1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tam giác Nga, Iran, Trung Quốc thách thức NATO

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi sự đoàn kết của các thành viên NATO nhằm chống lại các thách thức từ bên ngoài.

Tam giác Nga, Iran, Trung Quốc thách thức NATO - 1

Ngoại trưởng các nước thành viên NATO tham gia hội nghị ngày 4-4-2019. Ảnh: AP

Trong ngày kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 4-4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết để giải quyết các thách thức từ Nga, Iran và Trung Quốc (TQ), các nước thành viên cần tăng cường chi tiêu quốc phòng và an ninh, theo báo Telegraph.

Nga: Đối thủ láng giềng của NATO

Mục đích thành lập của NATO giai đoạn Chiến tranh lạnh là để ngăn chặn sự phát triển ảnh hưởng của khối Liên Xô, vốn khi đó đang trên đà phát triển rất mạnh ở châu Âu. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, quan hệ giữa NATO và Nga cũng được thành lập vào năm 1991. Tuy nhiên, mối quan hệ trở nên xấu đi sau khi liên minh này cho rằng Nga đã can thiệp và gây ra khủng hoảng ở Ukraine từ năm 2014.

Mới đây, hãng tin AP đưa tin các bộ trưởng ngoại giao NATO đã phê chuẩn một loạt biện pháp nhằm chống lại Nga ở khu vực biển Đen. NATO cũng đồng thời thúc đẩy hai thành viên tiềm năng là Georgia và Ukraine tăng cường hợp tác và tuần tra hàng hải. Các bộ trưởng còn nhắc lại lời kêu gọi Nga thả các thủy thủ và tàu Ukraine bị bắt năm ngoái ở khu vực biển Azov giữa Nga - bán đảo Crimea. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào tháng 8 năm nay nếu Nga tiếp tục phá vỡ thỏa thuận của hiệp ước.

Trong lúc tranh chấp sâu sắc giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch mua hệ thống phòng không của Nga, Mỹ đã yêu cầu các đồng minh, đặc biệt là Đức, phải tăng cường chi tiêu quốc phòng. Theo báo cáo thường niên của NATO được đăng tải vào tháng 3 năm nay, chỉ có bảy trong 29 quốc gia NATO đạt được mục tiêu chi tiêu khuyến nghị là 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Về phía Nga, nước này cáo buộc NATO đang tăng cường thành phần hạt nhân trong các cuộc tập trận quân sự, hãng tin TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết. Theo ông Grushko, máy bay ném bom B-52 của không quân Mỹ đã thực hiện các chuyến bay qua biển Baltic, khu vực nhạy cảm với lợi ích an ninh của Nga. Ông Grushko nhấn mạnh số lượng các cuộc tập trận liên quan đến vũ khí hạt nhân của NATO đang gia tăng.

Nguy cơ hạt nhân từ nước Hồi giáo Iran

Thành viên của NATO là Mỹ, các tổ chức quốc tế khác như Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hiệp Quốc đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên Iran sau khi nước này không tuân thủ các nghĩa vụ đối với chương trình hạt nhân. Mỹ dẫn đầu các nỗ lực quốc tế nhằm cô lập tài chính Tehran và làm suy yếu ngành xuất khẩu dầu mỏ Iran.

Nhóm sáu cường quốc thế giới P5+1 và Iran đã ký một thỏa thuận tạm thời gọi là kế hoạch hành động chung (JPA) vào năm 2013. Thỏa thuận nhằm gỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt và giúp Iran tiếp cận với 4,2 tỉ USD tài sản bị đóng băng trước đó để đổi lấy việc giảm làm giàu uranium và cho phép các thanh tra quốc tế truy cập các trang web nhạy cảm của nước này.

Bộ Tài chính Mỹ lưu ý rằng sẽ không đưa ra các biện pháp cứu trợ nào khác. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt hạt nhân đối với Iran sẽ được tiếp tục áp đặt cho đến khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác thực Iran tuân thủ các nguyên tắc của thỏa thuận bảo vệ IAEA, theo trang Council on Foreign Relations.

TQ: Thách thức mới từ phương Đông

Theo tờ The Wall Street Journal, NATO bắt đầu chú ý vào các mối đe dọa an ninh tiềm tàng từ TQ, đặc biệt khi căng thẳng leo thang giữa chính quyền Bắc Kinh với một số nước thành viên liên minh này. Các bộ trưởng NATO đã tổ chức một cuộc thảo luận đầu tiên về thách thức từ TQ, từ các cạnh tranh chiến lược đến những cuộc di cư không kiểm soát, hay nguy cơ từ các tập đoàn công nghệ TQ và thế hệ mạng di động thứ năm (5G).

“TQ là chủ đề của thế kỷ 21 ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Cường quốc kinh tế thứ hai là một thách thức trong hầu hết mọi chủ đề. Vì thế rất quan trọng để hiểu rõ hơn về các động thái của NATO xoay quanh vấn đề này” - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu tại Washington (Mỹ).

Chúng ta đã tìm kiếm hòa bình một cách đúng đắn thông qua sức mạnh của NATO. Chúng ta phải tiếp tục điều này, đặc biệt trong kỷ nguyên cạnh tranh của các cường quốc Nga, TQ và nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Ngoại trưởng Mỹ MIKE POMPEO

Mỹ liên tục cảnh báo về các khoản đầu tư của TQ vào cơ sở hạ tầng ở châu Âu và đang thúc đẩy các nước đồng minh loại trừ tập đoàn công nghệ Huawei với lý do an ninh. Các quan chức NATO cũng cho biết họ lo lắng về sự an toàn của hệ thống thông tin liên lạc trong quân đội.

Tuy nhiên, để đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn nguy cơ tiềm tàng từ TQ vẫn còn là một vấn đề nan giải. Bởi vì phần lớn các nước châu Âu, kể cả Mỹ, đều có quan hệ thương mại sâu rộng với TQ, theo trang Politico. Đối với các nước EU nói chung, giá trị thương mại với TQ được xếp thứ hai, ngay sau Mỹ. TQ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đức và cũng đã đưa ra nhiều chiến lược cho các khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng của Hy Lạp, Hungary và Ý.

“TQ trở thành một đối tác thương mại ngày càng quan trọng đối với tất cả nước đồng minh. Chúng tôi cần tìm những giải pháp để cân bằng mối quan hệ với cường quốc kinh tế này mà không tạo ra các vấn đề phức tạp” - Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.

Phiên bản NATO 4.0 sẽ ra sao?

Trên tờ South China Morning Post, ông James Stavridis, cựu chỉ huy đồng minh tối cao cho NATO, cho biết hiện tại NATO đang ở phiên bản NATO 3.0. Theo ông Stavridis, nếu nghĩ về NATO như một chương trình máy tính thì NATO 1.0 là cuộc chiến tranh lạnh khi hai cỗ máy chiến tranh khổng lồ là Mỹ và Liên Xô đối mặt với nhau ở châu Âu. NATO 2.0 đã mở rộng và phản ánh các hoạt động chống khủng bố sau ngày 9-11-2001 ở các quốc gia Afghanistan, Iraq và Libya. Bây giờ chúng ta đang ở thời kỳ NATO 3.0, nơi sức mạnh tập trung vào châu Âu và các thách thức từ Nga lên các quốc gia Moldova, Georgia và trên hết là Ukraine. NATO 4.0 trong 10 năm tới sẽ tiếp tục đối trọng với Nga, tham gia tích cực hơn vào các hoạt động ở biên giới của liên minh ở vùng Bắc Cực, phát triển mạnh mẽ hơn về an ninh mạng, đồng thời tiếp tục giải quyết nạn di cư bất hợp pháp và hoạt động chống các nhóm khủng bố phía Nam. 

Theo Hà Minh Thu

Pháp luật TP.HCM

(*) Hà Minh Thu là nhà báo đang làm việc tại đài truyền hình địa phương ở nước Cộng hòa Moldova, châu Âu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm