lớn trên lòng hồ nước mặn cao nhất thế giới, một trong bốn hồ thiêng của xứ sở này, hồ Namtso.
Chẳng phải vô cớ mà nhà Phật coi tù và thuộc về bát bảo, biểu tượng cát tường, một trong tám tuỳ vật quý báu. Những thanh âm của biển sâu vang vọng trên núi cao, đó cũng chính là âm hưởng của Phật Pháp. Dấu tích của biển còn thấp thoáng trong niềm tin của tín dân rằng Potala vĩ đại của họ chính là nơi dừng nghỉ trên nóc nhà thế giới của Quán Thế Âm Bồ Tát, người đàn bà kỳ lạ đến từ biển Đông Hải. Chữ Đạt Lai, theo tiếng Mông Cổ là Dalai, được vua Mông Cổ Altan Khan tặng cho sư trưởng Sonam Gyatso hồi thế kỷ 14 có nghĩa là biển cả, Lama theo tiếng Tây Tạng là vị sư, thầy, do đó Đalai Lama có nghĩa là biển tri thức.
Vậy mà trong hành trình tìm về Tây Tạng, diện kiến những Đạt Lai Lạt Ma và biển trí tuệ nơi họ không phải lúc nào mình cũng có được một cử chỉ nhân ái, một biểu hiện cảm thông chứ nói gì đến cảm xúc lớn hay chút cơ hội tiệm ngộ những giáo lý của Đức Phật.
Cuộc dâu bể thứ ba
| |
Nên cẩn trọng với Từ bi...quyền của các Lạt Ma. |
Cuộc dâu bể lần ba trong mấy thế kỷ qua, miền đất của chư thiên trở nên huyền bí hơn cùng lộ trình đầy biến động của những trào lưu tôn giáo, sự phát sinh của những giáo phái với chiều hướng suy vi bởi không ít hệ thống tăng đoàn bắt đầu cắm chân vào những quyền lực thế gian trần tục. Trong cuộc quyết đấu giữa niềm tin tâm linh huyền nhiệm và sức phát triển bão táp của nền văn minh vật chất mang tên China hôm nay, Lạt Ma giáo chỉ còn biết đứng trước những nguy biến không đường xoay xoả.
Ngay trong giai đoạn huy hoàng vào thế kỷ thứ 14, việc giấu giếm sự thật cái chết của Đạt Lai Lạt ma 5 cũng đã bắt đầu đánh dấu sự suy giảm lòng tin của tín đồ. Tiếp theo những cái chết rất bất thường của Đạt Lai Lạt Ma 6 khi mới 23 tuổi. Đạt Lai Lạt Ma thứ 9, 10, 11, 12 đều chết vì mưu sát, những vị còn lại hoặc không thực quyền hoặc lưu đày tù tội.
Hiện nay, mặc dù rất có uy tín trên thế giới, từng đoạt giải Nobel hoà bình năm 1989 nhưng Đạt Lai Lạt Ma 14 vẫn điều hành số phận Tây Tạng từ rất xa. Còn Ban Thiền Lạt Ma 11, người mà tôi mới tường mặt trên kênh truyền hình CCTV4 vẫn là một thiếu niên. Một thân phận được chính phủ Trung Quốc chăm sóc rất kỹ lưỡng giống như Ban Thiền 10, người từng xa bỏ Tây Tạng để ngồi trên ghế phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc. Những thân phận chẳng mấy ảnh hưởng tới sự hưng thịnh hay suy vong của Tây Tạng.
Số phận mong manh, điêu đứng của các Đạt Lai Lạt Ma, các Ban Thiền Lạt Ma vẽ nên bức tranh thật ảm đạm của Phật giáo Tây Tạng. Ngày nay bay trên vũ trụ con người không chỉ nhìn thấy Vạn Lý trường thành, Kim tự tháp mà còn thấy rất rõ tuyến đường sắt dài nhất, cao nhất thế giới mà người Trung Quốc đã thông nối với Tây Tạng. 40 triệu năm trước, Tây Tạng hình thành từ một cú hích từ phía Tây và bây giờ tuyến đường sắt kia sẽ là cú hích tiếp theo từ phía Đông. Số phận Tây Tạng ra sao? Bỗng nhiên tôi lại thấy rất rõ những vòng xoắn ốc hoá đá nhỏ nhoi cứ xoay mãi không dừng trên tay những người Tạng héo hon.
Xuân Bình