1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tàu ngầm Nga cứu nhân loại khỏi thế chiến 3

Có 139 anh hùng Nga chưa từng được vinh danh sau khi dũng cảm hy sinh tính mạng để cứu thế giới khỏi nguy cơ chiến tranh thế giới thứ 3. Đó là các thủy thủ tàu ngầm hạt nhân K-19 của Liên Xô trước đây.

Cuối thập niên 50, chiến tranh lạnh đang nóng dần và Liên Xô muốn sở hữu cái mà Mỹ đang nắm trong tay: tàu ngầm chở tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, có thể tấn công các thành phố địch nhưng vẫn nằm ngoài tầm ngắm của hệ thống phòng thủ chống tàu ngầm trên đất liền.

 

Lúc đó, Mỹ đã chế tạo thành công tàu ngầm USS George Washington (SSBN-598). Trong nỗ lực chạy đua với Mỹ, Liên Xô đã nhanh chóng trình làng loại tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân đầu tiên của mình, K-19. Khi được hoàn thành vào ngày 12/11/1960, K-19 mang 3 tên lửa đạn đạo (tầm bay 650 km) và được xem là niềm kiêu hãnh của Hạm đội Bắc Liên Xô.

 

Tai nạn chết người

 

Vào 19/6/1961, K-19 bắt đầu nhiệm vụ đầu tiên của mình. Trong cuộc tập trận kéo dài 1 tháng, K-19 được lệnh tiến vào vùng biển Đại Tây Dương mà không bị lực lượng Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) phát hiện và chờ đợi tín hiệu từ Moscow.

 

Sau đó K-19 sẽ lặn phía dưới lớp băng vào vùng biển Barents và "tấn công" Liên Xô (giả định). Hai tuần đầu tiên trên biển trôi qua tốt đẹp và thủy thủ đoàn ăn mừng sinh nhật lần thứ 35 của thuyền trưởng Zateev. Lúc đó K-19 đang tiến chầm chậm vào phía đông nam Greenland, chờ đợi lệnh của Moscow.

 

Vào 4 giờ 15 phút ngày 4/7/1961, thuyền trưởng Zateev gần như nín thở khi nhận được báo cáo: áp suất nước trong hệ thống làm lạnh của lò phản ứng hạt nhân bên mạn phải tụt xuống mức 0.

 

Các máy bơm chất lỏng làm nguội ngừng hoạt động. Không có chất lỏng làm nguội, nhiệt độ trong lò phản ứng tăng lên một cách vô vọng và không có gì kiểm soát nổi, đến 800 độ C, gần đến mức có thể làm tan chảy các que năng lượng.

 

Đến 6 giờ, tức gần 2 tiếng kể từ khi tai nạn xảy ra, thuyền trưởng ra lệnh phát tín hiệu cầu cứu, nhưng ăng-ten tàu lúc đó đã bị hư.

 

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh chính trị phức tạp lúc bấy giờ. Năm 1961 là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Ca-ri-bê. Thế giới đang đứng bên bờ vực chiến tranh và các tàu ngầm hạt nhân của cả Liên Xô và Mỹ được điều động đến các lòng biển sâu.

 

Tàu K-19 lúc đó đang rất gần biển Na Uy, không xa đảo Jan Mayen là nơi đặt căn cứ của NATO. Việc tàu K-19 phát nổ có thể khiến Mỹ nghĩ rằng Liên Xô đang âm mưu tấn công dọc theo bờ biển Bắc Mỹ, châm ngòi cho chiến tranh thế giới thứ 3.

 

Hy sinh

 

Cách quê nhà đến 2.400 km và trong tay không hề có phương tiện cứu hộ, thuyền trưởng và thủy thủ đoàn phải tìm cách hạ nhiệt lò phản ứng trước khi một vụ nổ hạt nhân có thể xảy ra. Trong giờ phút nguy cấp, thuyền trưởng Zateev và các sĩ quan quyết định lắp hệ thống làm lạnh phụ cho lò phản ứng hạt nhân.

 

Để có thể làm được điều đó, họ phải mở cửa khu vực lò phản ứng và đối mặt với đám bụi phóng xạ chết người: một nhiệm vụ tự sát và những ai liên quan đều nhận thức rõ điều đó. Thế nhưng đây là hy vọng duy nhất. Sau 2 giờ vật lộn với tử thần, thủy thủ đoàn đã đưa nhiệt độ lò phản ứng về mức có thể kiểm soát được bằng máy.

 

Tuy nhiên, hậu quả thật thảm khốc: 8 thủy thủ đã bị nhiễm lượng phóng xạ lớn và đến khi được chuyển qua tàu khác thì mặt của họ đã bị sưng phồng và biến dạng nặng nề. Họ chết không lâu sau đó. Những người còn lại cũng bị nhiễm phóng xạ và thêm 14 người nữa qua đời trong vòng 2 năm. 117 người còn lại chịu đựng nhiều mức độ bệnh nhiễm xạ khác nhau. Khi về đến đất liền, phóng xạ trong con tàu đã làm nhiễm xạ một khu vực 700m. Kể từ đó, K-19 được mệnh danh là "Hiroshima".

 

Theo đánh giá, lượng hạt nhân trên tàu K-19 có thể gây ra vụ nổ mạnh gấp hàng chục lần vụ nổ lò phản ứng Chernobyl vào năm 1986, gây ra thảm họa sinh thái nặng nề và có khả năng khơi nguồn chiến tranh thế giới thứ 3. Thế nhưng, những gì xảy ra trên tàu K-19 được chôn vùi cho đến năm 1990 cho đến khi báo Sự thật (Nga) công bố sự kiện nói trên.

 

Hiện 48 người còn sống sót đã được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2006.

 

Theo Thụy Miên

Thanh Niên/nationalgeographic, Pravda, Scotsman