1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tân tổng thống Pháp bổ nhiệm 7 phụ nữ vào Nội các

(Dân trí) - Tổng thống gốc Hungary của Pháp hôm qua đã bổ nhiệm 7 phụ nữ vào trong nội các 15 thành viên của mình. Như vậy lời hứa trong cuộc tranh cử về bình đẳng giới đã được thực hiện. Nội các mới của Pháp cũng là nội các có số lượng nữ giới cao nhất ở châu Âu.

Đáng chú ý nhất là vị trí Bộ trưởng tư pháp của bà Rachida Dati, một phụ nữ gốc bắc Phi. Đây là vị trí có tính biểu tượng cao trong một đất nước suốt hai năm qua vẫn phải đối phó với nhiều cuộc bạo động liên quan đến dân nhập cư gây nên.

 

Bà là một trong 7 phụ nữ mà ông Sarkozy, cũng là một người nhập cư gốc Hungary, bổ nhiệm vào nội các 15 thành viên của mình. Như vậy, sau nhiều thập kỷ phụ nữ chỉ đóng vai trò thứ yếu, và bị đàn ông áp đảo về số lượng, lời hứa tạo ra sự bình đẳng giới của Tân thổng thống Sarkozy đã được thực hiện.

 

Ở Pháp, phụ nữ đã không có quyền bỏ phiếu cho đến mãi năm 1944. Cũng ở đây cơ quan lập pháp chỉ có 14% là nữ giới. Tuy nhiên với sự bổ nhiệm mới của Tổng thống Sarkozy, Pháp trở thành nước có nhiều phụ nữ trong nội các nhất ở châu Âu.

 

Và cũng chưa bao giờ một phụ nữ có nguồn gốc Bắc Phi ở Pháp lại được trao một vị trí quan trọng như vậy trong nội các, người phát ngôn của Tổng thống Sarkozy, Franck Louvrier, cho hay.

 

Bà Dati năm nay mới 41 tuổi, và là một luật sư. Bà là người con thứ hai trong một gia đình theo đạo Hồi với 12 người con. Mẹ bà có nguồn gốc Moroccan, còn cha bà là người Algeria. 

 

Các vị trí quan trọng trong nội các

 

Francois Fillon: Thủ tướng.

 

Alain Juppe: Bộ trưởng năng lượng, môi trường và phát triển bền vững.

 

Bernard Kouchner: Bộ trưởng ngoại giao.

 

Jean-Louis Borloo: Bộ trưởng kinh tế, tài chính và việc làm.

 

Michele Alliot-Marie: Bộ trưởng nội vụ.

 

Rachida Dati: Bộ trưởng tư pháp.

 

Herve Morin: Bộ trưởng quốc phòng.

Việc bà được bổ nhiệm đã làm hài lòng những người nhập cư da đen và gốc Ảrập cùng những người con cháu lớn lên ở Pháp của họ. Trước đây, họ có thái độ không mấy thân thiện với ông Sarkozy, do ông có quan điểm cứng rắn đối với tội phạm và người nhập cư. Khi còn là Bộ trưởng nội vụ, ông đã làm nhiều người nổi giận, khi mô tả bọn tội phạm như là “cặn bã” của xã hội, cũng như những khu nghèo tội phạm của Pháp cần phải được “tẩy rửa”.

 

“Thông điệp đưa ra là: Nếu bạn là phụ nữ, hay có nguồn gốc Bắc Phi, hay đến từ một vị trí xã hội không được cao, bạn vẫn có thể thành công ở Pháp”, nhà phân tích chính trị nổi tiếng Dominique Moisi nhận xét.

 

Còn nhớ, mùa thu năm 2005, bạo loạn của thanh niên nhập cư đã nổ ra khắp nước Pháp, sau khi 2 thanh niên nhập cư bị điện giật khi họ đang ẩn trốn cảnh sát ở một trạm biến thế.

 

Cựu bộ trưởng quốc phòng Michele Alliot-Marie - một nhân vật trung thành của ông Sarkozy, đảm nhiệm cương vị bộ trưởng nội vụ. Đây là vị trí khá khó khăn do phải đối phó với tình trạng bất ổn xã hội tại các khu vực ngoại ô chủ yếu là dân di cư trong vài năm gần đây.

 

Cựu bộ trưởng thương mại Christine Lagarde trở thành Bộ trưởng nông nghiệp - người sẽ tham gia các cuộc đàm phán thương mại thế giới, đặc biệt là vấn đề trợ cấp nông sản EU đang gây tranh cãi.

 

4 bộ trưởng nữ khác là Bộ trưởng văn hoá Christine Albanel, Bộ trưởng y tế và thể thao Roselyne Bachelot, Bộ trưởng giáo dục đại học và nghiên cứu Valerie Pecresse, Bộ trưởng Christine Boutin phụ trách nhà ở.

 

VTH - PV

Theo AP