1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu Mỹ tuần tra không phải "ăn miếng trả miếng" Trung Quốc

Phóng viên VietNamNet trò chuyện với cố vấn chính sách về đại dương, Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jonathan Odom.

Không đề cập về hoạt động của một tàu chiến cụ thể khi được đề nghị nêu mục đích tuần tra trên Biển Đông của tàu chiến Mỹ USS Fort Worth gần đây, ông Jonathan Odom nhấn mạnh rằng Mỹ luôn duy trì sự hiện diện liên tục tại Biển Đông, thường xuyên có các tàu đến "thực thi nhiệm vụ tại các khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế".

Tàu Mỹ tuần tra không phải ăn miếng trả miếng Trung Quốc
 
"Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện đó, có những lúc tăng lên do những nguyên nhân chúng tôi cho là cần thiết. Cũng có những lúc giảm đi nếu có yêu cầu tăng lên ở những khu vực khác. Nhưng việc tàu Mỹ hoạt động tại Biển Đông không có gì mới, các hoạt động này đã diễn ra nhiều thập kỷ nay" - ông Jonathan Odom khẳng định.

Cố vấn chính sách Bộ Quốc phòng Mỹ lý giải thêm "tiếp cận và hiện diện có quan hệ mật thiết. Duy trì việc tiếp cận là để duy trì sự hiện diện. Duy trì sự hiện diện, chúng tôi cũng duy trì khả năng tiếp cận khu vực này. Và cũng là để đảm bảo với các đồng minh và đối tác trong khu vực này về sự cam kết của Mỹ đối với an ninh của khu vực".

Bảo vệ lợi ích tự do hàng hải

Tàu USS Fort Worth đã đến gần các đảo mà TQ đang cải tạo đến mức nào, và tại sao?

Tôi sẽ không nói về hoạt động của một tàu cụ thể, mà khẳng định các hoạt động của tàu đều tuân thủ luật pháp quốc tế. Các đảo này là nhân tạo, theo UNCLOS là không thể có vùng lãnh hải 12 hải lý, nên tàu Mỹ có thể thực hiện các hoạt động cần thiết tại vùng biển này. Hơn nữa, đây là vùng biển quốc tế mà các tàu đều có quyền đi qua.

Mỹ có thấy cần tăng cường hoạt động này để bắt kịp với tốc độ cải tạo đảo của TQ tại Biển Đông?

Đây không phải là chuyện "ăn miếng trả miếng", mà là Mỹ làm rõ lợi ích của mình ở khu vực này, trong đó có việc đảm bảo tự do hàng hải. Do đó, nếu có một quốc gia gây cản trở tự do hàng hải bằng những hoạt động không phù hợp với Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, chúng tôi phải tiến hành những biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích về tự do hàng hải của mình.

Các hoạt động này của Mỹ trên Biển Đông có phải là để kiểm tra và tính toán năng lực của hải quân TQ?

Chính phủ Mỹ không có trách nhiệm kiểm tra TQ. Chúng tôi hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của TQ, và hiểu rằng khi một quốc gia phát triển về kinh tế sẽ có nhu cầu đầu tư mạnh hơn vào quốc phòng. Không ai thách thức năng lực của TQ trong việc tăng cường quy mô hay chuyên nghiệp hóa quân đội.

Thậm chí chúng tôi hoan nghênh quân đội TQ càng trở nên chuyên nghiệp càng tốt. Nhưng dù thế nào, chúng tôi vẫn khuyến khích các quốc gia hành động đúng với luật pháp và thông lệ quốc tế.

Không "đánh lẻ" quốc gia nào

Có ý kiến cho rằng việc Mỹ tăng cường các hoạt động bảo vệ lợi ích tự do hàng hải của mình ở Biển Đông có thể khiến TQ khó chịu?

Trước hết, mục tiêu bảo vệ lợi ích tự do hàng hải của Mỹ được thực hiện trên toàn cầu, chúng tôi phản ứng trước các tuyên bố chủ quyền trên biển của nhiều quốc gia nếu thấy không phù hợp với UNCLOS, không chỉ ở riêng châu Á - Thái Bình Dương.

Một nguyên tắc nữa là, Mỹ phản ứng trước các tuyên bố chủ quyền quá mức của bất cứ quốc gia nào, đồng minh, đối tác, đối thủ cạnh tranh hay kẻ thù tiềm năng. Chúng tôi không "đánh lẻ" quốc gia nào.

Mỹ muốn nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển. Có những tuyên bố chủ quyền trên biển đã được các quốc gia đưa ra trước khi có UNCLOS 1982. Mỹ sẽ hỗ trợ các quốc gia này trong việc hoàn thiện pháp luật quốc gia của họ sao cho phù hợp với các quy định của UNCLOS, và nhiều quốc gia đã làm như vậy.

Nhưng khi có một quốc gia không xem xét điều chỉnh các tuyên bố chủ quyền trên biển của mình cho phù hợp với UNCLOS, chúng tôi trước hết sẽ phản ứng bằng các biện pháp ngoại giao. Sau đó là tiến hành các biện pháp đảm bảo tự do hàng hải trong các vùng biển phù hợp với quy định của UNCLOS.

Các biện pháp này đều được công khai, hàng năm trên trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ đều công bố danh sách các quốc gia ven biển có những tuyên bố chủ quyền trên biển mà Mỹ đã phản ứng, cùng với các biện pháp mà chúng tôi đã sử dụng để thể hiện phản ứng của mình.

Ngoài UNCLOS, Mỹ cũng khuyến khích các quốc gia ven biển thể hiện các tuyên bố chủ quyền của mình phù hợp với các khuôn khổ luật pháp quốc tế khác, trong đó có Hiến chương LHQ, theo đó các quốc gia cần tìm cách giải quyết các tranh chấp chủ quyền thông qua các biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán hoặc cơ quan trọng tài, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Theo ông, đâu là mối đe dọa lớn nhất đối với tình hình tại Biển Đông hiện nay?

Tôi sẽ không xếp hạng nhất nhì, nhưng muốn nhấn mạnh rằng tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng khi một hoặc nhiều quốc gia có sự hiểu nhầm, tính toán sai khiến một tình huống căng thẳng vượt tầm kiểm soát dẫn đến việc sử dụng vũ lực.

Các nước đều có lý do để đưa ra các tuyên bố chủ quyền của mình, và hẳn đều không muốn xung đột, nhưng trên thực địa, khó mà dự đoán các tình huống va chạm giữa các tàu. Vì thế, chúng tôi muốn các quốc gia cố gắng hết sức tránh những hiểu nhầm và tính toán sai, đồng thời tăng cường các thể chế để củng cố lòng tin trong khu vực.

Theo Chung Hoàng (từ Washington DC)
Vietnamnet