1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sức hút công nghệ cao từ Trung Quốc

Công nhân trong các nhà máy của Mỹ đang là nạn nhân đầu tiên của nguồn nhân công giá rẻ Trung Quốc. Một câu hỏi đang được đặt ra là liệu cán bộ nghiên cứu và kỹ sư của Mỹ có phải là những nạn nhân tiếp theo? Tờ Philadelphia Inquirer của Mỹ đã đăng tải bài viết của tác giả Bob Fernandez về vấn đề này.

Các công ty của Mỹ đã khẳng định là không. Tuy nhiên, thực tế là họ đang đầu tư hàng triệu đôla để xây dựng các trung tâm nghiên cứu và thuê nhân công tại Trung Quốc. Chẳng hạn, Khu công nghệ cao Trường Giang có sự góp mặt của những tên tuổi lớn như: DuPont Co., General Electric Co., Honeywell International Inc. và GlaxoSmithKline P.L.C…

 

Đội ngũ kỹ sư và nhân viên kỹ thuật với mức lương chỉ từ 5.000 - 10.000 USD/năm, thị trường 1,3 tỷ dân và tốc độ tăng trưởng kinh tế 10% của Trung Quốc đang tạo ra sức hút lớn đối với hàng trăm công ty công nghệ cao của Mỹ và châu Âu trong suốt 2 năm qua. Ở Trung Quốc, tiền lương trả cho cán bộ nghiên cứu chỉ bằng 1/5 ở Mỹ và cho công nhân sản xuất là 150 USD/tháng.

 

Với 750 trung tâm nghiên cứu của nước ngoài, trong đó có 400 trung tâm được xây dựng từ giữa năm 2004 ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Hàng Châu, Quảng Châu, Trùng Khánh và Tây An. Các trung tâm này đều được chính phủ Trung Quốc ưu đãi về thuế.

 

Có nhiều nguyên nhân khiến các công ty đổ xô đến Trung Quốc. Nhiều công ty, như Rohm & Haas, cho biết họ muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc rộng lớn bằng chính những sản phẩm được sản xuất ngay tại nước này.

 

Một số ý kiến khác cho rằng việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc là một phần trong nỗ lực bành chướng hoạt động của các công ty ra phạm vi toàn cầu và cho phép họ tận dụng đội ngũ kỹ sư của Trung Quốc. Một số tập đoàn lớn của Châu Á cũng nối bước Mỹ và châu Âu chuyển hoạt động sản xuất sang Trung Quốc.

 

Đi tiên phong trong xu thế này là các công ty sản xuất hàng điện tử tiêu dùng và chíp máy tính. Tập đoàn Intel hiện có 6.000 lao động Trung Quốc. Từ nay đến cuối năm, Motorola có kế hoạch tuyển thêm hàng trăm kỹ sư ở Trung Quốc, bổ sung vào đội ngũ 10.000 lao động hiện có tại 17 trung tâm nghiên cứu của hãng tại nước này.

 

Các công ty châu Á như Toshiba, Panasonic và Samsung cũng đang sử dụng hàng chục nghìn lao động ở Trung Quốc sau khi đóng cửa hoạt động ở Đài Loan và Hàn Quốc.

 

Đặt chân đến Trung Quốc

 

Rohm & Haas đã thành lập một trung tâm nghiên cứu ở Phố Đông - khu mới của thành phố Thượng Hải - hồi cuối tháng 9 năm nay nhằm cung cấp các chất phụ gia sơn cho 8.000 nhà máy sơn ở Trung Quốc. Ngoài ra, công ty này còn muốn ở gần các công ty điện tử để tiêu thụ các sản phẩm hóa chất.

 

Gary S.Calabrese, Phó chủ tịch tập đoàn này cho biết Rohm & Haas xây dựng trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc không chỉ vì lý do nhân công giá rẻ mà còn vì đây thực sự là một thị trường tiềm năng. Tập đoàn này hiện đã có 6 nhà máy ở Trung Quốc đại lục và một nhà máy ở Hồng Kông, với tổng số lao động đang dừng ở con số 500 và dự kiến sẽ tăng lên 1.000.

 

Chỉ vài tuần sau khi thành lập trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc, Rohm & Haas tuyên bố sẽ thu hẹp hoạt động ở Mỹ vì đã tăng cường hoạt động ở Trung Quốc và một số thị trường đang nổi khác.

 

Và không có lý gì mà các công ty lại không khẩn trương chuyển hoạt động sản xuất sang Trung Quốc khi mà hầu hết các đối thủ cạnh tranh của họ đều đã có mặt ở Trung Quốc. Họ cho rằng họ sẽ chẳng mất gì trong bài toán kinh doanh này vì tất cả sẽ cùng thắng hoặc cùng thua, và do đó vị trí của họ trong ngành sẽ chẳng có gì thay đổi.

 

Tuy nhiên, Andrew C.Mertha, một nhà nghiên cứu ở Đại học Washington, đã cảnh báo các công ty nên thận trọng với vấn đề sở hữu trí tuệ khi xây dựng trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc. “Nếu bạn sở hữu một công nghệ đã qua 3 thế hệ thì nên mang sang Trung Quốc. Nhưng nếu đó là công nghệ mới nhất thì rất có khả năng sẽ bị “đánh cắp”, ông nói.

 

Câu chuyện của Rohm & Haas

 

Trung tâm nghiên cứu mới của Rohm & Haas với chi phí xây dựng là 30 triệu USD nhưng trung tâm này trông đáng giá hơn nhiều. Ban giám đốc công ty cho biết sẽ phải mất khoảng 100 triệu USD mới có thể xây dựng một trung tâm như thế này ở Mỹ. Lý do đơn giản là nhân công xây dựng giá rẻ ở Trung Quốc.

 

Hartmann Huang, Giám đốc kỹ thuật của Rohm & Haas ở Trung Quốc, cho biết việc tuyển dụng cho trung tâm nghiên cứu mới của công ty rất dễ dàng, ít nhất là với các vị trí thấp. Trên bàn ông hiện đang có một chồng hồ sơ xin việc.

 

Ông còn cho biết thêm trong năm nay đã có một trăm sinh viên ngành hợp chất cao phân tử tốt nghiệp từ hai trường đại học của địa phương. Đây là một phần trong kế hoạch bổ sung đội ngũ kỹ sư và cán bộ kỹ thuật của Trung Quốc.

 

Một lý do khác để Rohm & Haas có mặt ở Trung Quốc là họ không thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thị trường này nếu phải mất hàng tuần để vận chuyển hàng từ trung tâm ở Mỹ sang Trung Quốc.

 

Thêm vào đó, sản phẩm sản xuất tại Mỹ có thể không phù hợp với yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Ví dụ như các chủ thầu Trung Quốc thường cho pha loãng sơn để công nhân sơn 5 - 6 lớp lên tường. Điều này có thể thực hiện được là do chi phí nhân công của Trung Quốc rẻ hơn giá sơn. Nhưng cách làm này đòi hỏi các công ty phải sản xuất loại sơn có thể pha loãng được. Vì là công ty cung cấp chất phụ gia cho các nhà máy sản xuất sơn nên Rohm & Haas phải chế tạo các chất phụ gia có thể đáp ứng nhu cầu pha loãng sơn.

 

Ở trung tâm mới, Rohm & Haas đang nghiên cứu phát triển các loại sơn ngoài trời chống ô nhiễm để không bị xỉn màu khi tiếp xúc với không khí độc hại ở Trung Quốc. Trung tâm này cũng sẽ nghiên cứu chất phụ gia sơn đặc biệt phù hợp với ngành xây dựng Trung Quốc.

 

“Chúng tôi phải cạnh tranh với rất nhiều các công ty nội địa nên muốn cung cấp sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng”, đại diện của công ty khẳng định.

 

Theo Thu Lan

Vneconomy/Philadelphia Inquirer