1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tân Tổng thống Pháp trong lần “diện kiến” đầu tiên tại Nhà Trắng

(Dân trí) - Tân Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm qua đã được "thử" bầu không khí ý nhị của ngoại giao quốc tế, khi có cuộc đàm thoại đầu tiên tại Nhà Trắng cùng với Tổng thống Obama, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G8 đầu tiên của ông.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1972/Toan-canh-bau-cu-tong-thong-Phap.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Toàn cảnh bầu cử tổng thống Pháp</b></a>

 

 

Tân Tổng thống Pháp trong lần “diện kiến” đầu tiên tại Nhà Trắng

Ông Obama và Hollande trong cuộc gặp mặt đầu tiên tại Nhà Trắng.

Chỉ ba ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, thay thế Tổng thống ủng hộ Mỹ Nicolas Sarkozy, ông Hollande, một người thuộc đảng Xã hội, đã bắt đầu cuộc đàm thoại tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng.

 

Đây là lần đầu tiên hai ông Hollande và Obama gặp nhau, và hai bên thảo luận các hồ sơ gai góc trong khuôn khổ Thượng đỉnh G8 và NATO, từ phương thức thoát khỏi khủng hoảng nợ tại châu Âu đến tình hình Iran, Syria và Afghanistan.

 

Trong khuôn khổ G8, theo điện Elysée, hôm qua, tân Tổng thống Pháp đã có một cuộc trao đổi với nhiều lãnh đạo châu Âu, qua phương tiện “hội thảo truyền hình” và đã ghi nhận “được nhiều ủng hộ”.

 
Tân Tổng thống Pháp trong lần “diện kiến” đầu tiên tại Nhà Trắng
Ông Hollande và ông Obama "gặp nhau" trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng euro.
 

Còn trong chuyến đi Mỹ lần này, ông dự kiến cũng là khách danh dự tại buổi ăn trưa do Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chủ trì và gặp Thủ tướng Anh David Cameron, người cũng tới Mỹ để dự hội nghị thượng đỉnh G8 vào cuối tuần này.

 

Ông Hollande sau đó tới Trại David, khu nghỉ của Tổng thống Mỹ ở Maryland, để tham dự các cuộc đàm phán của lãnh đạo 8 nước phát triển, trước khi tới Chicago, dự Hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày thứ bảy.

 

Mặc dù ông Hollande cam kết trong chiến dịch tranh cử là sẽ rút quân chiến đấu Pháp ra khỏi Afghanistan vào năm nay, nhưng Washington đã nhấn mạnh hi vọng về một mối quan hệ chặt chẽ với ông trong những vấn đề như Iran.

 
Tân Tổng thống Pháp trong lần “diện kiến” đầu tiên tại Nhà Trắng
Cuộc gặp đầu tiên diễn ra trong không khí khá thân thiện.
 

Nhà Trắng cũng thông báo từ hôm qua là người vợ không giá thú của Tổng thống Pháp, nữ phóng viên Valérie Trierweiler là khách mời của phu nhân Tổng thống Mỹ Michelle Obama. Nghi thức lễ tân của Hoa Kỳ không đặt vấn đề đệ nhất phu nhân có chính thức hay không.

“Tôi mong rằng chúng ta sẽ nhận được ủng hộ của Pháp trong vấn đề Iran…cũng như hàng loạt các vấn đề khác”, cố vấn an ninh quốc gia của Obama, Tom Donilon, cho hay. “Chúng ta sẽ phải phối hợp trong những vấn đề khác. Quan điểm mà Tổng thống Hollande đưa ra trong chiến dịch tranh cử đương nhiên ông dự định sẽ duy trì khi làm tổng thống. Nhưng vào thời điểm này, thực sự tôi thấy một mối quan hệ tốt đẹp đã được xây dựng giữa chúng ta”.

 

Ông Hollande, người được cho là sẽ mềm mỏng và ít hoa mĩ hơn ông Sarkozy, sẽ phải đối mặt với những câu hỏi gai góc, liên quan đến cam kết sẽ rút 3.500 lính Pháp khỏi Afghanistan vào cuối năm nay, trước một năm so với kế hoạch trước đó.

 

Trước cuộc họp thưởng đỉnh của NATO, ông đã tiết chế quan điểm của mình, cho biết việc rút quân sẽ được thực hiện “theo cách khôn ngoan” và sẽ chỉ áp dụng đối với quân tham chiến.

 

Ông Donilon có vẻ như đã để mở cho cam kết vào ngày thứ năm vừa qua, khi ám chỉ Pháp sẽ được kỳ vọng cho những đóng góp khác, khi Mỹ tính toán cách thức trả lương và huấn luyện cho các lực lượng vũ trang Afghanistan tương lai.

 

Chuyến thăm của ông Hollande tới Washington được diễn ra sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Đức, để gặp Thủ tướng Anglela Merkel, chỉ ít giờ sau khi nhậm chức vào hôm thứ ba vừa qua. Hai nhà lãnh đạo đã tìm cách thu hẹp khoảng cách trong cách giải quyết đối với cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro.

Trong khi ông Obama và ông Hollande có thể khác biệt trong cách tiếp cận đối với vấn đề Afghanstan, song họ lại có quan điểm gần gũi đối với cuộc khủng hoảng kinh tế. Kêu gọi theo đuổi những chính sách hối thúc phát triển kinh tế của ông Hollande, thay vì thắt lưng buộc bụng như hiện nay, phản ánh cách tiếp cận của giới chức Mỹ.

 

Đối với vấn đề Iran, ông Hollande đã cam kết sẽ “rất cứng rắn” với chương trình hạt nhân của nước này.

 

Vào đầu tuần này, cựu Thủ tướng đảng Xã hội của Pháp Michel Rocard đã có chuyến đi cá nhân tới Tehran. Ông cho biết giới chức Iran nói với ông họ đã sẵn sàng thực hiện “những bước tiến” để giải quyết căng thẳng hạt nhân.

 

Về cuộc khủng hoảng tại Syria, tân Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius hôm thứ năm vừa qua cho biết Pháp đang mất dần kiên nhẫn đối với thất bại của kế hoạch hòa bình do ông Kofi Annan đề xuất nhằm ngăn chặn bạo lực.

 

Giới quan sát cho rằng, ông Hollande, người chưa bao giờ nắm giữ một chức vụ trong chính phủ, chắc chắn sẽ thận trọng trong những lần “diện kiện” quốc tế đầu tiên. Nhưng ngay cả khi đã “quen”, ông Hollande cũng được cho là sẽ ít “hiếu chiến” trên ngoại trường hơn ông Sarkozy – người đã đóng vai trò lớn trong các cuộc khủng hoảng quốc tế, như cuộc xung đột Gruzia-Nga và cuộc chiến Libya.

 

Vũ Quý

Theo AFP