Taxi Bình Nhưỡng và dòng chảy ngầm mạnh mẽ của kinh tế tư nhân
(Dân trí) - Những chiếc taxi xuất hiện ngày một nhiều trên đường phố Bình Nhưỡng là những dấu hiệu rõ ràng về một tầng lớp trung lưu đang phất lên và ngày một đông đảo. Trong đó, những người cho vay lãi được tin là đang ngày một giàu lên và nhiều ảnh hưởng.
Tại những nơi khác trên thế giới, xe taxi chở khách lướt đi trên đường phố là điều quen thuộc, nhưng với Bình Nhưỡng, đây là hiện tượng khá mới mẻ. Thủ đô của Triều Tiên từ nhiều thập niên qua vẫn có những đội xe nhỏ, cũ kỹ chuyên chở khách, nhưng lượng taxi chỉ thực sự tăng mạnh năm 2013 với loạt ô tô nhập về từ Trung Quốc.
Đó cũng là năm Jang Won-gun, 29 tuổi, quyết định trở thành lái xe taxi. “Do chúng tôi sống ở một nước xã hội chủ nghĩa, với việc lái taxi, tôi đang cung cấp dịch vụ cho những người khác”, Jang nói.
Đến nay, Bình Nhưỡng đã có 4 công ty taxi hoạt động, trong đó có một hãng trực thuộc hãng hàng không quốc gia Air Koryo, mới được ra mắt năm nay cùng dịp nhà ga mới tại sân bay thủ đô khánh thành.
Số lượng taxi tăng lên đã khiến giao thông nhộn nhịp hơn hẳn những tháng gần đây, và một số người thường tới Bình Nhưỡng cho biết bắt đầu có hiện tượng ùn tắc trên đường, khiến họ bị muộn họp. Đây có thể là điều thường ngày ở những thành phố lớn trên thế giới, nhưng tại Bình Nhưỡng, việc này lâu nay hầu như không xảy ra.
“Những chiếc taxi này nếu bạn đi 5km sẽ tốn 5-6 USD. Đó là, trên lý thuyết, một số tiền lớn với bất kỳ ai tại Triều Tiên, vậy nhưng vẫn có hàng nghìn người sử dụng chúng hàng ngày”, Simon Cockerell, tổng giám đốc công ty du lịch Koryo Tours, một người thường tới Triều Tiên chia sẻ. “Có những người vẫn có những số tiền đó và không phải giới thượng lưu. Giới thượng lưu thực sự không đi taxi”.
Tầng lớp trung lưu giàu có
Tại Bình Nhưỡng, cư dân nước ngoài sinh sống tại đây được phép sử dụng taxi, trong khi hầu hết những du khách khác phải xin phép. Do đó, đa phần khách đi taxi là người Triều Tiên.
“Tất nhiên chúng tôi có thể đi xe buýt. Nhưng với việc đi taxi, tôi có thể đến nơi sớm hơn, nhanh hơn”, Li Kwang-son, một cư dân địa phương chia sẻ.
Ngoài taxi, Cockerell cũng chỉ ra rằng có ngày một người người sử dụng điện thoại di động, một dấu hiệu nữa của tầng lớp trung lưu mới tại nước này. Trong giai đoạn từ tháng 2/2012 đến nay, số thuê bao điện thoại di động đã tăng gấp 3 lần, đạt hơn 3 triệu thuê bao.
“Điện thoại thông minh của họ không kết nối internet mà kết nối với mạng nội bộ, để mọi người vẫn có thể gọi điện thoại thấy hình, chơi game…nhưng vẫn nói lên nhiều điều”, ông Cockerell cho biết thêm. “Và điều quan trọng nhất đó là trong vài năm gần đây có sự nổi lên của một dạng tầng lớp trung lưu, hoặc những mầm mống của nó. Những người này có tiền để chi tiêu cho những thứ họ không cần”.
Mặc dù nền kinh tế quốc doanh tại Triều Tiên vẫn trì trệ, ngày càng có dấu hiệu về một thị trường tự do đang trỗi dậy.
“Giờ bạn có thể thấy nông dân được bán những sản phẩm của họ tại chợ khi trời tối, không phải ban ngày, nhưng họ vẫn kiếm được tiền. Và họ có quyền làm chủ lượng nông sản dôi dư”, giáo sư Cheng Xiaohe, chuyên gia về Triều Tiên tại đại học Renmin, Trung Quốc cho biết.
“Tại các xí nghiệp cũng vậy, các viên chức nhà nước được khuyến khích tạo ra tiền và làm việc chăm chỉ để có nhiều tiền hơn”.
Các "Donju" giàu có
Benjamin Habib, giảng viên xã hội học, đại học La Trobe, Úc trong bài viết trên trang The Conversation hôm 19/10 còn cho biết về sự xuất hiện những người cho vay lãi trong tầng lớp trung lưu Triều Tiền.
Theo ông Habib, sự xuất hiện của tầng lớp những người giàu mới nổi này “đang thay đổi động lực của kinh tế Triều Tiên, và tái định hình mối quan hệ giữa chính quyền và người dân”.
“Donju” hay chủ tiền, là từ được người Triều Tiên dùng để gọi những người cho vay lãi. Donju xuất hiện từ giữa những năm 1990, khi nạn đói đang diễn ra còn kinh tế Triều Tiên sụp đổ. Và những mầm mống của hoạt động kinh doanh nảy nở như một cơ chế để giúp mọi người tiếp cận được với thực phẩm, cùng những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong lúc chính phủ không thể cung cấp.
Hệ thống phân phối hàng hóa của chính phủ đổ vỡ do không có nguồn lực để thực thi những cam kết đã đưa ra.
Donju phát triển từ các hoạt động kinh doanh sơ khai ở giai đoạn này, mà khởi đầu là những người mua đi bán lại hàng tiêu dùng trên thị trường tự do. Khi tiết kiệm được chút vốn, họ đầu tư vào những hoạt động kinh doanh lớn hơn, như mở tiệm đánh bi-a hoặc karaoke. Những hạn chế của chính quyền với hoạt động này được nới lỏng suốt tới những năm 2000.
Và thường những cá nhân như vậy được tiếp cận với ngoại tệ thông qua họ hàng hoặc những hoạt động khác. Nhờ đó, cùng với hoạt động kinh doanh, các Donju tích lũy được tài sản ngày một nhiều.
Trong quá khứ, cứ mỗi khi những mầm mống của tầng lớp trung lưu này phát triển tới một mức độ nào đó, chính phủ lại xem đó như một nguy cơ chính trị, và cố gắng tước đi sức mạnh kinh tế của nhóm này. Đợt phá giá đáng chú ý nhất năm 2009 là một trong những nỗ lực như vậy, nhằm hạ giá trị lượng tiền tích trữ của họ, đồng thời dập tắt ảnh hưởng chính trị.
Dù vậy, “tầng lớp Donju giờ đã đạt tới quy mô mà những sự can thiệp như vậy không còn hữu dụng”, ông Habib nói.
Theo các chuyên gia, các Donju không được luật pháp Triều Tiên bảo vệ, nhưng chính quyền Bình Nhưỡng trong tình cảnh thiếu tiền mặt đang ngó lơ.
“Chính quyền Kim Jong-un đang sử dụng tầng lớp người mới này để thu hút tiền của dân chúng theo bất kỳ cách nào có thể, để tuyên truyền về những thành quả kinh tế, và đạt được các mục tiêu kế hoạch. Theo cách này, chính quyền và Donju đang tạo thành một dạng quan hệ đối tác”, Lim Eul-chul, giáo sư đại học Kyungnam, Hàn Quốc khẳng định trong một hội thảo tại Seoul hồi giữa năm.
Ông Lim cho rằng Donju giữ vai trò then chốt trong các dự án xây dựng lớn của Triều Tiên, bao gồm xây các khu chung cư phức hợp tại phố Changjon của Bình Nhưỡng, cũng như công viên nước Munsu gần thủ đô.
Thanh Tùng
Theo CNA, VOA, Conversation