1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tân Đại sứ Mỹ “mê hoặc” cư dân mạng Trung Quốc

(Dân trí) - Tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke, chính trị gia Mỹ gốc Hoa đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí này, đã chiếm được tình cảm của đông đảo cư dân mạng Trung Quốc sau khi một bức ảnh đời thường của ông lan truyền như vi-rút trên internet.


Tân Đại sứ Mỹ “mê hoặc” cư dân mạng Trung Quốc - 1
Ông Locke bị bắt gặp đeo balô trong khi đang mua cà phê cùng con gái.

ZhaoHui Tang, một doanh nhân Mỹ gốc Trung Quốc ở Bellevue, Washington, đã tình cờ bắt gặp chính trị gia Mỹ tại sân bay Seattle khi ông đang trên đường tới Bắc Kinh để nhận nhiệm vụ mới. Khi bị “chụp trộm”, ông Locke đang mua cà phê tại tại tiệm ăn nhanh Starbucks, vai đeo ba lô và đứng cạnh ông là cô con gái nhỏ tuổi.

Ông Tang đã tải bức ảnh lên mạng xã hội của Trung Quốc Sina Weibo chỉ vì muốn “khoe” rằng ông tình cờ gặp vị đại sứ mới tại sân bay quốc tế Seattle-Tacoma.

Nhưng ông Tang không thể ngờ được rằng bức ảnh của ông đã biến chính trị gia Mỹ trở thành “thần tượng” của các cư dân mạng Trung Quốc, vốn không quen nhìn thấy hình ảnh giản dị, đời thường như vậy của các quan chức nước này.

Bức ảnh của ông Locke được các cư dân mạng Trung Quốc đăng tải lại hơn 40.000 lần và thu hút hàng nghìn bình luận.

“Đây là điều không tưởng ở Trung Quốc”, ông Tang nói. “Thậm chí với các quan chức cấp thấp, họ cũng không tự làm mọi việc. Phải có ai đó mua cà phê cho họ. Ai đó mang hành lý cho họ”.

Còn hãng tin Xinhua của Trung Quốc thì đặt cho ông Locke biệt danh “ông Tây ba lô”.
 
Tân Đại sứ Mỹ “mê hoặc” cư dân mạng Trung Quốc - 2
Gia đình ông Locke diện kiến trước báo giới Trung Quốc hôm 14/8.

Ông Locke, một người Mỹ gốc Hoa thế hệ thứ ba, từng là bộ trưởng thương mại trước khi được chỉ định làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Trước đó, ông Locke đã giữ chức thống đốc bang Washington ở miền đông nước Mỹ từ 1996-2004.

Ông Tang cho hay, ông Lock muốn sử dụng phiếu mua hàng để mua cà phê nhưng người bán hàng từ chối. Vị Đại sứ sau đó phải thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Ông Tang, giám đốc điều hành một công ty quảng cáo trên mạng có tên gọi “ad Sage”, khi đó đang bay từ Seattle tới thung lũng Silicon. Ông đã tự tiếp cận và giới thiệu mình với tân Đại sứ, và chúc ông hoàn thành tốt nhiệm vụ mới.

Sau khi đặt chân tới sân bay quốc tế Bắc Kinh, gia đình ông Locke đã tự mang hành lý của mình ra khỏi sân bay.

Khi nhận thấy rằng chiếc Cadillac sedan đang chờ ông bên ngoài sân bay chỉ có đủ ghế cho ông và vợ, ông Locke và gia đình đã thay vào đó sử dụng một chiếc xe khác bình thường hơn, được dùng cho các nhân viên trong đại sứ quán.

Đối với nhiều người Mỹ, những hình ảnh đó có thể là bình thường, nhưng với hầu hết người Trung Quốc thì không.

Người Trung Quốc có thể đặt câu hỏi vì sau một nhân vật giữ chức đại sứ của một cường quốc lại không có ai xách hành lý, không sử dụng xe limousine. Tại Trung Quốc, thậm chí người đứng đầu một thị trấn cũng có tài xế riêng và có trợ lý để xách hành lý.

“Tại sao không có ai mua cà phê giúp ông chủ?”, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đặt câu hỏi.

Một câu hỏi tương tự đã được đặt ra 20 tháng trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt chân tới sân bay quốc tế Pudong ở Thượng Hải. Ông Obama bước ra khỏi chuyên cơ Không lực Một, tay cầm một chiếc ô để che mưa.
 
Tân Đại sứ Mỹ “mê hoặc” cư dân mạng Trung Quốc - 3
Tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc trong vòng vây của báo giới.

Nhiều người Trung Quốc đã không tin đó là Obama vì họ nghĩ rằng ông một tổng thống Mỹ không tự cầm ô cho mình.

Đối với nhiều người Mỹ, hành động như vậy chứng tỏ nhà lãnh đạo của họ cũng chỉ là những người bình thường.

“Họ muốn bị xem như là một người quý tộc, có ai đó cầm ô hay xách hành lý giúp”, một người Mỹ nói.

Không giống người Mỹ, nhiều quan chức Trung Quốc và các lãnh đạo công ty, thích được gọi bằng chức danh hơn bằng tên. Các quan chức địa phương của Trung Quốc thường trông quyền lực hơn nhiều so với các đồng nghiệp Mỹ vì họ được tháp tùng bởi các cố vấn. Một số quan chức Mỹ nói họ không thể tiếp đón các quan chức Trung Quốc với các nghi thức giống như họ được từng tiếp đón tại Trung Quốc.

Có lẽ đã đến lúc các quan chức Trung Quốc cần học tập vị đại sứ giản dị Gary Locke, tờ China Daily viết.

Nhà báo Trung Quốc tại Seattle, Assunta Ng, cho rằng sự nổi tiếng của bức ảnh đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: “Cư dân mạng Trung Quốc đang nhắn nhủ các quan chức đất nước mình rằng làm ơn hãy học tập ông Locke. Hãy tiết kiệm. Lễ nghi đôi khi không quan trọng. Đây là mẫu nhà lãnh đạo mà chúng tôi muốn”.

An Bình
Theo Chinadaily, AP