1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và chặng đường chông gai phía trước

Vừa qua, ông Ashton Carter đã chính thức được phê chuẩn làm tân Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ, trở thành ông chủ thứ tư của Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama...

... Tiếp sau ba người tiền nhiệm Robert Gates, Leon Panetta và Chuck Hagel. Theo nhận định của giới phân tích, chiếc "ghế nóng" mà ông Carter đảm nhận quả thực sẽ không hề giảm nhiệt.

Tại sao là ông A.Carter?

... Tuy chưa từng phục vụ trong quân ngũ, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vẫn có hiểu biết sâu rộng về bộ máy hoạt động của Lầu Năm Góc, dày dặn kinh nghiệm về mua bán vũ khí cũng như quản lý ngân sách.
 
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Carter (Ảnh: AP)
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Carter (Ảnh: AP)

Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí hiện tại, ông A.Carter, 60 tuổi, từng giữ chức Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách an ninh quốc tế dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, là người phụ trách thu mua vũ khí trong giai đoạn 2009 - 2011 và là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong 2 năm sau đó. Trong thời gian làm việc tại Lầu Năm Góc, ông đã bốn lần được tặng thưởng huân chương cùng một huy chương của ngành tình báo.

Ông chủ mới của Lầu Năm Góc có bằng cử nhân về lịch sử trung đại và bằng cử nhân vật lý học ở Đại học Yale trước khi nhận bằng tiến sĩ vật lý lý thuyết của Đại học Oxford. Ông cũng từ là người đứng đầu Trung tâm Khoa học và Quan hệ Quốc tế tại trường John F.Kennedy thuộc Đại học Harvard, làm chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí An ninh Quốc tế. Ông cũng đảm nhiệm các vị trí cao tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Văn phòng Quốc hội về Thẩm định Công nghệ và Đại học Rockefeller.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest đã mô tả ông A.Carter là “rất có năng lực” trong các vị trí đảm nhiệm trước đây. “Điều này cho thấy, ông ấy đã đáp ứng nhiều tiêu chuẩn mà chúng ta cần. Ông ấy là người xứng đáng và nhận được sự ủng hộ không kể đảng phái nhờ vào những cống hiến trước kia của ông ấy cho chính phủ”, ông Earnest cho biết. Trong khi đó, tân Bộ trưởng Quốc phòng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của đảng Cộng hòa. “Tôi rất hài lòng về việc ông ấy trở thành Bộ trưởng Quốc phòng. Tôi không thể tưởng tượng được là lại có ai đó phản đối việc này”,Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Inhofe bày tỏ.

Là một người chú ý tới từng chi tiết trong công việc, ông A.Carte thu hút nhiều sự quan tâm của giới phân tích. “Ông ấy là một nhà kỹ trị và là một nhà điều hành giỏi”, Jane Harman, Chủ tịch Trung tâm Wilson nói với hãng tin AP. Tờ The Atlantic lại bình luận:  “Từng nắm giữ hai cương vị cấp cao ở Lầu Năm Góc, ông A. Carter nổi tiếng là một người tỉ mỉ khi làm việc”. Theo đánh giá của tờ Diplomat, ông A.Carter chính là Bộ trưởng Quốc phòng mà Nhà Trắng đang tìm kiếm. Sức ảnh hưởng đối với cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của ông A.Carter đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Nhà Trắng đi đến một thỏa thuận với đảng Cộng hòa về việc tăng chi tiêu quốc phòng cần thiết và giành được sự tin tưởng về các vấn đề an ninh quốc gia quan trọng.

Chặng đường không trải đầy hoa hồng

Nhiều chuyên gia phân tích chính trị cho rằng, ông A.Carter  sẽ phải đối mặt với không ít thách thức khi nắm vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong bối cảnh hiện nay, trong đó có nỗ lực chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), mối quan hệ với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ucraina cũng như các yêu cầu tăng chi tiêu cho quốc phòng.

Trong một bài phân tích, học giả Melissa Dalton thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, ông chủ mới của Lầu Năm Góc sẽ “kế thừa” một số thách thức ở Trung Đông, đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Thứ nhất, mặc dù các cuộc đàm phán hạt nhân giữa nhóm P5+1 và I-ran đã đạt được tiến bộ đáng kể, song một thỏa thuận vẫn còn rất khó khăn.

Thứ hai, hoạt động của Mỹ chống lại IS, Al Qaeda ở bán đảo Arập và các nhóm khủng bố khác được báo cáo sẽ làm hạn chế sự phát triển trong ngắn hạn của các lực lượng này, song chúng liên tục tìm kiếm mảnh đất màu mỡ ở các khu vực không được kiểm soát.

Thứ ba, sau các cuộc nổi dậy, thế giới Arập đã rơi vào một thời kỳ bạo lực với các cuộc nội chiến đang nhấn chìm Syria và Lybia. Tất cả những điều này tạo mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cực đoan, bè phái và quân sự hóa.

Thứ tư, các khoản đầu tư của Mỹ vào việc tăng cường năng lực quân sự cho các quốc gia vùng Vịnh đã "đơm hoa kết trái" khi các nước này hợp tác trong vấn đề hạt nhân của Iran và chống IS. Tuy nhiên, mục tiêu an ninh và các quan điểm về vấn đề nhân quyền của các quốc gia vùng Vịnh có thể không phải lúc nào cũng phù hợp với mục đích và tiêu chuẩn của Mỹ.

Tại cuộc điều trần gần đây, ông Carter  khẳng định quan điểm quyết tâm tăng ngân sách quốc phòng, đầu tư cho vũ khí mới và đẩy nhanh quá trình trang bị cho binh sĩ. Liên quan đến cuộc chiến đối phó với IS, ông Carter tuyên bố, không chỉ đánh bại mà cần phải có kế hoạch lâu dài để tiêu diệt hoàn toàn nhóm phiến quân này.  Ông Carter cũng nhấn mạnh đến những ưu tiên trong việc giải quyết quan hệ với Nga: “Cộng đồng quốc tế nên tập trung vào nỗ lực gây sức ép với Nga về kinh tế và chính trị. Cần có sự đoàn kết của châu Âu và NATO trong việc thực hiện gây sức ép này với Nga”.

Một thách thức khác không thể bỏ qua đó chính là sự “va chạm” giữa Lầu Năm Góc với Nhà Trắng. Những “ngài cố vấn” trong Nhà Trắng luôn muốn nắm quyền kiểm soát các vấn đề an ninh quốc gia, và những người tiền nhiệm của ông Cartẻ được cho là thường xuyên bị gạt ra ngoài các quyết định quan trọng khiến họ phải “rũ áo” ra đi.
 
... Hai người tiền nhiệm của ông là Robert Gates, Leon Panetta đều từng chỉ trích Nhà Trắng đã can thiệp quá sâu vào công việc của Bộ Quốc phòng.
 
AFP dẫn lời Giáo sư Stephen Biddle thuộc Ðại học George Washington nhận định: ông Carter là người có tư duy độc lập cao, do đó sẽ  “muốn làm một kiến trúc sư chứ không phải là làm thợ mộc”.
 
Tuy nhiên, tân Bộ trưởng Carter được bình luận là sẽ không có nhiều cơ hội tạo ra dấu ấn tại Lầu Năm Góc bởi ông chỉ có chưa đầy 2 năm để thể hiện mình trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
 
Theo Hoàng Vũ
Quân đội Nhân dân