1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tân Thủ tướng Nhật và con đường chông gai phía trước

(Dân trí) - Chiều 25/9, tân Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Yasuo Fukuda đã chính thức <a href="http://www11.dantri.com.vn/Thegioi/2007/9/198428.vip">được chọn</a> làm Thủ tướng Nhật Bản. Ở cái tuổi 71, ông Fukuda đã trở thành thủ tướng cao tuổi nhất của Nhật Bản kể từ năm 1991 đến nay.

Chính sách “bồ câu”

 

Giới phân tích nhận định Nhật Bản sẽ chưa thể có những thay đổi lớn về chính sách sau khi ông Fukuda lên làm thủ tướng. Tuy nhiên, là người chủ trương tăng cường quan hệ với các nước láng giềng ở châu Á và duy trì ổn định trong nước, do vậy, có thể ông Fukuda sẽ có thái độ linh hoạt hơn với CHDCND Triều Tiên cũng như với Trung Quốc và Hàn Quốc, và điều này có thể sẽ ảnh hưởng tích cực đến tiến trình đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

 

Những tuyên bố của ông Fukuda trong cuộc vận động vào chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) vừa qua cho thấy "chính trị thông qua đối thoại" là nội dung then chốt của chính quyền mới ở Nhật Bản. Trong khi tuyên bố duy trì mối quan hệ đồng minh với Mỹ, ông Fukuda cũng công khai chủ trương đối thoại với Triều Tiên và cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc. Ông cũng tuyên bố không đi thăm đền Yasukuni, một hoạt động nhạy cảm đã làm quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh và Seoul xấu đi nghiêm trọng dưới thời cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi.

 

Là con trai cựu Thủ tướng Takeo Fukuda, người đã góp phần mang lại Hiệp định hòa bình và hữu nghị Nhật-Trung vào những năm 1970, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ tiếp nối học thuyết chính trị của cha mình khi ông khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng một cộng đồng Đông Á rộng lớn hơn và tăng cường quan hệ thân thiện với Trung Quốc và Hàn Quốc.

 

Thách thức

 

Theo các nhà phân tích, sự ra đi bất ngờ của cựu  Thủ tướng Shinzo Abe đã gây hậu quả rất lớn và rất nặng nề. Bất cứ nhân vật nào kế nhiệm ông Abe cũng phải đối mặt với một núi khó khăn không dễ gì giải quyết.

 

Ông Takeshi Sasaki, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Gakushuin cho biết hậu quả do chính quyền Abe để lại nặng nề đến nỗi Fukuda sẽ phải dành hầu hết thời gian cũng như sức lực để đưa đảng của ông thoát khỏi hố sâu hiện nay.

 

Nhiệm vụ hàng đầu của ông Fukuda lúc này là làm thế nào để đoàn kết được sức mạnh của LDP vốn bị chia rẽ mạnh sau thất bại trong cuộc bầu cử Thượng viện vừa qua. Việc ông Abe từ chức khiến các phe phái trong đảng vốn bị chèn ép trong 5 năm dưới thời cựu Thủ tướng Koizumi cầm quyền, nay có cơ hội nổi lên. Tuy Fukuda được đa số các phe phái trong đảng ủng hộ, nhưng quan hệ của ông với các phe phái chưa sâu sắc. Trong tương lai nếu lợi ích giữa các phe phái không được phân chia đồng đều, có thể khiến ông bị buộc phải từ chức.

 

Giáo sư chính trị Jiro Yamaguchi thuộc trường Đại học Hokkaido cho rằng "ông Fukuda được các nhà lập pháp của LDP lựa chọn vì ông được nhìn nhận là người ít có khả năng gây thêm sai lầm chính trị vào thời điểm khó khăn của LDP. Tuy nhiên, do chưa có sự chuẩn bị cho cương vị thủ tướng, nên ông Fukuda sẽ khó đề ra các chính sách mới mà chỉ có thể ngăn không để xảy ra thêm rắc rối cho LDP".

 

Một trong những thách thức trước mắt lớn nhất đối với ông Fukuda lúc này là đưa LDP vượt qua tình trạng bế tắc chính trị hiện nay với phe đối lập, đặc biệt trong vấn đề gia hạn sứ mệnh tiếp nhiên liệu của Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) ở Ấn Độ Dương nhằm hỗ trợ các chiến dịch chống khủng bố do Mỹ đứng đầu ở Afghanistan. Một vấn đề hết sức quan trọng có thể ảnh hưởng tới quan hệ đồng mình Nhật-Mỹ.

 

Đây sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn bởi phe đối lập có vẻ không hề muốn nhượng bộ. Ngay sau khi có kết quả bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, Tổng Thư ký đảng Dân chủ (DPJ) đối lập Hatoyama tuyên bố sự luân phiên nắm chính quyền trong nội bộ LDP không phải là ý nguyện của người dân Nhật Bản. Chủ trương của DPJ là tiếp tục gây áp lực, buộc LDP tiến hành bầu cử Hạ viện trước thời hạn. Theo ông Hatoyama, DPJ đang tính toán lợi dụng vấn đề gia hạn sứ mệnh của MSDF nhằm ép LDP tiến hành bầu cử Hạ viện sớm.

 

Ngoài ra, ông Fukuda còn phải đối mặt với khó khăn trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế và xã hội giữa thành thị và nông thôn cũng như giải quyết vấn đề lương hưu, hai nguyên nhân khiến LDP mất đi nhiều sự ủng hộ và khiến đảng này bị thua trong cuộc bầu cử Thượng viện vừa qua.

 

Giới phân tích dự báo, với khó khăn chồng chất như trên, ông Fukuda có thể sẽ buộc phải sớm kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm để tạo ra một hạ viện nhiều quyền lực hơn. Nhiều khả năng tổng tuyển cử sẽ diễn ra trước thời gian thông qua ngân sách năm tới vào tháng 3/2008. 

 

Kiến Văn