1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu cá Trung Quốc lộng hành (*): Vét cạn biển Tây Phi

Sau khi đánh bắt tới kiệt quệ các vùng biển gần nhà, ngư dân Trung Quốc ra khơi xa hơn để khai thác những vùng biển khắp nơi trên thế giới

Biển cả đã có thời đầy ắp cá, mang lại cuộc sống no ấm, tươi đẹp. Nhưng nay, trên các vùng biển toàn cầu, cuộc sống ngư dân ngày càng khốn khó, những tiếng thở dài ngao ngán trở nên thường xuyên hơn bên những mẻ lưới gần như trống rỗng.

Vắt kiệt các đại dương

"Những mẻ lưới từng đầy ắp cá, tới nỗi thuyền còn chẳng đủ chỗ chứa" - ông Mamadou So, một ngư dân 52 tuổi ở Senegal, vừa nói vừa chỉ tay vào vài con cá nhỏ xíu trong mẻ lưới ông vừa vớt lên.


Một phần hạm đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc ở hải cảng của tỉnh Chiết Giang. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Một phần hạm đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc ở hải cảng của tỉnh Chiết Giang. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Phía bên kia bán cầu, ở miền Đông Trung Quốc (TQ), ông Zhu Delong, 75 tuổi, cũng lắc đầu chán nản khi mảnh lưới của ông chỉ vét được một con tôm cỡ ngón tay và vài con cá đù nhỏ xíu.

Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, tình trạng đánh bắt quá mức đang vắt kiệt các đại dương. 90% ngư trường của thế giới đã bị khai thác kiệt quệ hoặc đối mặt sự sụp đổ.

Dân số đông, nền kinh tế lớn mạnh, TQ đang có ảnh hưởng lớn đến các đại dương trên thế giới. Sau khi khai thác tới kiệt quệ các vùng biển gần nhà, ngư dân TQ ra khơi xa hơn để đánh bắt những vùng biển của nước khác. Các chuyến đánh bắt của họ thường được chính phủ trợ cấp, theo The New York Times.

Các đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu của TQ đang kéo sang vùng biển Tây Phi, 2/3 trong số đó được cho là hoạt động phi pháp. Hạm đội tàu này ước tính đã tăng lên gần 2.600 chiếc (gấp Mỹ hơn 10 lần), trong đó riêng từ năm 2014-2016 đã bổ sung 400 chiếc. Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers in Marine Science, phần lớn tàu TQ đều thuộc loại quá khổ, lượng cá đánh bắt được trong 1 tuần bằng những chiếc tàu ở Senegal đánh bắt cả năm, gây thiệt hại 2 tỉ USD/năm cho các nền kinh tế Tây Phi.

Nhiều người TQ dựa vào tiền chính phủ để đóng tàu cá và trang trải cho những chuyến đi kéo dài cả tháng tới Senegal. Theo chuyên gia nghiên cứu Zhang Hongzhou thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), trợ cấp chính phủ cho công nghiệp đánh cá của TQ lên tới gần 22 triệu USD từ năm 2011-2015, tăng gần gấp 3 lần so với 4 năm trước. Đó là chưa kể tới hàng chục triệu USD trợ cấp và miễn thuế mà các địa phương ven biển của TQ hỗ trợ cho các công ty đánh cá địa phương.

Gây chuyện khắp nơi

Tại Senegal, quốc gia nghèo với dân số 14 triệu người, các loài cá đang sụt giảm mạnh. Ngư dân địa phương đánh bắt trên xuồng gỗ tự đẽo phải cạnh tranh với những siêu tàu cá của TQ giăng lưới dài cả dặm có thể quét sạch mọi sinh vật.

Đánh bắt ngày càng khó khăn đồng nghĩa với thu nhập của ngư dân Senegal tụt dốc và giá thực phẩm đội cao hơn. Đối với đất nước có đường bờ biển dài gần 500 km này, đại dương là huyết mạch kinh tế và cũng là một phần bản sắc dân tộc, không còn cá có nghĩa là họ đang phải đối mặt một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy, đó là phải dựa vào đâu để sống sót.

Theo số liệu của chính phủ, hơn 100 tàu thuyền lớn đang hoạt động ở vùng biển Senegal từ châu Á, châu Âu và địa phương. Con số này không bao gồm các tàu treo cờ Senegal nhưng do các công ty TQ sở hữu.

Các tàu cá bất hợp pháp thường hoạt động khi đêm xuống ở rìa vùng đặc quyền kinh tế của Senegal, ngoài tầm với của lực lượng hải quân đất nước nhỏ bé này. Chuyên gia thủy sản địa phương Dyhia Belhabib ước tính các tàu TQ đánh bắt trái phép khoảng 40.000 tấn cá mỗi năm từ vùng biển Senegal, trị giá khoảng 28 triệu USD. Con số này không bao gồm các tàu cá bất hợp pháp không bao giờ bị bắt, chiếm gần 2/3 số tàu của TQ.

Đây cũng là vấn đề chung ở khắp Tây Phi. Tại một số nước, như Guinea-Bissau và Sierra Leone, các tàu bắt trộm cá cũng lộng hành không kém khi lực lượng cảnh sát biển quá mỏng và chỉ có vài chiếc thuyền tuần tra nhỏ.

TQ đang là nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Dân số nước này tiêu thụ hơn 1/3 lượng cá trên toàn cầu và tỉ lệ này tăng 6% mỗi năm. Ngành công nghiệp đánh bắt cá của nền kinh tế số 2 thế giới sử dụng hơn 14 triệu lao động, với 30 triệu người khác dựa vào nguồn hải sản để kiếm sống.

Theo ông Zhang từ ĐH Công nghệ Nanyang, thực tế, các ngư trường truyền thống tại vùng biển TQ chỉ tồn tại trên danh nghĩa. "Đối với các nhà lãnh đạo TQ, việc bảo đảm nguồn cung thủy sản không chỉ tốt cho kinh tế mà còn ổn định xã hội và mang lại lợi ích chính trị" - chuyên gia này phân tích.

Tuy nhiên, khi kéo tới vùng biển các nước khác, ngư dân TQ vướng vào các vụ tranh chấp hàng hải ngày càng nhiều. Indonesia đã bắt giữ hàng loạt tàu TQ bắt trộm cá. Giới chức Argentina từng đánh chìm một tàu cá TQ tìm cách đâm thuyền của lực lượng bảo vệ bờ biển nước này. Những vụ đụng độ bạo lực giữa ngư dân TQ và giới chức trách Hàn Quốc tới nay đã khiến 6 người thiệt mạng…

Đối với Bắc Kinh, những đội tàu cá nước này được cho là còn thực hiện tham vọng lãnh thổ của họ ở biển Đông. Tại tỉnh Hải Nam, chính quyền khuyến khích các chủ tàu đến đánh bắt ở khu vực quanh quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Đội tàu được gọi là "dân quân biển" này được trợ cấp nhiên liệu, đá lạnh, thiết bị dẫn đường…, đồng thời được các tàu khu trục nhỏ của Hải quân TQ yểm trợ.

Kỳ tới: Chạm trán chết người

Thiệt đơn thiệt kép

Theo các chuyên gia, bảo vệ biển đôi khi có nghĩa là nói không với TQ. Điều này không dễ dàng chút nào đối với các nước châu Phi vốn đang nhận rất nhiều vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ Bắc Kinh. "Khó lòng nói không với TQ khi họ đang xây đường sá cho bạn" - TS Samba, cựu lãnh đạo Viện Nghiên cứu hải dương của Senegal, chua chát.

Bên cạnh đó, sự thiếu minh bạch còn giúp cho những thỏa thuận đánh bắt hải sản bí mật với TQ của giới chức địa phương được giữ kín. "Có những phi vụ tham nhũng đen tối. Đôi khi người TQ hối lộ để tiếp cận nguồn hải sản và tiền này không chảy vào nền kinh tế, người dân càng thiệt đơn thiệt kép"- ông Rashid Sumaila, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu kinh tế nghề cá thuộc ĐH British Columbia (Canada), nhận định.

Theo Đỗ Quyên

Người lao động