Tạp chí biếm họa Charlie Hebdo tiếp tục in triệu bản số báo mới
Tờ báo biếm họa của Pháp ra số thứ 2 sau ngày bị khủng bố và tiếp tục được in với số lượng lớn.
Không còn cảnh xếp hàng từ sáng sớm
Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên VOV tại Pháp cho thấy, dù được kỳ vọng nhưng số báo thứ 2 này không còn gây được cơn sốt như số ngày 14/1. Cảnh xếp hàng dài trên các sạp báo ngay từ sáng sớm đã không còn tái diễn. Một chủ sạp báo ở ga Saint-Lazare ở quận 8 Paris cho biết hôm 14/1 ông bán hết hơn 200 tờ chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng và mỗi người chỉ được mua tối đa 2 tờ nhưng hôm nay, dù đã đặt 240 tờ nhưng đến 10h sáng, ông mới chỉ bán được 30 tờ.
Nhiều người cho rằng, đây là điều có thể dự đoán được bởi lẽ hôm 14/1, tức chỉ một tuần sau vụ khủng bố đẫm máu sát hại gần như toàn bộ tòa soạn Charlie Hebdo, người dân Pháp vẫn còn sôi sục và họ muốn thể hiện tình đoàn kết với tờ báo bằng cách mua ấn phẩm “sống sót” của báo. Tuy nhiên, khi thời gian trôi đi, chỉ có những người thực sự trung thành với Charlie Hebdo mới tiếp tục mua báo.
Tái thiết khó khăn
Hiện tại, hơn 1 tháng sau sự kiện lịch sử, Charlie Hebdo đang trong quá trình tái thiết với rất nhiều vấn đề nan giải. Khó khăn nhất là chuyện nhân sự. Vụ xả súng đã giết hại gần như toàn bộ ban biên tập và những họa sỹ tài hoa nhất của Charlie Hebdo. Người sống sót trong vụ xả súng đó, họa sĩ Riss, giờ được bầu làm Giám đốc xuất bản thay Charb. Luz, một họa sỹ khác, giờ trở thành tay vẽ chính của Charlie Hebdo. Nhưng từ hơn 1 tháng nay, trụ sở cũ của Charlie Hebdo ở phố Nicolas Appert, quận 11, vẫn bị bỏ hoang. Không ai còn đủ can đảm trở lại với tòa soạn đẫm máu đó và Charlie Hebdo giờ vẫn phải làm việc nhờ ở trụ sở của tờ Liberation.
Để tồn tại lâu dài, Charlie Hebdo cần nhanh chóng chuyển ra một trụ sở mới và đào tạo một thế hệ họa sỹ-biên tập mới. Tuy nhiên, vụ khủng bố kinh hoàng vào tòa soạn khiến việc tuyển nhân sự không đơn giản. Mới nhất, vụ tấn công ở Copenhagen nhằm vào họa sỹ biếm họa Lars Vilks càng khiến nhiều người e dè khi dấn thân vào con đường nguy hiểm như Charlie Hebdo.
Cần tạo một diện mạo mới
Một câu hỏi lớn khác về Charlie Hebdo cũng được tranh luận nhiều trong thời gian qua ở Pháp là về đường lối xuất bản của báo. Tờ Le Monde vừa xuất bản một điều tra cho thấy trong 10 năm qua, từ 2005 đến 2015, tờ Charlie Hebdo không biếm họa đạo Hồi nhiều hơn các tôn giáo khác. Trong 523 trang Nhất mà tờ Charlie Hebdo làm trong 10 năm qua, chỉ có 38 trang Nhất là về tôn giáo và trong số đó chỉ có 7 trang Nhất biếm họa đạo Hồi, 21 trang về Công giáo và 10 trang Nhất về các tôn giáo khác. Vì thế, vấn đề, theo nhiều ý kiến từ chính báo giới, là Charlie Hebdo cần phải có một chút thay đổi theo hướng khoan dung hơn trong việc chỉ trích và biếm họa, đặc biệt với chủ đề tôn giáo nhạy cảm.