Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 sẽ đưa Ấn Độ thành "ông lớn" trong không gian?
(Dân trí) - Ấn Độ chuẩn bị phóng tàu vũ trụ mang theo tàu đổ bộ. Nếu hạ cánh thành công, họ sẽ trở thành quốc gia thứ tư đổ bộ lên Mặt trăng và là quốc gia đầu tiên hạ cánh xuống cực nam Mặt trăng.
Ấn Độ đã sẵn sàng khởi động sứ mệnh
Vào ngày 14/7, Ấn Độ sẽ phóng tàu vũ trụ mang theo tàu đổ bộ lên Mặt Trăng trên tên lửa Launch Vehicle Mark 3 (LVM3) từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ngoài khơi bờ biển phía đông của đất nước.
Nếu thành công, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ tư từng đổ bộ có kiểm soát lên Mặt trăng - sau Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc - và là quốc gia đầu tiên hạ cánh xuống cực nam Mặt trăng.
Ngày 11/7, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã kết thúc buổi diễn tập phóng Chandrayaan-3, mô phỏng toàn bộ quá trình chuẩn bị trong hơn 24 giờ.
Nhiệm vụ này được coi là một minh chứng cho tham vọng địa chính trị ngày càng tăng của Ấn Độ trong cả an ninh quốc gia và liên minh với những "ông lớn" khác trên toàn cầu. Chính phủ nước này gần đây đã có động thái tư nhân hóa các sứ mệnh không gian của Ấn Độ.
ISRO, được thành lập vào năm 1969, đã ước tính chi phí của sứ mệnh vào khoảng 77 triệu USD (6 tỷ rupee). Đây là nỗ lực thứ hai của Ấn Độ để hạ cánh an toàn một con tàu trên Mặt trăng, sau lần thất bại vào năm 2019.
Tháng trước, trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Mỹ, New Delhi cũng đã ký Hiệp định Artemis do NASA đứng đầu trong việc khám phá Mặt trăng bằng con người và robot.
Nhà Trắng cho biết trong một thông cáo báo chí rằng dữ liệu do Chandrayaan-3 thu thập có thể hữu ích cho các cuộc đổ bộ của con người do Artemis hậu thuẫn lên bề mặt Mặt trăng.
Mục tiêu chính của nhiệm vụ
Mục tiêu chính của Ấn Độ là hạ cánh an toàn trên bề mặt Mặt trăng, hiển thị các hoạt động của xe tự hành và thực hiện các thí nghiệm khoa học. Theo các quan chức của ISRO, tàu đổ bộ Vikram có thể sẽ đến bề mặt Mặt trăng vào cuối tháng 8.
Nhiệm vụ lần này tập trung vào đổ bộ Mặt trăng. Ấn Độ sẽ dùng một tên lửa ba tầng để đưa tàu vũ trụ Chandrayaan-3 vào quỹ đạo hình elip quanh Mặt trăng.
Sau đó, một module đẩy nặng 2 tấn sẽ đưa tàu đổ bộ, tên là Vikram, vào một quỹ đạo cách Mặt trăng khoảng 100km rồi tách khỏi và hạ cánh nhẹ nhàng trên bề mặt Mặt trăng.
Tàu đổ bộ Vikram chứa một robot tự hành 6 bánh, nặng 26 kg, tên là Pragyan. Robot sẽ di chuyển quanh Mặt trăng trong thời gian một ngày, tương đương khoảng 14 ngày trên Trái đất. Module đẩy sẽ thực hiện thí nghiệm khoa học của riêng nó về Trái đất.
Tạp chí Nature đưa tin rằng thí nghiệm tìm cách thu thập dữ liệu về sự phân cực của ánh sáng do Trái đất phản xạ, để cho phép các nhà nghiên cứu tìm kiếm các hành tinh khác có dấu hiệu tương tự.
Theo ISRO, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 có nhiều đặc điểm độc đáo, tàu đổ bộ Vikram sẽ mang theo các thiết bị để đo mật độ ion và electron, đo nhiệt độ, quét động đất và phân tích động lực học của hệ thống Mặt trăng.
Robot Pragyan là một khung gầm hình chữ nhật được gắn trên một cụm truyền động sáu bánh, được giao nhiệm vụ gửi thông tin liên lạc đến Trái đất thông qua Vikram. Nó cũng có một số đặc điểm độc đáo, chẳng hạn như Máy quang phổ tia X hạt Alpha (APXS) để nghiên cứu đất và đá Mặt trăng. Một thiết bị có tên LIBS kiểm tra thành phần hóa học và nguyên tố của vật chất bề mặt.
Module đẩy, nặng hơn hai tấn, là một cấu trúc dạng hộp với một tấm pin mặt trời lớn được gắn ở một bên và một hình trụ lớn ở trên cùng, cũng sẽ mang thiết bị để đo phân cực quang phổ của Trái đất từ quỹ đạo Mặt trăng.
Sau khi tàu đổ bộ hạ cánh, các nhà khoa học tại ISRO có kế hoạch triển khai xe tự hành đặt bên trong tàu để nghiên cứu các đặc tính của Mặt trăng.
Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên con người hạ cánh được xuống vùng cực nam Mặt trăng. Các nhiệm vụ Mặt trăng trước đây hạ cánh ở vĩ độ thấp hơn.
ISRO nói rằng cực nam của Mặt trăng là đối tượng đặc biệt đáng quan tâm. Phần lớn diện tích khu vực này luôn ở trong bóng tối, làm tăng khả năng thu được mẫu băng Mặt trăng đầu tiên. Hơn nữa, các miệng núi lửa lớn gần cực nam có thể chứa manh mối về thành phần của Hệ Mặt trời sơ khai.
Nhiệm vụ Mặt trăng trong quá khứ và bài học kinh nghiệm
Chandrayaan-1, sứ mệnh lên Mặt trăng đầu tiên của Ấn Độ, được phóng vào tháng 10/2008 và đi vào quỹ đạo mặt trăng vào ngày 8/11/2008. Sứ mệnh đầu tiên được biết đến nhiều nhất với việc tìm kiếm bằng chứng về nước đóng băng trên Mặt trăng.
Chandrayaan-2 là sứ mệnh thứ hai được phóng vào ngày 22/7/2019 và đi vào quỹ đạo Mặt trăng vào ngày 19/8. Sau đó, vào ngày 6/9 cùng năm, Chandrayaan-2 đã phóng tàu đổ bộ Mặt trăng Vikram, nhưng tàu đã mất liên lạc với nó.
Nhiệm vụ hiện tại tập trung vào việc học hỏi từ những thất bại của Chandrayaan-2, xảy ra do trục trặc ở cả phần mềm và phần cứng.
ISRO cho biết đã thực hiện các thay đổi đối với phần mềm và phần cứng của nhiệm vụ Chandrayaan-3, đặc biệt là đối với các động cơ đẩy của tàu đổ bộ, sau sự cố với Chandrayaan-2.
ISRO đã phát triển các trình tự hạ cánh mềm cải tiến và tàu đổ bộ có bốn động cơ đẩy thay vì năm, chân chắc chắn hơn và các tấm pin mặt trời lớn hơn, đồng thời sẽ mang nhiều nhiên liệu hơn.