1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ ra tối hậu thư cho Thổ Nhĩ Kỳ: Ở lại NATO hoặc mua S-400 của Nga

(Dân trí) - Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã cảnh báo về vai trò tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ trong khối liên minh quân sự NATO, đề nghị Ankara chọn giữa việc tiếp tục là thành viên của khối hoặc đưa ra những “quyết định liều lĩnh” như kiên quyết mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Mỹ ra tối hậu thư cho Thổ Nhĩ Kỳ: Ở lại NATO hoặc mua S-400 của Nga - 1

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (Ảnh: Flickr)

“Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn. Họ muốn tiếp tục là một đối tác quan trọng trong liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử hay họ muốn an ninh của các đối tác NATO bị gặp rủi ro vì đưa ra những quyết định liều lĩnh?”, ông Pence viết trên mạng xã hội Twitter ngày 3/4, sau khi đưa ra phát biểu tương tự tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington.

Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện sự kiên quyết trong việc mua hệ thống phòng thủ của Nga mặc dù liên tục nhận được cảnh báo từ Mỹ. Ngay cả sau khi Lầu Năm Góc dừng bàn giao các máy bay chiến đấu F-35 và thiết bị liên quan cho Ankara, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO rằng thỏa thuận đã hoàn tất.

Ông Cavusoglu và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng có kế hoạch gặp riêng bên lề hội nghị để thảo luận về vấn đề liên quan tới F-35.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay việc họ vận hành cả 2 hệ thống vũ khí cùng lúc sẽ “không phải là mối đe dọa” tới F-35 hay hệ thống vũ khí NATO. Trong khi đó, các nghị sĩ Washington và quan chức quân sự liên tục cảnh báo rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai S-400 sẽ cho phép hệ thống của Nga nắm được thông tin nhạy cảm của F-35 và có thể “bắt bài” máy bay này trong tương lai.

Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến nhận lô S-400 đầu tiên vào tháng 7. Mỹ cho đến nay chưa thành công trong việc thuyết phục đồng minh NATO nói không với vũ khí Nga và chọn hệ thống Patriot của hãng Raytheon.

Ankara cũng đang đóng vai trò là một đối tác trong chương trình sản xuất máy bay chiến đấu trị giá nghìn tỷ USD. Nếu 2 bên không thể tìm ra được tiếng nói chung và Thổ Nhĩ Kỳ bị gạt ra khỏi chương trình, Mỹ sẽ cần phải tìm kiếm nhà cung cấp mới cho các bộ phận mà Ankara chịu trách nhiệm sản xuất như thân máy bay, càng hạ cánh, màn hình buồng lái.

Đức Hoàng

Theo RT