1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu chiến Ấn Độ ghé cảng Hàn Quốc trong kế hoạch hiện diện tại Biển Đông

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo 3 tàu chiến thuộc Hạm đội phương Đông của hải quân nước này đã lên đường tới thành phố cảng Busan của Hàn Quốc trong kế hoạch duy trì sự hiện diện của New Delhi tại Biển Đông, Sputnik đưa tin hôm qua 21/6.

Tàu chiến của Hải quân Ấn Độ. (Ảnh: Wikipedia)
Tàu chiến của Hải quân Ấn Độ. (Ảnh: Wikipedia)

3 tàu chiến của Hải quân Ấn Độ gồm Sahyadri, Shakti và Kirch, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Hạm đội phương Đông, Chuẩn Đô đốc S V Bhokare, đang trên đường tới thành phố cảng Busan của Hàn Quốc. Hoạt động của đội tàu nhằm thể hiện khả năng của Ấn Độ trong việc tăng cường sự hiện diện và khả năng vươn xa tới các vùng biển, cũng như cam kết của New Delhi với chính sách hướng Đông của nước này.

Thông cáo do Bộ Quốc phòng Ấn Độ công bố cho biết, các tàu của Hải quân Ấn Độ sẽ tương tác chuyên nghiệp với lực lượng Hải quân Hàn Quốc trong việc đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hải quân 2 nước. Ngoài ra, các hoạt động giao lưu về thể thao, văn hóa, trao đổi thông tin giữa giới chức quân sự và chính phủ 2 nước cũng như chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn nhằm tăng cường quan hệ và hiểu biết lẫn nhau giữa Seoul và New Delhi cũng là những mục tiêu hai nước hướng đến trong chuyến đi tới Hàn Quốc lần này của các tàu chiến Ấn Độ.

3 tàu chiến của Hải quân Ấn Độ có thể sẽ tham gia tập trận chung với Hải quân Hàn Quốc, với mục tiêu nâng cao khả năng phối hợp hoạt động trong việc trao đổi thông tin cũng như các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. Ấn Độ và Hàn Quốc trong những năm vừa qua liên tục có những hoạt động nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh song phương, đặc biệt sau chuyến thăm của đoàn cán bộ Bộ Quốc phòng Ấn Độ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tới Hàn Quốc hồi tháng 4.

Hải quân Ấn Độ trong một cuộc tập trận (Ảnh: PTI)
Hải quân Ấn Độ trong một cuộc tập trận (Ảnh: PTI)

Theo Sputnik, việc điều 3 tàu chiến tới Hàn Quốc lần này là một phần trong kế hoạch triển khai Hạm đội phương Đông của Ấn Độ tới khu vực Biển Đông. Mục đích của hoạt động này nhằm tăng cường hợp tác hàng hải, từ đó đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai nước, góp phần bảo đảm an ninh và ổn định trong khu vực.

Biển Đông và vùng biển phía tây nam Thái Bình Dương được coi là khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Ấn Độ. Các tàu của Ấn Độ mới đây cũng tham gia cuộc tập trận Malabar cùng Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở vùng biển ngoài khơi Okinawa.

Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ, với chính sách hướng Đông, ngày càng thể hiện mối quan tâm đặc biệt tới vấn đề Biển Đông. New Delhi đã nhiều lần nhấn mạnh tới việc bảo đảm tự do hàng hải tại các vùng biển, trong đó có Biển Đông.

Trong chuyến công du tới Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 1/2015, hai nước đã đề cập tới cụm từ “Biển Đông” trong tuyên bố chung song phương. Tuyên bố chung có đoạn: “Sự thịnh vượng của khu vực phụ thuộc vào an ninh. Chúng tôi (Mỹ và Ấn Độ) khẳng định tầm quan trọng của bảo vệ an ninh hàng hải, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, đặc biệt ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đồng thời giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải thông qua các biện pháp hòa bình, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”.

Gần đây, nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 3/6 tới Ấn Độ, hai nước tiếp tục trao đổi về vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp giữa ông Carter với Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và Cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval tại thủ đô New Delhi. Hai bên cùng thảo luận về tình hình Biển Đông cũng như các biện pháp để tăng cường hòa bình và ổn định trong khu vực.

Hạm đội phương Đông là hạm đội hải quân lớn nhất của Ấn Độ, đóng quân tại các căn cứ dọc bờ biển phía đông Ấn Độ, gồm Kolkata, Paradip và Chennai. Hạm đội này có khoảng 60 tàu chiến. Trụ sở Chỉ huy Hạm đội phương Đông được đặt tại thành phố Visakhapatnam, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ.

Thành Đạt

Theo Sputnik