1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu chiến Mỹ cập cảng Campuchia

Thanh Thành

(Dân trí) - Ngày 16/12, tàu chiến Mỹ đã lần đầu tiên cập cảng Campuchia sau 8 năm, trong năm động thái mà Phnom Penh nói rằng đã cho thấy sự cải thiện trong mối quan hệ giữa 2 nước.

Tàu chiến Mỹ cập cảng Campuchia - 1

Tàu tác chiến ven bờ USS Savannah (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Theo các nguồn tin, tàu USS Savannah của Hải quân Mỹ đã cập cảng Sihanoukville trên Vịnh Thái Lan trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày. Savannah, được xếp loại là tàu tác chiến ven biển, chở 103 thành viên thủy thủ đoàn.

"Thật tuyệt khi được trở lại, đưa sự hiện diện của Mỹ trở lại đây sau 8 năm", sĩ quan chỉ huy tàu, Daniel Sledz, phát biểu ngắn gọn với các phóng viên. Một nữ sĩ quan Campuchia đã tặng ông Sledz một bó hoa chào mừng tàu cập cảng. 

Trong nhiều năm qua, mối quan hệ giữa Mỹ và Campuchia đã trở nên căng thẳng và Washington lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại nước này.

Kể từ năm 2022, Trung Quốc đã tài trợ cho việc cải tạo căn cứ hải quân Ream - cách Sihanoukville khoảng 30km - cơ sở ban đầu được xây dựng một phần bằng ngân sách của Mỹ.

Washington từng bày tỏ lo ngại rằng Bắc Kinh có thể được tiếp cận độc quyền căn cứ hải quân của Campuchia trên Vịnh Thái Lan này, vốn cách không xa nơi tàu Savannah cập cảng. Tuy nhiên, phía Campuchia nhiều lần tuyên bố không có quân đội nước ngoài được phép sử dụng căn cứ này.

Hồi tuần trước, chính phủ Campuchia cho biết chuyến thăm của tàu USS Savannah tới thành phố cảng Sihanoukville nhằm mục đích "tăng cường và mở rộng tình hữu nghị" và "thúc đẩy hợp tác song phương giữa". Bộ Ngoại giao Campuchia cũng ra tuyên bố ghi nhận "động lực tích cực của quan hệ song phương và hợp tác" và "sự tái thiết hợp tác quân sự" giữa Campuchia và Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến thăm Campuchia vào đầu tháng 6, nơi ông đã hội đàm với Thủ tướng Hun Manet và các quan chức cấp cao khác. Ông cũng đã gặp gỡ các cựu sinh viên Campuchia của các chương trình đào tạo quân sự của Mỹ. Bản thân Thủ tướng Hun Manet cũng là cựu sinh viên của Học viện Quân sự West Point tại Mỹ.

Vào thời điểm đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các cuộc thảo luận của ông Austin liên quan đến "các cơ hội tăng cường mối quan hệ quốc phòng song phương để hỗ trợ hòa bình và an ninh khu vực" và các vấn đề khác.

Theo ABC News