Syria và Trung Đông trong chính sách đối ngoại của Nga
Việc đóng một vai trò quan trọng trong giải quyết xung đột ở Syria khiến vị thế của Nga ngày càng tăng trên trường quốc tế và khu vực Trung Đông.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria vào năm ngoái, đã có rất nhiều các cuộc tranh cãi về mục đích thực sự của Nga ở khu vực. Rất nhiều quan điểm cho rằng, sự can thiệp quân sự của Nga chỉ là một chiến thuật nhằm lôi kéo sự chú ý của dư luận khỏi tình hình Ukraine bằng cách ủng hộ chính thể của ông Assad và chiến đấu chống IS.
Bằng cách trả lời các câu hỏi dưới đây, chúng ta có thể hiểu một phần nào đó vai trò hiện nay của Nga tại Syria, cũng như chiến lược rộng lớn hơn của Nga tại Trung Đông.
Tại sao Nga lại “chống lưng” cho Tổng thống Syria al-Assad?
Sẽ là sai lầm nếu cho rằng, Nga đang ủng hộ cá nhân Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Với Nga, việc ông Assad ở lại hay ra đi là vấn đề nội bộ của Syria. Điều mà Moscow mong muốn là đất nước này có một chính phủ ổn định và quân đội có thể duy trì trật tự cũng như chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Điện Kremlin rất lo ngại về tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ ở Syria và quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá này có thể trở thành trung tâm khủng bố mới không khác gì Afghanistan và Somalia. Từ Syria, những kẻ khủng bố có thể qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ để thâm nhập vào vùng Caucasus của Nga và gây bất ổn cho khu vực này.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu, Moscow dường như có một động lực mới để tham gia tích cực hơn vào cuộc nội chiến ở Syria. Việc khởi động cuộc chiến chống IS cũng như đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc giải quyết xung đột ở Syria đã khiến vị thế của Nga gia tăng trên trường quốc tế cũng như trong khu vực, đồng thời giúp nước này có ưu thế hơn trong đàm phán về các vấn đề khác với phương Tây như việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt chống Nga vì việc sáp nhập Crimea.
Tại sao Nga không điều quân đến Syria ngoài lực lượng không quân và phòng không?
Có một lý do để giải thích cho điều này là hoạt động quân sự trên bộ sẽ rất tốn kém và có thể dẫn đến những thiệt hại đáng kể trong khi tham chiến. Hoạt động quân sự của Mỹ tại Iraq là một ví dụ sinh động khi Mỹ phải mất nhiều năm và triển khai hàng trăm ngàn binh sĩ để tạo ra vẻ ổn định tại nước này.
Hơn thế, ở thời điểm hiện tại, Nga không cho rằng xung đột ở Syria là trận chiến của họ và không sẵn sàng hy sinh bản thân vì cuộc chiến này.
Điện Kremlin rõ ràng không muốn lặp lại sai lầm của các nhà lãnh đạo Liên Xô trước đây vì bị lôi kéo vào cuộc chiến ở Afghanistan hay như Mỹ "sa lầy" trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Ngay sau khi triển khai lực lượng không quân tiến hành không kích chống IS tại Syria, Moscow đã lên tiếng giải thích với người dân nước này rằng đây “không phải là một Afghanistan” nữa.
Bên cạnh đó, có một số lý do khách quan khiến Nga không tiến hành chiến dịch quân sự trên bộ lớn ở Syria, trong đó có một lý do chính là Nga hiện không có năng lực hậu cần để cung cấp đầy đủ cho hoạt động quân sự lớn tại khu vực này.
Nga sẽ ở lại Syria trong bao lâu?
Theo các quan chức, không quân Nga sẽ tiếp tục hiện diện tại Syria cho đến khi mối đe dọa từ IS biến mất. Trên thực tế, tuyên bố như vậy có thể được hiểu rằng, quân đội Nga sẽ ở lại đây cho đến khi quân đội của chính quyền Syria chiến thắng. Theo một kịch bản tốt nhất, điều này có thể kéo dài trong khoảng 2 năm.
Tuy nhiên, những chiếc máy bay Nga sẽ không ở lại căn cứ không quân Khmeimin mãi mãi. Nga được cho là không có lợi ích chính trị lâu dài ở Syria để biện minh cho những chi phí nhằm duy trì một lực lượng không quân lớn tại đây.
Kịch bản có thể xảy ra giống như những năm 80 của thế kỷ trước khi vào năm 1982 giữa lúc diễn ra cuộc chiến ở Libya, Liên Xô đã điều máy bay và hệ thống phòng không để hỗ trợ cho chế độ của Tổng thống Hafez al-Assad (cha của Tổng thống Syria Bashar al-Assad) và thu hồi chúng hai năm sau khi tình hình trong khu vực đã ổn định.
Nga có lợi ích kinh tế nào tại Syria hay không?
Nền kinh tế Syria được cho là có truyền thống hướng tới các mục tiêu ở châu Âu cũng như các nước trong khu vực. Đây là lý do tại sao Syria không phải là một trong những đối tác thương mại chính của Nga. Năm 2008, kim ngạch thương mại song phương giữa Nga và Syria chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD, trong khi kim ngạch thương mại giữa Nga và nước láng giếng của Syria là Thổ Nhĩ Kỳ đạt tới 33,8 tỷ USD.
Các công ty của Nga quan tâm đến việc xây dựng đường ống dẫn dầu tại Syria cũng như phát triển hoạt động khai thác dầu và khí đốt tự nhiên tại quốc gia này. Tuy nhiên số lượng hợp đồng là khá nhỏ.
Năm 2005, Nga đã xóa 73% trong tổng số 13,4 tỷ USD mà Syria nợ Nga nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và kinh tế (các chuyên gia ước tính rằng một nửa trong tổng số nợ của Syria là của Nga).
Phần còn lại của số nợ này (khoảng 3,618 tỷ USD) được thanh toán thành nhiều đợt, theo đó Syria trả nợ Nga 1,5 tỷ USD trong suốt 10 năm qua. Số còn lại được thanh toán dưới hình thức các khoản đầu tư và các dự án liên doanh.
Sau năm 2005, Nga đã cung cấp cho Syria một số hệ thống tên lửa phòng không như hệ thống phòng không tầm ngắn Strelets và hệ thống phòng không tầm trung BUK, ngoài ra còn có các hệ thống phòng thủ bờ biển hiện đại trang bị tên lửa chống hạm Yakhont. Tuy nhiên, để duy trì quan hệ tốt với Israel, Nga đã từ chối bán hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300 cho Syria.
Liệu Nga có cần Syria như một nền tảng để quay trở lại Trung Đông?
Syria được cho là có một số ảnh hưởng trong thời kỳ Chiến tranh lạnh khi Hải quân Liên Xô cần “để mắt” canh chừng Hạm đội 6 của Mỹ từ một vị trí trong vùng Địa Trung Hải. Vào thời kỳ đó, hải quân Liên Xô cần một bến cảng an toàn và một cơ sở cung cấp hậu cần.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Nga được cho là không còn quan tâm đến căn cứ tại Syria. Về hình thức, Nga vẫn kiểm soát một căn cứ tại cảng Tartus, tuy nhiên nó hầu như không được sử dụng.
Nga được cho là cũng không có ý định quay trở lại Trung Đông một cách vẻ vang như thời năm 50 - 60 của thế kỷ trước khi nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev còn tại vị. Hiện Nga không còn là một cường quốc trên thế giới mà chỉ là trong khu vực và chỉ quan tâm đến lợi ích từ các nước láng giềng. Nga quan tâm rất nhiều đến các nước thuộc không gian hậu Xô Viết.
Mục tiêu chiến lược trong chính sách Trung Đông của Nga là gì?
Nga tỏ ra lo ngại về sự bất ổn ở Trung Đông kể từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến Iraq. Tuy nhiên sau đó hy vọng tình hình sẽ được cải thiện khi Mỹ sẵn sàng gửi quân sang Iraq và đầu tư xây dựng lại đất nước này.
Mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng xấu khi cuộc cách mạng có tên "Mùa Xuân Arab" diễn ra. Theo Kremlin, Mỹ và các đồng minh của nước này tại khu vực đã hành động vô trách nhiệm trong việc lật đổ một loạt chế độ, để lại sự hỗn loạn tại khu vực này. Đối với Moscow, điều "đen đủi" nhất chính là việc Tổng thống Libya Gaddafi bị lật đổ kéo theo việc mất đi hàng loạt những hợp đồng quân sự và dân sự béo bở.
Chính vì vậy, chính phủ Nga muốn Trung Đông ổn định, loại bỏ các mối đe dọa khủng bố và tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty của mình làm ăn tại khu vực này. Thực tế, các công ty dầu mỏ của Nga, các công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp và quốc phòng đã bày tỏ sự quan tâm của họ đối với khu vực Trung Đông.
Trong bối cảnh các mối quan hệ với phương Tây xấu đi, Kremlin muốn có một sự đảm bảo rằng, các quốc gia Trung Đông sẽ không tham gia vào các lệnh trừng phạt chống Nga và họ tiếp tục duy trì mối quan hệ thân thiện với Nga trong thời gian tới./.
Theo Nguyễn Hùng/VOV.VN (Lược dịch từ RD)