1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tàu chở dầu chở 22 thuyền viên Ấn Độ mất tích bí ẩn

(Dân trí) - Một tàu chở dầu chở 22 thành viên thủy thủ đoàn mang quốc tịch Ấn Độ đã mất tích trên vịnh Guinea, ngoài khơi bờ biển Benin, Tây Phi từ ngày 1/2.

Bản đồ khu vực tàu chở dầu mất tịch (Ảnh: BBC)
Bản đồ khu vực tàu chở dầu mất tịch (Ảnh: BBC)

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ, tàu chở dầu mang tên Marine Express đã mất tích ở ngoài khơi bờ biển Benin tại vịnh Guinea từ ngày 1/2. Tàu này thuộc sở hữu của công ty vận tải biển Anglo Eastern có trụ sở tại Hong Kong. BBC cho biết nơi đăng ký của tàu mất tích ở Panama.

Vào thời điểm mất tích, tàu Marine Express chở thủy thủ đoàn gồm 22 thuyền viên mang quốc tịch Ấn Độ. Trên trang Twitter của Anglo Eastern, công ty này tuyên bố sự an toàn của thủy thủ đoàn là ưu tiên hàng đầu và gia đình các thuyền viên sẽ được cập nhật tin tức liên tục.

Ấn Độ ngày 4/2 đã liên lạc với chính quyền Nigeria và Benin để tìm cách xác định vị trí của tàu mất tích cùng các thuyền viên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar cho biết một đường dây nóng hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm đã được Đại sứ quán Ấn Độ tại Nigeria thiết lập nhằm cung cấp thông tin về những người mất tích.

Tàu Marine Express (Ảnh: NDTV)
Tàu Marine Express (Ảnh: NDTV)

Cơ quan Hàng hải Quốc tế (IMB) cho biết hải quân Benin đã vào cuộc tìm kiếm Marine Express - con tàu đang chở 13.500 tấn dầu. Chính quyền Nigeria cũng yêu cầu tất cả các tàu thuyền báo tin về trung tâm thông tin chống cướp biển của IMB ở London, Anh.

Ước tính giá trị số dầu trên tàu Marine Express vào khoảng 8,1 triệu USD. Một số nghi vấn đang được đặt ra về nguyên nhân khiến Marine Express mất tích, trong đó có giả thuyết về việc tàu này bị cướp biển tấn công.

Đây là con tàu thứ hai bị mất tích ở khu vực này trong một tháng qua. Trước đó, tàu MT Barret cũng bị cướp biển tấn công hồi tháng 1 và thủy thủ đoàn, trong đó phần lớn là người Ấn Độ, đã được thả sau 6 ngày trả tiền chuộc. Hoạt động cướp biển thường xuyên xảy ra ở vùng biển Tây Phi với tần suất hơn 1 vụ/tuần trong năm 2017.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm