Sỹ tử Trung Quốc “quyết đấu” vào trường danh tiếng
(Dân trí) - Những buổi luyện thi kéo dài 14 tiếng đã qua, nhưng lo lắng vẫn còn đó với Tong Dan khi cô bé cố “nhồi nhét” thêm chút kiến thức trong vài phút cuối nghỉ ăn trưa trước khi bước tiếp vào kỳ thi quan trọng nhất đối với hàng triệu sỹ tử Trung Quốc.
Hình ảnh thường thấy trước kỳ thi vào đại học đối với các sỹ tử Trung Quốc.
Mỗi năm khoảng 10 triệu học sinh tốt nghiệp trung học khắp Trung Quốc “chen chân” tham gia vào kỳ thi đại học, kỳ thi duy nhất quyết định xem họ có thể học đại học hay không. Dự kiến khoảng 68% sỹ tử tham gia kỳ thi năm nay, kỳ thi kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ hôm qua, sẽ đỗ. Còn hầu hết những em không đỗ cũng có nghĩa là phải chấp nhận tìm kiếm một công việc lao động chân tay vất vả, lương thấp trong tương lai.
Song ngay cả một tấm bằng đại học hiện cũng không còn đảm bảo cho các sinh viên ra trường một công việc tốt nữa, do tính cạnh tranh ngày càng trở nên khắc nghiệt ở Trung Quốc. Với khoảng 700.000 sinh viên ra trường vào năm ngoái vẫn thất nghiệp, áp lực đối với cô bé 17 tuổi như Tong lại càng tăng thêm, khiến cô bé càng phải quyết tâm làm bài tốt để có thể giành được một suất tại một trường đại học danh tiếng của đất nước.
Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã rót hàng tỷ đô la vào kế hoạch mở rộng đại học khổng lồ của mình. Điều này có nghĩa là số học sinh tốt nghiệp đại học sẽ tăng vọt, lên con số kỷ lục 6,3 triệu vào năm nay. Trong khi đó, con số này vào năm 1998 mới là 1 triệu. Kế hoạch mở rộng cũng khiến khiến khoảng cách về chất lượng giáo dục ở các trường đại học ngày càng lớn, đặc biệt là giữa những trường đại học tại các tỉnh nghèo hơn với những trường nằm trong top đầu.
“Các sỹ tử chỉ muốn vào trường danh tiếng bởi chúng nghĩ tốt nghiệp từ những trường đó có nhiều cơ hội kiếm việc làm hơn. Nhưng không gian của các trường này chỉ có giới hạn trong khi hầu hết các trường đại học khác không có sự chuẩn bị tốt cho học sinh khi bước ra cuộc sống làm việc”, Zhang Juwei, phó giám đốc Viện Dân số và Kinh tế lao động tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho hay.
Điều này khiến các sỹ tử phải “quyết đấu” trong kỳ thi vào đại học, với những buổi tối học thêm triền miên nhiều tháng trước khi thi.
“Cháu muốn vào Học viên khiêu vũ Bắc Kinh, để có thể trở thành giáo viên sau khi tốt nghiệp”, Tong, đến từ vùng nông thôn ở tỉnh Sơn Tây cho biết.
Các ông bố bà mẹ lo lắng đứng ngoài trường thi.
“Hi vọng kết quả thi của con bé tốt, không phản án sự lo lắng của nó”, Guo cho biết, nhưng trông bà còn lo lắng hơn cả đứa con của mình.
Năm nay lần đầu tiên kể từ năm 2007, số lượng thí sinh tham gia kỳ thi vào đại học ở mức dưới 10 triệu, giảm 650.000 em so với năm ngoái. Theo Bộ giáo dục năm nay là năm giảm thứ hai liên tiếp. Đỉnh điểm vào năm 2008, số lượng thí sinh tham gia thi tăng lên 10,53 triệu. Theo phó giám đốc phòng sinh viên đại học của Bộ giáo dục Trung Quốc, tình trạng giảm này là do số học sinh trung học giảm khi Trung Quốc áp dụng chính sách dân số một con.
Ngoài ra, những lo lắng về thị trường việc làm cũng như tính cạnh tranh cao ở các trường hàng đầu đã khiến nhiều sinh viên, đặc biệt là những em có điều kiện tài chính, ra nước ngoài theo học. Năm 2009, 27% học sinh Trung Quốc, tức khoảng 229.000 em, chọn ra nước ngoài theo học, tờ China Daily cho hay.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã nhận thức được áp lực của các sỹ tử. Bộ giáo dục Trung Quốc đầu năm nay đã công bố kế hoạch cho học sinh tham gia kỳ thi theo môn chuyên ngành và đưa các tiêu chí khác ngoài điểm kiểm tra, như kinh nghiệm lãnh đạo, kinh nghiệm tình nguyện, để quyết định khả năng vào đại học.
“Học sinh không nên chỉ được đánh giá qua điểm thi và các trường đại học hiện đang dần dần nhận ra điều đó”, ông Zhang cho hay. “Trung Quốc vẫn đang xem xét các kế hoạch để thay đổi hệ thống thi cử. Tuy nhiên điều đó sẽ không xảy ra một sớm một chiều”.
Phan Anh
Theo AP