1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Taliban đang thắng thế nhờ vụ con tin Hàn Quốc

(Dân trí) - Chiến binh Hồi giáo Taliban đã làm được một điều được cho là phi thường với kịch bản bắt cóc con tin ở Afghanistan, kịch bản mà chúng hi vọng sẽ đẩy được người nước ngoài ra khỏi Afghanistan và làm chính người dân ở đây thấy được sức mạnh của chúng.

Trong vụ bắt cóc mới và lớn nhất hồi giữa tháng bảy, các chiến binh đã bắt giữ 23 công dân Hàn Quốc. Chỉ trong vòng vài ngày sau đó, chúng đã đưa ra được đoạn băng video chiếu hình ảnh và đoạn ghi âm phỏng vấn các con tin, gây được sự chú ý của báo chí trên khắp thế giới và tạo ra được một “bệ chắc chắn” cho Taliban thúc đẩy chương trình “nghị sự” của chúng.

 

Ngay sau đó, hai lãnh đạo cấp cao của Taliban đã được chính phủ của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đảm bảo an toàn trong cuộc gặp mặt trực tiếp với các quan chức Hàn Quốc. Chính nhờ thế mà Taliban còn có cả một cuộc họp báo trên phố, chỉ cách trụ sở tình báo của Afghanistan có vài trăm mét.

 

“Việc Taliban được đảm bảo an toàn là một một đòn giáng mạnh đối với lực lượng do Mỹ dẫn đầu và có thể cho thấy sẽ có nhiều vụ bắt cóc tương tự”, Moorhous, thuộc công ty Dynamiq Pty Ltd., công ty tư vấn an ninh ở Australia cho biết. “Thành công mà cuộc bắt cóc này đem lại, xét về mặt chính trị, còn vượt xa cả mong đợi của Taliban”.

 

Chiến binh Taliban đã áp dụng một phương pháp tiếp cận có tính toán đối với các con tin Hàn Quốc. Mới đầu, chúng cho thấy bàn tay cứng rắn của chúng bằng cách giết chết ngay hai con tin nam, rồi sau đó chúng sử dụng chiêu ôn hòa hơn, bằng cách tiến hành đàm phán với các quan chức Hàn Quốc và thả hai nữ con tin vào hôm thứ hai vừa qua.

 

Những hình ảnh đầu tiên về các con tin Hàn Quốc xuất hiện sau 11 ngày họ bị bắt giữ. Đài truyền hình Al-Jazeera đã chiếu những hình ảnh khá rung về 7 con tin trong bộ quần áo Hồi giáo, lần mò trong bóng tối, nhắm mắt lại hoặc nhìn chằm chằm xuống dưới đất.

 

Chiêu thức này không còn mới. Hồi tháng tư Taliban cũng tung ra một đoạn băng video về hai tình nguyện viên người Pháp bị bắt cóc ở tây nam Afghanistan. Cả hai sau đó đã được thả, một phần là do tân Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy cho biết sẽ rút quân khỏi Afghanistan.

 

Taliban còn cho phép cả một phóng viên BBC phỏng vấn một con tin Hàn Quốc. Người phụ nữ này qua điện thoại đã cầu cứu sự giúp đỡ, và nói rằng họ đang bị ốm. Theo Moorhouse, báo chí đã đặt “áp lực rất lớn cho chính phủ Hàn Quốc. Họ có nhiệm vụ phải giải cứu những người bị bắt cóc, nhưng cũng cần phải mạnh mẽ trong cuộc chiến chống khủng bố”.

 

Các cuộc phỏng vấn cũng là một phần trong chiến dịch của Taliban. Trong vài tuần gần đây, nhóm này đã cho các nhà báo cơ hội nói chuyện với những con tin nước ngoài khác, với hi vọng tăng thêm áp lực cho chính phủ Afghanistan và Mỹ, để yêu sách đòi thả tù nhân của chúng được đáp ứng.

 

Một điều dễ thấy là phát ngôn của các con tin bị những kẻ bắt giữ kiểm soát. Chính vì vậy nhiều tổ chức báo chí đã rất cẩn thận, tránh không bị trở thành “đài phát thanh” cho bọn bắt cóc.

 

Ví dụ hãng thông tấn AP cảnh báo các phóng viên không để bị dùng như một “cáp điện tuyên truyền”, hay không được trả tiền để tiếp cận với các con tin. AP cũng tránh đưa tin có thể đặt các con tin vào nguy hiểm. Còn BBC yêu cầu phóng viên “xem xét cẩn thận những khía cạnh đạo đức, tránh tạo bệ đỡ cho những kẻ bắt cóc”. Hãng thông tấn này cũng không cho phép đưa trực tiếp các buổi phỏng vấn những kẻ bắt cóc, hay phát nguyên những đoạn băng ghi âm cũng như ghi hình gốc do những kẻ bắt cóc cung cấp. Còn The Los Angeles Times, cơ quan có 20 chi nhánh ở nước ngoài, không trả tiền cho các cuộc phỏng vấn.

 

Seth Jones, chuyên gia về quân nổi dậy của cơ quan phân tích RAND Corp. cho rằng Taliban muốn gửi thông điệp tới hai đối tượng độc giả khác nhau qua chiêu bắt cóc con tin. Thứ nhất, Taliban muốn chứng minh cho người Afghanistan thấy “lời hứa” của chúng là “chiến đấu với lực lượng quốc tế ở Afghanistan và thiết lập một nhà nước Hồi giáo chính thống”. Thứ hai, là nhằm làm suy yếu chương trình phát triển kinh tế do quốc tế hỗ trợ. Taliban đang cố gắng buộc chính phủ và các tổ chức nước ngoài phải chán ngán mà rời bỏ Afghanistan bằng các cuộc tấn công vào các nhân viên cứu trợ, các dự án tái thiết.

 

Chính phủ Mỹ có một chính sách cứng rắn là quyết không đàm phán với những kẻ khủng bố, trong đó có Taliban. Thế nhưng những nước khác lại đóng góp vào cho “két bạc” và thậm chí còn trao đổi tù nhân với chúng.

 

Bằng chứng là tháng ba vừa qua, chính phủ Italia và Afghanistan đã bị lên án kịch liệt khi thả 5 tù nhân Taliban để đổi lấy một nhà báo Italia. Và người đứng đầu cơ quan cứu trợ khẩn cấp Italia còn cho biết năm ngoái Rome đã trả 2 triệu USD tiền chuộc cho một phóng viên ảnh Italia bị bắt cóc.

 

“Thực tế cho thấy người Hàn Quốc sẵn sàng đàm phán với chúng, và đây là một thắng lợi lớn của Taliban”, Mustafa Alani, giám đốc Trung tâm nghiên cứu vùng Vịnh ở Dubai cho biết.

 

Cuộc đàm phán ở Ghazni cũng củng cố thêm hình ảnh của Taliban. Đối với người dân Ghazni, họ được chứng kiến hai thủ lĩnh Taliban nói chuyện một cách công khai với các phóng viên trên đường phố. Như vậy, rõ ràng là Taliban đang thể hiện sức mạnh của chúng. “Họ đã có một cuộc họp báo ngay trước cổng tổ chức Lưỡi liềm đỏ, và điều đó cho thấy chúng mạnh mẽ như thế nào”, Mohammad Agha, chủ một cửa hàng đồ điện nhận xét. “Cảnh sát ngạc nhiên đứng nhìn, cơ quan tình báo cũng ngạc nhiên đứng nhìn”.

 

Nguyên Hạ

Theo Washington Post, AP