1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sự thật về những kẻ tấn công liều chết ở Iraq

Những người đánh bom cảm tử tại Iraq thường đến từ các nước láng giềng. Họ rất trẻ, thuộc tầng lớp xã hội cao và xuất thân từ những gia đình danh giá. Hầu hết đều có gia đình đầm ấm, vật chất dồi dào, tương lai sáng sủa nhưng họ đã rời bỏ tất cả chỉ để hoàn thành trách nhiệm Hồi giáo của họ: tử vì đạo.

Một tư liệu bằng tiếng Ảrập được những thành viên của tổ chức Thánh chiến phát tán mới đây trên Internet với sự minh họa của hình ảnh, lời kể và cả những bản di chúc cho thấy chân dung thực sự nhìn từ bên trong của những chiến binh tử vì đạo đã và đang hoạt động tại Iraq.

  

Họ từ đâu tới?

 

Phần lớn thành viên trong danh sách trên là những người đến từ các nước láng giềng của Iraq, đặc biệt từ Ảrập Xêút và chính xác là từ vùng Nadjd (đây là cái nôi hình thành vương quốc Ảrập Xêút, đồng thời là nơi hội tụ của nhiều gia đình có sức ảnh hưởng lớn mạnh nhất vương quốc này).

 

Tuy nhiên, cũng có cả những người đến từ Kuweit, Bờ Tây, một số nước Bắc Phi như Algeria, Tunisia và Maroc cùng một vài thành viên từ Pháp và Tây Ban Nha.

 

Con đường tìm về Iraq của đa phần những chiến binh Thánh chiến là qua ngả biên giới Syria. Đã có nhiều trường hợp cố thử vào Iraq qua ngả Afghanistan và Bờ Tây, nhưng tất cả đều thất bại.

 

Điển hình là một thanh niên 19 tuổi người Ảrập Xêút, sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học về Hồi giáo. Xuất phát từ Ảrập Xêút, người này cố tìm cách vào Iraq qua ngả Syria, nhưng đã bị bắt tại đây.

 

Lần thứ 2, y vào Iraq thông qua ngả Bờ Tây nhưng cũng đã bị cảnh sát Bờ Tây bắt giữ và tạm giam 2 tháng. Sau khi được trả tự do, y tiếp tục qua ngả Syria để tới Iraq bằng máy bay. Nhưng tại sân bay quốc tế Syria, y bị từ chối cho nhập cảnh và buộc phải quay lại Ảrập Xêút.

 

Cách đây 2 tháng, y tìm cách vào Libăng rồi từ đó bí mật tới Syria và dễ dàng tới Iraq. Tất cả những cố gắng của y đã được "đền đáp" xứng đáng khi y "hy sinh"  trong một vụ đánh bom cảm tử ở thành phố Falluja, Iraq.

 

Họ là ai?

 

Những người đánh bom cảm tử như vậy tại Iraq, tuổi đời còn rất trẻ (19-25 tuổi), đều thuộc tầng lớp xã hội cao và xuất thân từ những gia đình danh giá. Vào thời điểm họ đến Iraq để tham gia cuộc Thánh chiến, phần lớn vẫn đang còn là sinh viên và đã có vợ, một số người đã có con nhỏ.

 

Đặc biệt những người người đến từ Ảrập Xêút còn có một cuộc sống vật chất rất dồi dào, một tương lai sáng sủa, một gia đình hết sức đầm ấm. Nhưng họ đã rời bỏ tất cả chỉ để hoàn thành trách nhiệm Hồi giáo của họ: tử vì đạo.

 

Một số nước như Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Qatar... được coi là những nơi không có người tham gia Thánh chiến tại Iraq thì nay cũng đã xuất hiện.

 

Đa phần những chiến binh nước ngoài tham gia Thánh chiến tại Iraq đều chỉ biết sơ cách sử dụng các loại vũ khí thông qua sách vở, và đa phần không thuộc bất cứ một tổ chức khủng bố nào trước đó.

 

Động cơ của họ là gì?

 

Những lời kể và các bản di chúc được đưa lên Internet cho thấy động cơ đến Iraq tham gia Thánh chiến của những người này xuất phát từ những tình cảm lẫn lộn giữa sự bất lực trước sự thống khổ của người dân Iraq, những hành động dã man của những kẻ ngoại đạo (không thuộc Hồi giáo), tình cảnh người dân thường bị giết hại, sự tra tấn, ngược đãi và bắt giam những chiến binh Thánh chiến...

 

Thêm vào đó là lòng căm thù Mỹ sâu sắc trong tư tưởng những người này. Sự động viên của các lãnh tụ tinh thần Hồi giáo là khâu cuối cùng trong việc biến những tình cảm và suy nghĩ của những người này thành hành động.

 

Một trong những câu chuyện về điều này được các "islamonautes" (cư dân trên mạng là người Hồi giáo) trên diễn đàn Ansar al-Islami (đậm chất triết lý Hồi giáo và tinh thần thánh chiến) kể lại như một huyền thoại. Đó là câu chuyện về hai anh em nhà Djedda, người anh 24 tuổi đã thuyết phục được em trai của mình 19 tuổi đang là sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học theo anh ta tới Falluja, Iraq chiến đấu.

 

Một trong những lời bình cho câu chuyện này của các islamonautes là: "Điều tuyệt vời nhất trong câu chuyện này nằm ở chỗ, người anh không nói với người em những câu đại loại như "Gia đình mình chỉ cần một người tham gia Thánh chiến là được rồi", hay "Anh không muốn cha mẹ phải đau khổ khi cả hai anh em trong gia đình đều hy sinh", hoặc "Em hãy ở nhà ráng chăm sóc cha mẹ giùm anh" ... mà người anh chỉ nói: "Hãy đến đây với anh!".

 

Thông qua tư liệu trên, Chính phủ Iraq có thể lấy đó là căn cứ để lên án các nước láng giềng như Syria hay Ảrập Xêút trong vai trò trung chuyển hay cung cấp các phần tử khủng bố vào Iraq. Điều đáng lo ngại hơn cả là những câu chuyện, lời kể trong tư liệu này cho thấy sự gia tăng mạnh của một loại hình liên minh xã hội và tinh thần xoay quanh cuộc Thánh chiến Hồi giáo.

 

Cuộc chiến tại Iraq đã làm sản sinh một thế hệ lực lượng động viên thường trực. Những thanh  niên này là một đội quân dự bị mà nó không cần bất cứ một cơ cấu hoạt động, tổ chức nào cụ thể để vận hành. Đội quân này sở hữu một loại vũ khí phá hủy hàng loạt: sự hy sinh tính mạng. Đây chính là một đòn giáng mạnh vào những nền tảng cơ bản nhất của cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ tiến hành từ sau ngày 11/9/2001 và là những "kết cục hiển nhiên" mà cuộc chiến này đã làm phát sinh ra.

 

Theo An ninh thế giới